Thứ hai 25/11/2024 08:05

Hòa Bình: Hồi sinh nghề dệt thổ cẩm, tạo sinh kế cho phụ nữ người Dao Tiền

Nghề dệt thổ cẩm truyền thống, phát triển theo hướng thương mại hóa, tạo việc làm, tăng thu nhập cho phụ nữ người Dao Tiền xóm Sưng, xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc.

Chị Lý Thị Hằng, người dân tộc Dao Tiền đã tiên phong hồi sinh nghề dệt thổ cẩm truyền thống, phát triển theo hướng thương mại hóa, tạo việc làm, tăng thu nhập cho phụ nữ người Dao Tiền xóm Sưng, xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình.

Chị Lý Thị Hằng giới thiệu về sản phẩm túi xách dệt thổ cẩm hình phụ nữ người Dao Tiền

Hồi sinh nghề thêu dệt

Những ngày giữa tháng 10, phóng viên vượt con đường rừng khúc khuỷu dài gần 50km từ TP. Hòa Bình đến xóm Sưng, xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. Nơi đây vẫn còn giữ nguyên vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vỹ của núi rừng Tây Bắc. Thăm xóm Sưng, ai nấy đều không khỏi thích thú, cuốn hút bởi hoạt động dệt thổ cẩm, nhuộm vải cùng các chị em trong Tổ hợp tác thổ cẩm Dao Tiền.

Tại căn phòng nhỏ chưa đầy 15m2, các sản phẩm thổ cẩm mang nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Dao Tiền dần được tạo ra bởi những đôi tay khéo léo, tỉ mỉ, không chỉ góp phần "hồi sinh” nghề dệt truyền thống mà còn tạo việc làm cho nhiều nữ lao động người Dao Tiền nơi đây.

Chị Lý Thị Nhơn giới thiệu về tấm vải được in sáp ong Khoái trên rừng với nhiều họa tiết độc đáo

Chị Lý Thị Nhơn (xóm Sưng) tâm sự: “Từ nhỏ, chị em trong xóm đã được các bậc tiền bối truyền lại cho nghề dệt thổ cẩm để tự dệt vải, nhuộm chàm, thêu hoa văn, đường viền, trang trí trên váy áo của mình, phục vụ sinh hoạt hằng ngày cũng như trong các dịp lễ hội. Bởi vậy mà ai cũng thành thạo, lành nghề”.

Theo chị Nhơn, để làm nên một sản phẩm thổ cẩm hoàn chỉnh, phụ nữ Dao Tiền phải chuẩn bị nguyên liệu vô cùng tỉ mỉ. Ví dụ như sáp ong dùng để in hoa văn bắt buộc phải lấy sáp của con ong Khoái trên rừng, nếu dùng sáp ong nuôi sẽ dễ bị bong tróc. Quá trình nhuộm nhàm cũng rất mất thời gian, nhanh thì ít nhất 20 ngày, chậm phải mất cả tháng thì vải mới ăn chàm.

Bà Đặng Thị Mạnh tiến hành phơi các tấm vải đã được nhuộm chàm, chuẩn bị cho công đoạn dệt thổ cẩm

Đặc biệt, tất cả các công đoạn đều được làm thủ công, đòi hỏi sự cẩn thận, khéo léo và chuyên tâm mới có tấm vải dệt chỉ đều tăm tắp. Trên mỗi sản phẩm, chị em ứng dụng các kỹ thuật thêu hoa văn vào sản xuất túi xách, mũ vải, khăn quàng cổ, khăn trải bàn... nhằm giới thiệu đến du khách thăm quan, trải nghiệm.

Chị Lý Thị Hằng – Tổ trưởng Tổ hợp tác thổ cẩm Dao Tiền chia sẻ, trước đây, bà con xóm Sưng dệt thổ cẩm chủ yếu phục vụ cho sinh hoạt thường ngày hoặc làm quà tặng. Kinh tế chủ yếu làm làm nương rẫy, chăn nuôi, trồng trọt nên cái nghèo, cái đói đeo bám quanh năm. Mấy năm trở lại đây, nhờ giao thông thuận tiện, mạng xã hội phát triển, du khách biết đến xóm Sưng nhiều hơn, ngày càng nhiều người đến thăm quan, trải nghiệm cuộc sống, văn hóa của người Dao Tiền.

Để có 1 sản phẩm thổ cẩm hoàn chỉnh phải trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ, có khi mất cả tháng trời

“Các du khách khi đến với bản Sưng đều tỏ ra thích thú, ấn tượng với các họa tiết thêu trên váy áo của phụ nữ Dao Tiền, từ đó tôi nảy ra ý tưởng liên kết với các hộ gia đình có nghề dệt thổ cẩm, mỗi hộ phụ trách 1 công đoạn, cùng nhau sản xuất các sản phẩm thủ công như: Váy áo, túi xách, khăn quàng… có thêu các họa tiết đặc trưng để chào bán cho du khách trong và ngoài nước làm kỷ niệm, đem lại giá trị kinh tế cao hơn so với những sản phẩm từ nông nghiệp”, chị Hằng thông tin.

Theo chị Hằng, họa tiết trang trí trên váy áo và đồ trang sức của người Dao Tiền chủ yếu là hình sóng nước, đường zích zắc, cây thông, dê, chim... mỗi họa tiết trên các sản phẩm thổ cẩm đều chứa đựng câu chuyện về cuộc sống, ý nghĩa sâu xa của người Dao Tiền trong việc du canh du cư, tìm cuộc sống tốt đẹp. Hình ảnh hoa văn sóng nước trên chân váy của người Dao Tiền chính là hóa thạch văn hóa, chứ không chỉ đơn giản mang ý nghĩa trang trí.

Thúc đẩy du lịch cộng đồng

Tháng 1/2023, Tổ hợp tác thổ cẩm Dao Tiền được thành lập với 12 thành viên, các sản phẩm của Tổ hợp tác trở thành hàng hóa độc đáo quảng bá trên các mạng xã hội, được nhiều du khách biết đến. Tính riêng trong 6 tháng đầu năm, doanh thu từ việc bán các sản phẩm thổ cẩm đạt trên 100 triệu đồng, chưa kể từ các dịch vụ hướng dẫn du khách trải nghiệm nhuộm vải, dệt thổ cẩm, lưu trú tại địa phương.

Ông Lý Văn Nghĩa - Trưởng xóm Sưng, xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình

Ông Lý Văn Nghĩa – Trưởng xóm Sưng (xã Cao Sơn) thông tin, trên địa bàn xóm Sưng có 77 hộ, với 395 nhân khẩu. Nhờ sự quan tâm của nhà nước, xóm Sưng đã được đầu tư một số tuyến đường, nhất là tuyến đường từ trung tâm xã Cao Sơn vào xóm Sưng giúp giao thông thuận tiện, phát triển giao thương, thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế đến tham quan trải nghiệm, thúc đẩy du lịch cộng đồng.

Đường vào xóm Sưng được bê tông hóa, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm

Theo ông Nghĩa, Tổ hợp tác thổ cẩm Dao Tiền đã truyền cảm hứng, thúc đẩy chị em xóm Sưng nỗ lực sản xuất, lao động để cải thiện thu nhập. Hiệu quả kinh tế mà Tổ hợp tác thổ cẩm Dao Tiền mang lại có thể còn khiêm tốn. Tuy nhiên, Tổ hợp tác cùng các thành viên đã nỗ lực gìn giữ, phát huy được ngành nghề truyền thống của dân tộc mình, giữ gìn bản sắc dân tộc. Quan trọng nhất, Tổ hợp tác đã giúp lao động nữ có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương có việc làm ổn định, cải thiện thu nhập, từng bước vươn lên thoát nghèo.

Ông Nghĩa mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp chính quyền trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông tại xóm Sưng, sự quan tâm, hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ, các “mạnh thường quân” về kinh phí, kinh nghiệm cho bà con xóm Sưng phát triển du lịch cộng đồng, nghề dệt thổ cẩm truyền thống… tạo sinh kế cho người dân, từng bước ổn định, có cuộc sống đủ đầy.

Nhờ phát triển nghề dệt thổ cẩm theo hướng thương mại, phụ nữ người Dao Tiền có việc làm ổn định, tăng thêm thu nhập

Trao đổi với phóng viên, ông Đinh Văn Thụ - Chủ tịch UBND xã Cao Sơn cho biết, xóm Sưng hiện có hơn 50 hộ tham gia vào các dịch vụ homestay, thổ cẩm, hướng dẫn viên, nhóm văn nghệ… thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm. Qua đó, tạo thu nhập cho người dân, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa người Dao Tiền, phát triển kinh tế địa phương.

Trong các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội được xây dựng đầu năm 2023, Đảng ủy, UBND xã đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đưa những cây, con giống mới có năng suất cao vào sản xuất. Phát triển đàn gia súc, gia cầm, tạo sản phẩm hàng hóa cung cấp cho thị trường. Tạo điều kiện để người dân được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi phát triển kinh tế, góp phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

Dần Thanh
Bài viết cùng chủ đề: Tỉnh Hòa Bình

Tin cùng chuyên mục

Thuận Châu (Sơn La): Thực hiện tốt Chương trình 1719, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

Lạng Sơn: Chú trọng giải pháp căn cơ để giảm nghèo bền vững

Bắc Giang giành 2 giải A tại liên hoan nghệ thuật các dân tộc lần thứ VII năm 2024

Bài cuối: Đảng ta là Đảng vì nước, vì dân

Bắc Giang: Tặng Bằng khen 6 tập thể, 16 cá nhân đóng góp phát triển vùng dân tộc thiểu số

Bài 2: Động lực 'tiên quyết' giúp đồng bào Hà Giang phát triển

Bài 1: Những quyết sách mang ý Đảng, lòng dân

Hội nghị biểu dương đại biểu các dân tộc thiểu số thành phố Đà Nẵng lần thứ II năm 2024

Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Lai Châu: Hướng đến 11 mục tiêu

Lào Cai: Hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình: Chú trọng công tác kiện toàn nhân sự Chương trình 1719

Sơn La bảo tồn và phát triển các bản du lịch gắn với giá trị văn hóa truyền thống

Huyện Bắc Yên - Sơn La dành nguồn vốn lớn đầu tư hạ tầng thiết yếu cho bà con dân tộc

Sơn La xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ măng cho đồng bào dân tộc thiểu số

Tuyên Quang: Tập trung xây dựng hạ tầng cơ sở thiết yếu vùng dân tộc thiểu số

Lạng Sơn: Đưa di tích lịch sử, văn hóa thành sản phẩm du lịch bền vững

Huyện Mộc Châu bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội Púng Hiéng của người Dao Tiền

Huyện Mường La - Sơn La đưa điện lưới quốc gia đến với bà con thôn bản

Huyện Mộc Châu - Sơn La đổi thay từ nguồn vốn dành cho đồng bào dân tộc thiểu số

Người Hà Lăng ở Kon Tum bảo tồn nét văn hoá truyền thống của 'nghề sinh ra từ làng'