Hàng chục người dân ở Thái Bình lâm vào nợ nần khi cho người quen vay tiền
Phóng viên Báo Lao Động trao đổi trực tiếp với những người dân đang bị bà Dung nợ tiền. Ảnh: Lương Hà |
Thế chấp tài sản cho vay cả chục tỷ đồng
Có mối quan hệ gia đình, từng là chị em dâu con chú bác với bà Vũ Thị Dung (ở tổ dân phố số 6, thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình), bà Trần Thị An (sinh năm 1964), ở tổ dân phố số 3, cùng thị trấn Diêm Điền đã thế chấp nhà cửa và đất cát mang tên hai vợ chồng bà An để cho bà Dung vay, lấy vốn làm ăn.
“Sau nhiều lần Dung kể chuyện làm ăn, kinh doanh bất động sản, cần nhiều vốn đầu tư kinh doanh và ngỏ lời hỏi vay, vì là chị em dâu con chú bác nên tôi đã rất tin tưởng Dung, tôi dồn toàn bộ tài sản gia đình có được thế chấp lấy tiền cho Dung vay. Sau nhiều lần cho vay, đến thời điểm này, số tiền Dung vay tôi là hơn 10 tỉ đồng. Từ cuối năm 2022 đến nay, tôi đã nhiều lần đòi nhưng Dung không trả. Thậm chí, tôi đã đến nhà Dung yêu cầu thanh toán để tôi trả nợ ngân hàng nhưng Dung đã không hợp tác, tránh mặt, không nghe điện thoại của tôi nữa” - bà Trần Thị An cho biết.
Cũng đặt niềm tin tuyệt đối vào bà Dung, bà Nguyễn Thị Thuận (sinh năm 1966, ở tổ dân phố số 6, thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy) buồn bã chia sẻ: “Tôi với Dung chơi với nhau đến nay mấy chục năm nay rồi, tôi rất tin tưởng Dung.
Trước đây, chúng tôi luôn giúp đỡ nhau trong cuộc sống nhưng tôi không nghĩ rằng Dung lại phản bội lòng tin của tôi, đã lừa tôi cho vay số tiền lớn và trốn tránh tôi như vậy. Đến thời điểm hiện tại, Dung cầm của tôi số tiền hơn 13 tỷ đồng".
"Từ cuối năm 2022 đến nay, khi biết Dung tuyên bố không có khả năng chi trả, gia đình tôi như ngồi trên đống lửa, chạy vạy khắp nơi để lo trả lãi trước mắt và không biết lấy đâu ra tiền gốc để trả ngân hàng" - bà Thuận nói.
Phải bán nhà lấy tiền chữa bệnh
Không chỉ bà An, bà Thuận, ở thị trấn Diêm Điền có đến vài chục gia đình lâm vào tình cảnh nợ nần khi cầm cố cả nhà cửa để cho bà Dung vay mượn.
"Tin tưởng bà Dung vì gia đình là chỗ làm ăn có uy tín và chơi với nhau nhiều năm nên tôi đã bàn bạc với chồng để thế chấp 2 căn nhà mang tên vợ chồng tôi cho ngân hàng Công Thương - chi nhánh Diêm Điền, rồi lấy tiền cho bà Dung vay.
Sau nhiều lần cho vay, tính đến ngày 31/12/2022, số tiền bà Dung vay tôi là 4,5 tỷ đồng" - bà Trương Thị Tuynh (ở tổ dân phố số 9, thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy) cho biết.
Cũng tin tưởng bà Dung, bà Nguyễn Thị Hường (ở thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy) đã dồn hết tiền tiết kiệm để lo cho tuổi già, cho bà Dung vay 450 triệu đồng từ năm 2019.
“Lãi suất bà Dung trả khi vay tôi là 1,5. Tôi cứ nghĩ là bà ấy buôn bất động sản nên mới cho vay, nhưng sau này tôi nghe mọi người nói mới biết bà Dung cho mọi người vay lãi cao với lãi suất lên đến 4,5. Sau khi phát hiện bản thân bị chẩn đoán ung thư, tôi cũng báo bà Dung để lấy lại tiền chữa bệnh, thậm chí nhiều lần tôi tới nhà bà Dung khóc lóc van xin để lấy tiền nhưng không được nên phải phát bán nhà để lấy tiền điều trị” - bà Hường mệt mỏi kể.
Liên quan đến sự việc trên, lãnh đạo Công an huyện Thái Thụy cho biết, đơn vị đã tiếp nhận đơn trình báo của công dân về sự việc này và đang được thụ lý tin báo giải quyết theo tin báo tố giác tội phạm.
Được biết, gần đây, Công an huyện Thái Thụy đã triệt phá được 5 vụ, khởi tố 5 đối tượng liên quan đến tín dụng đen.
Tuy nhiên, tình trạng cho vay nặng lãi tại các làng quê vẫn tiềm ẩn nhiều phức tạp, khó phát hiện khi diễn ra giữa những người quen biết với nhau. Chính vì vậy, để sự việc trên sớm được sáng tỏ và giúp hàng chục người dân thị trấn Diêm Điền yên tâm làm việc, rất cần có sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng.