![]() |
Cây trà hoa vàng do anh Hà Minh Tuấn nhân giống |
Năm 2007, Hà Minh Tuấn được điều về làm Phó Chủ tịch xã, phụ trách nông nghiệp. Chính vì thế mà anh có điều kiện để hiểu thêm hơn giống cây này. Nhiều năm gần đây, khi biết được lợi ích từ loài hoa vàng này, bà con thu hái không có kế hoạch. Thêm vào đó là nhiều người nơi khác đến bản để hỏi mua hoa và cả lá, rễ cây chè rừng với giá rất cao. Hiện 1 ki-lô-gam chè hoa vàng sấy khô có giá từ 6 đến 8 triệu đồng.
Vậy là người dân cứ vừa bới tung đất đá tìm vàng và phá nát cả bụi rậm tìm hoa mà không có phương án bảo tồn, gìn giữ.
Nghĩ là làm, Hà Minh Tuấn lại khăn gói đi học cao học với đề tài nghiên cứu là loại trà hoa vàng. Sau hơn 2 năm mất ăn mất ngủ vì cây chè, Tuấn đã ươm thành công hơn 3.500 gốc chè (tỷ lệ cành ươm thành công hơn 80%) trên diện tích 3 héc-ta, được trồng trong khu vườn giáp cánh rừng ở xã Châu Kim. Với đặc tính cây chè rất khó trồng, anh phải tạo hệ thống nước tự chảy quanh vườn nhằm tạo độ ẩm và trồng nhiều loại cây cao che bóng nắng. Mục tiêu của anh là tạo được giống cây từ việc giâm và ghép cành để bán cho người dân địa phương trồng. Chừng 1 năm tuổi là có thể đem ra trồng được. Cuối năm nay khi mùa xuân đến thì anh sẽ trồng thêm khoảng 3.000 - 4.000 cây nữa.

Ông Lô Hùng Cường, Phó phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Quế Phong cho biết, mô hình nhân giống, bảo tồn cây chè hoa vàng của anh Hà Minh Tuấn được đánh giá là cách làm hiệu quả, vừa mang lại lợi ích kinh tế, vừa giữ được rừng. Năm 2016, huyện Quế Phong đã lập đề án bảo tồn, phát triển cây chè hoa vàng, trong đó khuyến khích việc nhân giống để bảo tồn loại cây có giá trị này nhằm tạo cho người dân địa phương thoát nghèo và làm giàu từ việc trồng và thu hoạch hoa chè. Mỗi năm ở Quế Phong, người dân thu hái được khoảng 20 tấn hoa chè tươi từ rừng, thu về khoảng 50 tỷ đồng, chưa kể lợi nhuận mang lại cho các thương lái và người chế biến chè.
Thời gian qua, hơn 10.000 cây giống chè hoa vàng đã được Hà Anh Tuấn cấp cho người dân trồng để vừa phát triển kinh tế vừa bảo vệ rừng. “Loại chè này ưa bóng râm. Người dân trồng chè hoa vàng trong những khu rừng đã được giao bảo vệ, sẽ một công đôi việc, vừa giữ được rừng vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao từ việc thu hoạch hoa chè. Nhiều gia đình đã mạnh dạn cải tạo vườn để trồng trà hoa vàng rồi” - anh Tuấn nói. Sau khi giâm cành thành công, hiện nay anh đang mày mò nhân giống bằng ghép cành. “Việc nghiên cứu tạo giống chè hoa vàng cũng giúp mình hoàn thành luận văn tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành trồng trọt. Chỉ 2 năm nữa thôi khi nhà báo quay trở lại, cả khu vườn sẽ tràn ngập sắc hoa…”. Hà Minh Tuấn tự tin.