Thứ tư 16/04/2025 20:04

Đạo đức giá bao nhiêu?

Khi đạo đức bị thương mại hóa thành chiến lược truyền thông, xã hội không chỉ mất chuẩn mà còn học cách im lặng để sống sót...

"Đạo đức giá bao nhiêu?" - câu hỏi tưởng chừng trừu tượng bỗng trở nên nhức nhối giữa những ngày mạng xã hội tràn ngập kẹo rau củ, sữa bột giả, clip quảng cáo sai sự thật và những lời xin lỗi được dàn dựng công phu. Khi mỗi viên kẹo được tung ra bằng một chiếc lưỡi gỗ đạo lý, mỗi hộp sữa giả được gửi đến giường bệnh nhân bằng một chiến dịch marketing đầy nước mắt, ta buộc phải đặt lại giá trị của hai chữ đạo đức - trong đời sống, kinh doanh và cả truyền thông.

Một viên kẹo Kera được tung hô như “một đĩa rau luộc”. Một hộp sữa trị tiểu đường, thận yếu, thai phụ… được trộn hóa chất giá rẻ, kiếm lợi nhuận bất chính hơn 500 tỷ đồng. Một hotgirl livestream gọi nước lợi khuẩn là “sữa mát cho trẻ 8 tháng”. Một trang thương mại điện tử của Mailystyle bán hàng nhập lậu, sản phẩm chưa qua kiểm định, rồi livestream rao giảng đạo đức kinh doanh. Tất cả những thứ đó đều được đẩy lên như một món quà của tình thương. Và khán giả - chính là người tiêu dùng - đã uống, đã mua, đã tin…

Vấn đề không chỉ là vi phạm Luật An toàn thực phẩm, Luật Quảng cáo, hay Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Vấn đề là sự đồng lõa ngày càng tinh vi giữa cái ác và cái thiện giả mạo. Khi những nhân vật được gọi là “người ảnh hưởng” cố tình phủ một lớp vỏ đạo đức lên sản phẩm sai trái, họ không chỉ lừa người tiêu dùng. Họ đang thao túng cả niềm tin xã hội. Bởi đạo đức - khi bị đưa lên làm content - không còn là giá trị sống, mà trở thành công cụ bán hàng.

Cũng không thể trách riêng họ. Bởi mỗi cú click, mỗi lượt like, mỗi lần chia sẻ đầy phẫn nộ rồi lại lãng quên của cộng đồng cũng đang góp phần định giá đạo đức. Hôm nay giận dữ. Mai xuề xòa. Mốt lại tha thứ bằng một trend mới. Trong vòng quay ấy, đạo đức không chết, nhưng bị quy đổi. Nó có giá. Và giá đó không do tòa tuyên, mà do thị trường quyết định.

Kho sữa chứa sản phẩm giả vừa bị Bộ Công an phanh phui. Ảnh: VTV

Pháp luật hiện hành đã có quy định rất rõ: Nghiêm cấm dùng hình ảnh trẻ em để quảng cáo sai sự thật; yêu cầu sản phẩm phải công bố tiêu chuẩn, dán nhãn đúng, không đánh lừa người tiêu dùng… Nhưng bao nhiêu người bị xử lý đến nơi đến chốn? Bao nhiêu cá nhân bị cấm hành nghề sau khi vi phạm? Và bao nhiêu nền tảng - như TikTok, Facebook - bị truy trách nhiệm liên đới khi để quảng cáo độc hại lan tràn? Câu trả lời là gần như không có. Bởi vậy, cái sai được lập lại - không phải vì người ta không biết luật - mà vì luật chưa đủ răn đe và dư luận chưa đủ tỉnh táo.

Nguy hiểm hơn, chính một bộ phận truyền thông đang vô thức tiếp tay cho đạo đức giả khi chạy theo tương tác. Những gương mặt từng bị bóc trần vẫn tiếp tục xuất hiện trên mặt báo, talkshow, quảng bá thương hiệu. Khi truyền thông chính thống cũng bị chi phối bởi thuật toán “nóng - giật - lạ”, thì ai sẽ là người giữ chuẩn cho cộng đồng?

Đã đến lúc báo chí, luật pháp và cả người tiêu dùng phải ngồi lại. Phải định nghĩa lại đạo đức trong thời đại kỹ thuật số. Phải thiết lập lại một hàng rào - không phải để cấm đoán, mà để nhận diện thật - giả. Đạo đức không thể là món hàng khuyến mãi kèm sản phẩm. Cũng không thể là một chiếc mặt nạ được trưng trên kệ livestream.

Bởi khi đạo đức bị đem bán như một món hàng, xã hội đã bước sang một thời kỳ nguy hiểm: Nơi cái thiện chỉ còn là lớp trang điểm và cái ác biết nói lời tử tế hơn bất cứ ai.

Có thể nói, cái mất lớn nhất không phải là tiền bạc, mà là lòng tin. Mỗi lần đạo đức bị đem ra rao bán, lòng tin xã hội lại bị rút ruột thêm một chút. Và điều đáng sợ nhất là: Cái xấu giờ đây không cần phải giấu - chỉ cần nói lời đạo lý trước khi tung sản phẩm.
Lê Thạch
Bài viết cùng chủ đề: An toàn thực phẩm

Tin cùng chuyên mục

Bê bối sữa giả: Hơn 500 tỷ trục lợi từ niềm tin người tiêu dùng

Thực phẩm bẩn tràn lan: Vai trò người tiêu dùng ở đâu?

Vụ việc MC Quyền Linh và 'khoảng trống' trong văn hóa ứng xử

Sẽ có cây sen Việt Nam vững vàng trong kỷ nguyên số

Hãy để mỗi món quà là một dấu ấn Hà Nội

Không thể xuyên tạc quan hệ tốt đẹp Việt – Trung: ‘Vừa là đồng chí vừa là anh em’

Từ kẹo Kera tới sữa giả 500 tỷ đồng: Tội ác không thể dung thứ!

Cây gạo ở Hà Nam bị chặt và lỗ hổng quản lý văn hoá

Cần xác minh, xử lý nghiêm sự ngông cuồng, lệch chuẩn của Lê Việt Hùng

Sốt đất Hà Nội quay lại: Hồi chuông cảnh báo từ ‘bóng ma’ 2008

Cậu bé cứu bạn: Lan tỏa cảm xúc đẹp trong cộng đồng

Đi bộ sang đường sai luật: Thói quen nhỏ, hiểm họa lớn

Đề thi Văn từ sách giáo khoa: Thay đổi chóng mặt, học sinh hoang mang

AI trong xuất khẩu: Lời giải cho bài toán hội nhập số

Nghệ sĩ với quảng cáo: Sức hút và rủi ro pháp lý

Bảo tàng đông kín dịp lễ: Lịch sử vẫn luôn có sức hút

Chuyện huyện Tương Dương bị đòi nợ: Cần minh bạch, trách nhiệm và giám sát

Cần lên án hành động cợt nhả, xem thường Quốc tang

Cứu hộ động đất Myanmar: 'Không ai bị bỏ lại phía sau'

Ai 'bảo kê niềm tin' cho Quang Linh Vlogs, Hằng Du Mục?