'Cú trượt' niềm tin
Vụ việc MC Quyền Linh bị "tố bội tín" từ chương trình "Mái ấm gia đình Việt" của Tập đoàn Hoa Sen không những là mâu thuẫn cá nhân, mà còn cho thấy khoảng trống lớn giữa cam kết nghề nghiệp và văn hóa ứng xử trong các chương trình truyền hình thiện nguyện tại Việt Nam.
Trước phản ứng quyết liệt từ nhà tài trợ, mới đây, Quyền Linh chính thức lên tiếng trên trang cá nhân Facebook, khẳng định bản thân không ký hợp đồng độc quyền với chương trình "Mái ấm gia đình Việt". Do đó, việc anh xuất hiện trong một chương trình có format tương tự như "Hành trình ước mơ" là không vi phạm pháp luật. Xét về pháp lý, anh không sai.
![]() |
Ở phía Quyền Linh, dù nhận được sự cảm thông và bênh vực nhất định từ công chúng, anh vẫn đối diện với câu hỏi về sự khéo léo trong truyền thông và trách nhiệm hình ảnh. (Ảnh minh họa) |
Tuy nhiên, dư luận cho rằng, gốc rễ của mâu thuẫn thực chất nằm ngoài câu chuyện pháp lý, đó là vấn đề về niềm tin, sự kỳ vọng và tinh thần đồng hành giữa một biểu tượng thiện nguyện và chương trình đã góp phần làm nên tên tuổi anh. Nhà sản xuất có thể không quy định bằng văn bản, nhưng có thể đã ngầm mặc định rằng, giữa những người "cùng chí hướng vì cộng đồng" thì quy định ứng xử không cần viết rõ ra trên hợp đồng, chỉ cần lời hứa hai bên là đủ.
Chính tại điểm mơ hồ ấy, mâu thuẫn bùng lên và chưa đến hồi kết. Tạm khép lại câu hỏi đơn thuần "Quyền Linh có sai không?", ở góc độ khác, sự việc "lùm xùm" đáng tiếc đang phơi bày một lỗ hổng tồn tại lâu nay trong ngành sản xuất truyền hình, đấy là sự thiếu minh bạch trong chuẩn mực nghề nghiệp và lỏng lẻo trong thiết chế ứng xử truyền thông chuyên nghiệp.
Bài học về cách ứng xử
Các chương trình thiện nguyện thường được vận hành bằng cảm xúc, thiện chí và tự nguyện. Nhưng chính vì thế, khi có va chạm, các bên dễ trượt vào phản ứng cảm tính. Họ không đối thoại, mà công bố mâu thuẫn qua truyền thông, cách làm dễ gây chia rẽ và tổn thương chính giá trị mà họ nhân danh bảo vệ. Hệ quả là không ai thực sự chiến thắng.
Một thương hiệu từng nhiều năm gắn bó với các chương trình vì cộng đồng như Tập đoàn Hoa Sen, có thể nói, đang bị nhìn nhận là quá cứng rắn khi chọn giải pháp pháp lý với nhân vật gắn liền với hình ảnh thiện nguyện là Quyền Linh.
Ở phía Quyền Linh, dù nhận được sự cảm thông và bênh vực nhất định từ công chúng, anh vẫn đối diện với câu hỏi về tính khéo léo trong truyền thông và trách nhiệm hình ảnh.
Từ vụ việc này, có thể thấy rõ là ngay cả những chương trình nhân văn cũng cần được vận hành bằng nguyên tắc rõ ràng. Thiện chí là điều cần có, nhưng không thể thay thế tính chuyên nghiệp. Mọi thỏa thuận, dù bắt đầu từ niềm tin, vẫn nên được cụ thể hóa bằng điều khoản. Không vì thiếu tin nhau, mà là để bảo vệ niềm tin khỏi những hiểu lầm không đáng có.
Đối với những người dẫn chương trình, đặc biệt là gương mặt có sức ảnh hưởng lớn như Quyền Linh, việc giữ nhất quán hình ảnh là tối quan trọng. Sự xuất hiện trong các chương trình tương đồng không chỉ là lịch phát sóng, mà là cách họ định vị mình trong lòng công chúng.
Khi sự cố đã xảy ra, điều cần không phải là phản ứng gay gắt hay chỉ trích công khai, mà là bản lĩnh ngồi lại, cùng đối thoại để hóa giải. Bởi nền tảng của mọi chương trình thiện nguyện là tinh thần nhân văn, nếu để mất đi vì tranh chấp quyền lợi, thì chính giá trị cốt lõi cũng bị tổn thương.
Công chúng có thể quên ai đúng ai sai, nhưng họ sẽ nhớ cách những người có ảnh hưởng cư xử trong thời điểm nhạy cảm. Bởi truyền hình có thể tạo ra lan tỏa. Nhưng chỉ văn hóa ứng xử mới tạo nên sự lan tỏa bền lâu.