“Nhặt” một chữ, gieo cả cơn hoang mang
“Cô ơi, bộ nói đề thi Văn có thể lấy ngữ liệu trong sách giáo khoa… Vậy đề sẽ ra kiểu gì hả cô?”
Giọng Thu Hà, học sinh lớp 12 ở Vĩnh Phúc vang lên trong lớp học luyện thi môn Văn yên ắng như thể ai vừa ném một viên đá vào mặt hồ tư duy đang phẳng lặng. Cô giáo văn khựng lại giữa bài giảng. Một giây, hai giây… rồi ánh mắt đầy trăn trở nhìn đám học trò: “Cô... cũng chưa rõ”.
Từ ngày 30/7/2024, tại Công văn 3935/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2024 - 2025, đối với môn Ngữ văn, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu tránh sử dụng những văn bản, đoạn trích đã được học trong sách giáo khoa để làm ngữ liệu kiểm tra đánh giá năng lực đọc hiểu và viết trong các đề kiểm tra định kì nhằm khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn.
Đồng thời, tăng cường xây dựng ngân hàng câu hỏi, ma trận đề kiểm tra theo yêu cầu cần đạt của chương trình môn học; chuẩn bị cho học sinh lớp 9 làm quen với định hướng đề thi tuyển sinh vào lớp 10, học sinh lớp 12 làm quen với định hướng đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Tiếp đến đầu năm học 2024 - 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo định hướng rõ hơn: Đề thi Ngữ văn sẽ không lấy ngữ liệu trong sách giáo khoa. Học sinh cả nước được dẫn dắt làm quen với văn bản ngoài sách giáo khoa để mở rộng tư duy, tăng tính phản biện.
Cùng với đó, ngày 18/10/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố đề tham khảo Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2025 môn Ngữ văn. Tiếp đến, ngày 16/2/2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố cấu trúc đề minh họa Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2025 môn Ngữ văn. Theo đó, phần Đọc hiểu và Viết cả đề minh họa và đề tham khảo đều cho ngữ liệu ngoài sách giáo khoa.
Nhưng rồi ngày 5/4/2025, chia sẻ của GS.TS. Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo - với báo chí đã khiến toàn bộ định hướng của ngành giáo dục bị lung lay dữ dội. Ông Chương nói: “Đề thi môn Ngữ văn vẫn có thể “nhặt” câu chữ trong sách giáo khoa”.
![]() |
Chỉ còn hơn hai tháng nữa là bước vào Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2025 |
“Nếu đề thi thực sự quay về sách giáo khoa, thì tôi không thể dạy hết ba bộ sách cùng lúc. Cắt chương trình cũng vi phạm, mà không ôn thì phụ huynh và học sinh lại quay sang trách móc” - cô Nguyễn Thị Loan giáo viên một trường trung học phổ thông ở Vĩnh Phúc chia sẻ.
Không chỉ cô Loan mà nhiều giáo viên dạy môn Ngữ văn bậc trung học phổ thông trên cả nước đều hoang mang, nửa tin nửa ngờ và không biết đâu mà lần. Nếu điều này là sự thật, giáo viên phải sử dụng ngữ liệu của cả 3 bộ sách giáo khoa: Chân trời sáng tạo; Cánh diều và Kết nối tri thức với cuộc sống để ôn tập lại cho học sinh trong khi thời gian ôn luyện không còn nhiều.
Việc này cũng kéo theo tình trạng học sinh ôn tập quá tải, các nhà trường có thể sẽ cắt xén chương trình để ôn thi dù biết là vi phạm quy chế chuyên môn. Điều đáng lo ngại nhất là giáo viên, học sinh, phụ huynh và dư luận xã hội sẽ mất niềm tin vào ngành giáo dục vì sự chỉ đạo tiền hậu bất nhất theo kiểu ngẫu hứng của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
“Chúng tôi cần chỉ đạo nhất quán. Không thể xoay kiểu gió chiều nào theo chiều đó được” - thầy Nguyễn Văn Hưng, giáo viên môn Ngữ văn tại Hà Nội nói với giọng đầy bức xúc.
Trong khi đó, các em học sinh bày tỏ: “Chúng em không biết nên tin cái nào. Bộ ra đề kiểu này là... tụi em chịu thua”.
“Học Văn bây giờ không còn là cảm xúc nữa, mà là một trò chơi đoán đề... như xổ số!” - một học sinh khác cười nói.
Biết rằng, đằng sau tiếng cười gượng ấy là bao nhiêu đêm mất ngủ, là áp lực “khủng khiếp” của các em khi chỉ còn hơn hai tháng nữa bước vào kì thi quyết định cả tương lai.
Chính sách không thể là chuyện “sáng nắng, chiều mưa”
Nhà giáo Nguyễn Ngọc Hòa - người có kinh nghiệm hơn 30 năm trong lĩnh vực quản lý giáo dục nêu quan điểm: “Giáo dục là một hệ thống dựa vào sự ổn định, liên kết và rõ ràng. Phát ngôn như vậy có thể dẫn đến hậu quả rất lớn về mặt tâm lý, chiến lược học tập và niềm tin xã hội”.
Theo ông, việc “nhặt” ngữ liệu trong sách giáo khoa làm đề thi không sai nếu có kế hoạch, có lộ trình, có thông báo sớm và có cơ sở lý luận rõ ràng. Nhưng nếu nó chỉ xuất hiện bất ngờ, như một câu nói bên lề, mà hệ thống giáo dục không biết phản ứng thế nào, thì nó phản giáo dục.
“Chính sách giáo dục không thể là chuyện sáng nắng chiều mưa. Một kỳ thi quốc gia không chỉ kiểm tra kiến thức, mà còn là bài kiểm tra niềm tin vào thể chế. Nếu mỗi năm lại thay đổi định hướng, nếu một phát ngôn có thể “lật bàn” toàn bộ phương pháp học - thì thử hỏi: Còn ai dám yên tâm gửi gắm con em vào hệ thống giáo dục ấy?” - vị chuyên gia đặt câu hỏi.
Ông Hòa cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần công bố rõ ràng việc có hay không việc sử dụng ngữ liệu sách giáo khoa trong đề thi Văn chính thức. Đồng thời, đính chính hoặc làm rõ phát ngôn gây hiểu lầm. Đặc biệt là cam kết duy trì ổn định chiến lược thi cử ít nhất trong năm học hiện hành.
Theo Công văn số 1239/BGDĐT-QLCL của Bộ Giáo dục và Đào tạo về hướng dẫn một số nội dung tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025, Đề thi Ngữ văn theo hình thức tự luận. Các môn còn lại theo dạng trắc nghiệm với các câu hỏi chọn phương án đúng, đáp án đúng/sai và trả lời ngắn. |