Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với TS. Vũ Văn Tính - cố vấn cao cấp Công ty Luật SALUS - để hiểu hơn về rủi ro pháp lý của nghệ sĩ với quảng cáo.
Đừng để "kiếm củi ba năm thiêu một giờ"
- Trong thời đại truyền thông số phát triển mạnh mẽ, hình ảnh của các nghệ sĩ và người nổi tiếng (KOL) ngày càng trở thành “vũ khí” lợi hại trong các chiến dịch quảng cáo. Đặc biệt, các sản phẩm mỹ phẩm và thực phẩm chức năng - vốn nhạy cảm với sức khỏe và niềm tin của người tiêu dùng - thường được các thương hiệu mời nghệ sĩ, KOL làm đại diện. Ở góc độ pháp lý, ông đánh giá như thế nào về hiện tượng này?
![]() |
TSVũ Văn Tính - cố vấn cao cấp Công ty Luật SALUS. Ảnh: Quốc Chuyển |
TS. Vũ Văn Tính: Thực tế cho thấy, cùng với sự bùng nổ của mạng xã hội, đặc biệt là thương mại điện tử chiếm lĩnh mọi lĩnh vực trong cuộc sống, việc nhiều người nổi tiếng, các nghệ sĩ tham gia “sân chơi” này không hiếm. Tuy nhiên, nếu không cẩn trọng, việc tham gia quảng cáo các sản phẩm không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc có thể khiến nghệ sĩ rơi vào vòng xoáy pháp lý, đánh mất uy tín và sự nghiệp mà họ phải mất bao nhiêu năm mới xây dựng được, đúng như câu nói “kiếm củi ba năm đốt một giờ”.
Không thể phủ nhận rằng, nghệ sĩ và người nổi tiếng có sức ảnh hưởng lớn đến quyết định mua sắm của người tiêu dùng. Một đoạn video quảng cáo với hình ảnh một ca sĩ nổi tiếng sử dụng mỹ phẩm làm trắng da hay một diễn viên quảng bá thực phẩm chức năng tăng cường sức khỏe có thể thu hút hàng triệu lượt xem và thúc đẩy doanh số bán hàng.
Theo thống kê từ Nielsen Việt Nam năm 2023, 65% người tiêu dùng Việt Nam cho biết, họ tin tưởng sản phẩm hơn nếu có người nổi tiếng quảng cáo. Điều này lý giải vì sao các thương hiệu sẵn sàng chi hàng tỷ đồng để mời nghệ sĩ làm gương mặt đại diện.
Tuy nhiên, cùng với sức hút là những rủi ro không nhỏ. Thị trường mỹ phẩm và thực phẩm chức năng tại Việt Nam hiện nay tồn tại nhiều sản phẩm kém chất lượng, không được cấp phép, hoặc quảng cáo sai sự thật. Ví dụ, vào năm 2022, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã xử phạt hàng loạt doanh nghiệp vì quảng cáo thực phẩm chức năng với nội dung “chữa khỏi bệnh” – điều cấm kỵ theo Điều 8 Luật Quảng cáo 2012.
Trong các vụ việc này, không ít nghệ sĩ bị công chúng chỉ trích vì đã tham gia quảng bá sản phẩm mà không kiểm chứng kỹ. Một trường hợp điển hình là vụ việc một diễn viên nổi tiếng quảng cáo thực phẩm chức năng “trị bách bệnh”, sau đó sản phẩm bị thu hồi vì chứa chất cấm, khiến danh tiếng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
- Nghệ sĩ là người có tầm ảnh hưởng dựa vào mức độ nổi tiếng. Mỗi phát ngôn, hình ảnh của họ ít nhiều tác động và góp phần định hướng tới khán giả, đặc biệt là người trẻ. Chính vì vậy, việc đưa ra những thông tin sai lệch rất nguy hiểm. Vậy thưa ông, hiện các quy định pháp luật và mức xử phạt hiện nay áp dụng thế nào đối với việc quảng cáo sai sự thật?
TS. Vũ Văn Tính: Những rủi ro này không chỉ dừng lại ở việc mất uy tín. Theo pháp luật Việt Nam, người tham gia quảng cáo có thể bị xử phạt hành chính nếu nội dung quảng cáo sai sự thật. Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định mức phạt từ 60-100 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo thực phẩm chức năng sai quy định và nghệ sĩ cũng có thể bị liên đới trách nhiệm nếu cố ý hoặc vô ý tham gia.
Thậm chí, trong trường hợp nhà sản xuất, thương nhân bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi làm hàng giả hoặc lừa dối người tiêu dùng thì người tham gia quảng bá sản phẩm có thể còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm.
![]() |
Từ cú ngã ngựa của Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục là lời cảnh báo cho cả showbiz Việt về sức hút công chúng và rủi ro pháp lý tiềm ẩn trên mạng xã hội. Ảnh: MXH |
Để tránh vào vòng lao lý, các nghệ sĩ cần nắm rõ những quy định pháp luật về lưu hành sản phẩm và quảng cáo, đặc biệt khi quảng bá mỹ phẩm và thực phẩm chức năng - hai lĩnh vực có tính nhạy cảm cao.
Về lưu hành sản phẩm, các nghệ sĩ cần kiểm tra xem sản phẩm đã được cấp phép lưu hành chưa. Đối với mỹ phẩm, sản phẩm phải có giấy công bố sản phẩm mỹ phẩm do Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cấp. Với thực phẩm chức năng, cần có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm và giấy xác nhận nội dung quảng cáo từ Cục An toàn thực phẩm. Nếu doanh nghiệp không cung cấp được các giấy tờ này, nghệ sĩ nên từ chối hợp tác để tránh rủi ro pháp lý.
Về quảng cáo, theo Luật Quảng cáo 2012, nội dung quảng cáo phải trung thực, chính xác và không được phóng đại công dụng sản phẩm. Đối với thực phẩm chức năng, Điều 6 Nghị định 117/2020/NĐ-CP nghiêm cấm quảng cáo dưới dạng “chữa khỏi bệnh” hay “thay thế thuốc chữa bệnh”.
Tương tự, mỹ phẩm chỉ được quảng cáo theo công dụng đã đăng ký với cơ quan chức năng, không được tuyên bố sai lệch như “trị mụn vĩnh viễn” hay “trẻ hóa da 10 tuổi” nếu không có bằng chứng khoa học. Nói cách khác, nghệ sĩ chỉ quảng cáo đúng với công dụng được ghi trên nhãn sản phẩm và nội dung đã được cơ quan chức năng phê duyệt. Từ chối mọi yêu cầu quảng cáo khác với nội dung đã được cơ quan chức năng phê duyệt.
Hợp đồng chặt chẽ với nhà sản xuất
- Để những người nổi tiếng, nghệ sĩ có thể “tự bảo vệ”, tránh vướng thị thi, lao lý, vậy theo ông, cần phải trang bị những gì, đặc biệt là khi ký kết hợp tác với nhà sản xuất, đối tác?
TS. Vũ Văn Tính: Bên cạnh việc nắm rõ pháp luật, nghệ sĩ, người nổi tiếng cần đặc biệt chú trọng đến hợp đồng ký kết với nhà sản xuất hoặc thương nhân. Một hợp đồng chặt chẽ không chỉ bảo vệ quyền lợi của nghệ sĩ mà còn là “lá chắn” giúp họ tránh bị liên đới trách nhiệm khi sản phẩm có vấn đề. Dưới đây là các điều khoản quan trọng cần có trong hợp đồng:
Cam kết về chất lượng sản phẩm: Doanh nghiệp phải cam kết sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng, có đầy đủ giấy phép lưu hành và không chứa chất cấm. Điều khoản này giúp nghệ sĩ có cơ sở pháp lý để yêu cầu bồi thường nếu doanh nghiệp vi phạm.
Trách nhiệm pháp lý: Hợp đồng cần quy định rõ ràng doanh nghiệp chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu sản phẩm không đúng như quảng cáo hoặc gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Nghệ sĩ chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi nội dung đã được phê duyệt và không biết về vi phạm của doanh nghiệp.
Quyền kiểm tra thông tin: Nghệ sĩ nên yêu cầu quyền được xem xét các tài liệu liên quan đến sản phẩm (giấy phép, kiểm định chất lượng) trước khi ký hợp đồng và quay quảng cáo.
Điều khoản bồi thường do uy tín và hình ảnh bị tổn hại: Hợp đồng cần có điều khoản quy định mức bồi thường về uy tín và hình ảnh bị tổn hại do doanh nghiệp vi phạm các cam kết về chất lượng sản phẩm và tuân thủ pháp luật. Các bên có thể thoả thuận trong hợp đồng một khoản tiền bồi thường nếu sự kiện vi phạm xảy ra.
Xin cảm ơn ông!
Ngoài các biện pháp pháp lý, nghệ sĩ cũng cần ý thức về trách nhiệm của mình với công chúng - những người đã tin tưởng và ủng hộ họ. Việc quảng cáo một sản phẩm kém chất lượng không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng mà còn làm suy giảm lòng tin của khán giả vào chính nghệ sĩ đó. Để tránh điều này, nghệ sĩ cần đặt trách nhiệm lên hàng đầu, nắm rõ quy định pháp luật, kiểm tra kỹ sản phẩm, ký hợp đồng chặt chẽ và trung thực với công chúng. |