Công ty công nghệ ghi nhận nợ xấu từ hệ sinh thái Đèo Cả
Công ty công nghệ này hoạt động trong lĩnh vực bán buôn thiết bị và linh kiện điện tử, viễn thông. Công ty chuyên cung cấp các sản phẩm, giải pháp công nghệ thông tin truyền thống.
Ngoài ra, công ty còn là đối tác của những doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam như Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Công ty TNHH Viettel – CHT, Trung tâm Internet Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) – Trung tâm Công nghệ Thông tin, Ngân hàng Chính sách xã hội,…
Thông qua đấu thầu, nhà thầu này đã tiếp cận được nhiều khách hàng lớn có vốn Nhà nước. Bên cạnh đó, công ty cũng có đối tác vốn tư nhân, đơn cử như hệ sinh thái Đèo Cả. Tuy nhiên, dù là ông lớn trong ngành giao thông nhưng thương hiệu Đèo Cả lại gây nợ xấu cho công ty.
Nhà thầu thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin đã có nợ xấu từ hai thành viên thuộc hệ sinh thái Đèo Cả. (Ảnh minh họa) |
Vì sao có nợ xấu từ Đèo Cả
Dù có vốn hàng trăm tỷ đồng nhưng bức tranh tài chính của nhà thầu này khá yếu. Một trong những nguyên nhân chính là phần lớn tài sản đã nằm ngoài công ty.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2023 (cho kỳ kết thúc là ngày 31/3/2024) của công ty, tại ngày 31/3/2024, đơn vị này ghi nhận 301 tỷ đồng các khoản phải thu ngắn hạn và 26,4 tỷ đồng các khoản phải thu dài hạn. Như vậy, các khoản phải thu đạt 327,4 tỷ đồng, chiếm 49,2% tổng tài sản.
Đáng chú ý, công ty phải dành 26,5 tỷ đồng cho dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi. Dự phòng xuất hiện khi có đối tác gây nợ xấu cho công ty.
Cụ thể, hồi cuối tháng 3/2024, tổng nợ xấu tại công ty là 22,6 tỷ đồng. Giá trị có thể thu hồi được chỉ là 9,8 tỷ đồng.
Trong đó, Công ty Cổ phần Công nghệ OTP Việt Nam gây nợ xấu cho công ty 5,5 tỷ đồng, đơn vị khác gây nợ xấu 3,2 tỷ đồng.
Ngoài OTP Việt Nam, công ty ghi nhận nợ xấu gần 9,8 tỷ đồng với Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả và nợ xấu gần 4,1 tỷ đồng với Công ty Cổ phần Đầu tư BOT Đèo Cả Khánh Hòa. Thời gian quá hạn là trên 3 năm. Giá trị có thể thu hồi được với Đầu tư Đèo Cả là 9,8 tỷ đồng, với BOT Đèo Cả Khánh Hòa là 0 đồng.
Báo cáo tài chính quý 4/2023 không thuyết minh rõ khoản nợ xấu này. Tuy nhiên, trong báo cáo năm 2022, công ty cho biết tại ngày 31/3/2023, công ty có 52,2 tỷ đồng nợ xấu tại Đầu tư Đèo Cả. Giá trị có thể thu hồi được là 42,5 tỷ đồng.
Công ty cho biết: “Một phần giá trị của dự án Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả với số tiền 15,6 tỷ đồng chưa đủ điều kiện thu hồi công nợ do chưa đủ cơ sở quyết toán với Bộ Giao thông vận tải. Hiện tại, Tập đoàn đã trích lập dự phòng gần 5,8 tỷ đồng do đang trong quá trình chờ Bộ Giao thông vận tải quyết toán sau cùng cho liên doanh nhà thầu".
Số nợ xấu 5,5 tỷ đồng hồi cuối năm 2022 tại Đầu tư BOT Đèo Cả Khánh Hòa không được công ty thuyết minh rõ.
Cả Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả và Công ty Cổ phần Đầu tư BOT Đèo Cả Khánh Hòa đều là thành viên của Tập đoàn Đèo Cả.
Mạnh tay cắt giảm chi phí
Các khoản phải thu khó đòi không phải vấn đề duy nhất của đơn vị này. Năm 2023, công ty còn chứng kiến doanh thu giảm sâu. Trong bối cảnh đó, buộc công ty phải mạnh tay cắt giảm chi phí.
Cụ thể, doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ quý 4/2023 giảm 102 tỷ đồng, tương đương 38,1% so với quý 4/2022 xuống chỉ còn 166 tỷ đồng; lũy kế cả năm giảm từ 871 tỷ đồng xuống 801 tỷ đồng.
Trong quý 4/2023, do doanh thu giảm sâu nên lãi gộp công ty chỉ đạt 37,6 tỷ đồng, giảm 16,8 tỷ đồng, tương đương 30,9% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, công ty lại có khoản lợi nhuận sau thuế 802 triệu đồng, cải thiện mạnh so với số lỗ 8,1 tỷ đồng của quý 4/2022.
Kết quả là lợi nhuận sau thuế năm 2023 tăng từ 10,3 tỷ đồng lên 11,1 tỷ đồng. Kết quả này có được là do công ty giảm chi phí quản lý doanh nghiệp quý 4/2023 từ 41,5 tỷ đồng xuống 15,8 tỷ đồng; lũy kế cả năm giảm từ 87,7 tỷ đồng xuống 56,7 tỷ đồng.
Tại ngày 31/3/2024, tổng tài sản của công ty giảm 124 tỷ đồng, tương đương 15,7% so với cuối năm trước.