Thứ năm 08/05/2025 00:52

Chuyện xóa đói nghèo ở huyện vùng cao Ba Bể

Giai đoạn 2018 - 2020, huyện Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn) là 1 trong 8 huyện được xét thoát nghèo. Câu chuyện giảm nghèo thành công ở huyện nghèo Ba Bể đang tạo sức lan tỏa mạnh mẽ với nhiều địa phương đang trong hành trình giảm nghèo bền vững.

Huyện Ba Bể có diện tích tự nhiên 68.421 héc-ta, dân số trên 51.000 người, chủ yếu là đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Dao, Kinh… Do địa hình đồi núi chia cắt bởi sông, suối và trình độ dân trí thấp, sản xuất canh tác lạc hậu nên nhiều năm qua, Ba Bể được xếp vào 1 trong 62 huyện nghèo và khó khăn nhất của cả nước.

Nhiều hộ dân đã được tạo điều kiện để tham gia dịch vụ du lịch trên hồ Ba Bể

Để từng bước thoát nghèo, ông Nguyễn Văn Dong - Phó Chủ tịch huyện Ba Bể cho biết: Những năm qua, chính quyền và đồng bào các dân tộc huyện Ba Bể đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị. Từ năm 2009 đến nay, với nguồn vốn 297 tỷ 85 triệu đồng hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững của Chính phủ, Ba Bể đã ưu tiên nguồn vốn cho phát triển sản xuất, xây dựng các công trình thủy lợi, đường giao thông, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa và nhiều hạng mục khác.

Cụ thể như, là địa phương 90% sản xuất nông nghiệp, trong quá trình thực hiện công tác giảm nghèo, huyện Ba Bể đã hỗ trợ 100% hộ nghèo trên địa bàn được vay vốn phát triển sản xuất và chăn nuôi. Riêng Ngân hàng Chính sách xã hội Ba Bể đã cho 18.000 lượt hộ nghèo vay hàng chục tỷ đồng.

Song song với đó, Ba Bể còn thực hiện các phương án đẩy mạnh, nâng cao giá trị kinh tế trong sản xuất nông – lâm nghiệp, đảm bảo cơ cấu giống và mùa vụ gắn liền với thâm canh tăng vụ, tăng giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích. Đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh nông sản hàng hóa cho hiệu quả kinh tế cao, doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm như: Trồng cây mướp đắng rừng, trồng bí xanh thơm với trên 17 héc-ta ở xã Địa Linh, trồng hồng không hạt quy mô 7 héc-ta ở xã Cao Trĩ, Quảng Khê, mô hình hợp tác xã chè 12 héc-ta ở Mỹ Phương… Đặc biệt, mô hình trồng chuối ở thôn Khuổi Luồm, xã Yến Dương đã thu hút 70% số hộ dân trong thôn tham gia. Hiện cả thôn Khuổi Luồm có tới 50 héc-ta trồng chuối, nhà nhiều có 3 héc-ta, ít thì trên 1 héc-ta. Nhiều hộ đã thoát nghèo và làm giàu nhờ trồng chuối.

Cũng theo Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Dong, từ những tiềm năng về rừng và phát triển du lịch, những năm gần đây, Ba Bể luôn chú trọng kêu gọi đầu tư, giao đất, hỗ trợ người dân trồng rừng và khai thác chế biến lâm sản. Tạo điều kiện cho đồng bào bản Bác Ngòi, Bố Lù, Cốc Tộc… xã Nam Mẫu nằm trên lòng hồ Ba Bể phát triển mô hình nhà ở homestay phục vụ khách du lịch nghỉ ngơi, giúp người dân địa phương tăng thêm thu nhập.

Bà Triệu Thị Ngư - thôn Thiêng Điểm, xã Phúc Lộc thoát nghèo từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội

Bên cạnh việc đẩy mạnh sản xuất nông – lâm nghiệp và du lịch, những năm qua, huyện Ba Bể còn thực hiện lồng ghép, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước; đảm bảo nguyên tắc không làm thay đổi mục tiêu, tổng mức vốn đầu tư và không sử dụng nguồn kinh phí này để thực hiện cho các mục tiêu, nhiệm vụ khác. Từ nguồn vốn 231 tỷ 887 triệu đồng dành hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, Ba Bể đã xây mới và sửa chữa được 181 công trình, trong đó có 36 công trình giao thông, làm cầu và thảm nhựa, bê tông hàng trăm kilômét đường liên xã, đến các thôn, bản, giúp đồng bào đi lại thuận tiện lưu thông hàng hóa; 3 công trình cung cấp điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất kinh doanh; 68 công trình xây dựng; 22 trường học; 19 trạm y tế và thực hiện hỗ trợ làm nhà ở cho 73 hộ nghèo…

Với cách làm này, đến nay, bộ mặt nhiều xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn của Ba Bể đã thay đổi tích cực, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xuống còn 28,28%, đưa Ba Bể ra khỏi danh sách 62 hộ nghèo của cả nước

Hải Hiếu

Tin cùng chuyên mục

Cao Bằng: Du lịch thúc đẩy kinh tế vùng dân tộc

Chợ miền núi Bắc Kạn: 'Khơi thông' dòng chảy hàng hoá

Longform | Để nông sản miền núi không còn ‘lỡ hẹn’ những mùa vàng

Bà con dân tộc thiểu số bắt ‘trend’ chợ mạng

Đắk Lắk khơi dòng tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Kon Tum: Diện mạo các vùng nông thôn vùng đồng bào dân tộc chuyển mình mạnh mẽ

Lan toả văn hoá ẩm thực nông thôn bằng công nghệ số

Bình Định: Xã “vùng lõm” cuối cùng có điện lưới quốc gia

Lễ hội Khâu Vai 2025: Kết nối sản phẩm vùng cao

Đồng bào dân tộc thiểu số làm giàu từ nông sản sạch

Phụ nữ nông thôn chủ động thích nghi với chuyển đổi số

Tiếp sức xây dựng thương hiệu sản phẩm khu vực dân tộc miền núi

Longform | Chè Thịnh An: Thương hiệu được ‘chưng cất’ từ khát vọng vùng cao

Na Võ Nhai, gà Phú Bình, chè Trại Cài: Thái Nguyên ‘làm thương hiệu’ từ sản phẩm bản địa

Thắp lửa văn hóa đọc ở nông thôn, gieo mầm tri thức

Quảng Ngãi: Độc đáo lễ mừng nhà mới của đồng bào Hrê

Bình Định bắc nhịp cầu tiêu thụ nông sản vùng cao

Người cao tuổi Kon Tum góp sức dựng xây nông thôn mới

Gia Lai tăng giá trị cho cà phê đặc sản

Gia Lai phát triển chợ vùng sâu, mở lối sinh kế bền vững