Bảo vệ hạnh phúc dưới mỗi nếp nhà
Đẩy lùi bạo lực gia đình để gìn giữ hạnh phúc |
Bạo lực gia đình trong cộng đồng DTTS
Số liệu thống kê của các cơ quan chức năng cho thấy, hơn 80% vụ ly hôn có nguyên nhân từ bạo lực gia đình. Bạo lực gia đình không chỉ phá vỡ hạnh phúc gia đình, mà còn để lại những hậu quả nặng nề về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với mỗi thành viên trong gia đình.
Mặc dù chưa có con số thống kê chính thức, nhưng số vụ bạo lực diễn ra trong cộng đồng DTTS sống ở các tỉnh miền núi những năm qua là không nhỏ. Đơn cử như tại tỉnh Bắc Kạn, theo số liệu tổng hợp của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, năm 2017, toàn tỉnh xảy ra hơn 125 vụ bạo lực gia đình, trong đó chủ yếu là bạo lực tinh thần và bạo lực thân thể (chiếm hơn 90%). Các vụ bạo lực gia đình xảy ra với phụ nữ các lứa tuổi, tập trung nhiều ở các vùng nông thôn...
Tại tỉnh Sơn La, thống kê từ năm 2012 đến nay cho thấy, toàn tỉnh xảy ra gần 6.000 vụ bạo lực gia đình, nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em gái. Đây có thể vẫn là con số khiêm tốn so với thực tế, bởi hầu hết các nạn nhân không tố cáo, nhận thức hạn chế về quyền con người...
Bạo lực gia đình cũng là chuyện không hiếm ở huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi, nơi có 85% dân số là đồng bào dân tộc H’re sinh sống. Đồng bào H’re vốn có thói quen uống rượu. Rượu vào, một số người không kiểm soát được lời nói, hành vi, dẫn đến các vụ bạo lực gia đình. Tính từ năm 2012 đến nay, riêng huyện Ba Tơ đã xảy ra hơn 300 vụ bạo lực gia đình, trong đó, nạn nhân là phụ nữ chiếm hơn 90%.
Mô hình hay, cần được nhân rộng
Sau khi Luật Phòng chống bạo lực gia đình có hiệu lực, cùng với nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến rộng rãi… các Câu lạc bộ Phòng, chống bạo lực gia đình cũng được nhiều địa phương thành lập tại các phường, xã, thôn, bản.
Câu chuyện ở huyện Tam Đường (Lai Châu) là một ví dụ. Trước đây, một số cặp vợ chồng ở các bản: Cư Nhà La, Suối Thầu, Sin Chải ở huyện Tam Đường thường xảy ra mâu thuẫn dẫn đến đánh nhau, cãi vã, đập phá tài sản. Đã nhiều lần bà con trong bản, tổ hòa giải đến nhắc nhở, khuyên can nhưng không có kết quả… Trước thực tế này, tháng 11/2016, Tam Đường đã Triển khai xây dựng mô hình phòng, chống bạo lực gia đình bằng việc thành lập 5 Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững tại bản Cư Nhà La, Suối Thầu, Trung Chải, Tả Chải, Sin Chải. Sau một thời gian hoạt động, câu lạc bộ đã trở thành điểm tựa cho tất cả những ai là nạn nhân của bạo lực gia đình; tham gia câu lạc bộ, mọi người có thể chia sẻ tâm tư nguyện vọng; được tư vấn những kiến thức cơ bản về pháp luật, kinh nghiệm về phòng chống bạo lực gia đình, bí quyết xây dựng gia đình hạnh phúc. Nhiều đối tượng nam giới sau khi tham gia câu lạc bộ đã hiểu đúng về vai trò, trách nhiệm của người trụ cột gia đình nên không còn hành vi cư xử thiếu văn hóa như chửi bới, đánh đập vợ con. Đến nay, 14/14 xã, thị trấn của Tam Đường đã có Câu lạc bộ Phòng, chống bạo lực gia đình với hơn 600 thành viên tham gia; đã bố trí được địa chỉ tạm lánh cho các nạn nhân bạo lực gia đình tại Trạm Y tế xã; thành lập 32 địa chỉ tin cậy có khả năng và tự nguyện giúp đỡ các nạn nhân khi có yêu cầu được giúp đỡ.
Với huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi), lo ngại về chuyện bạo lực gia đình gia tăng, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, từ năm 2012, huyện Ba Tơ đã xúc tiến thành lập mô hình câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững; nhóm phòng, chống bạo lực gia đình. Các câu lạc bộ này hoạt động với phương châm, biến những chuyện của riêng từng gia đình thành trách nhiệm chung. Từ đó, hóa giải những hiềm khích, mâu thuẫn trong gia đình bằng những phân tích, mổ xẻ thấu tình đạt lý, những lời khuyên can, tư vấn, chia sẻ kịp thời.
Sau 5 năm triển khai, huyện Ba Tơ đã xây dựng thành công mô hình các câu lạc bộ này ở xã Ba Bích, xã Ba Cung, thị trấn Ba Tơ… tạo nên những chuyển biến tích cực trong phòng, chống bạo lực gia đình.