Bài 2: Cải thiện cơ sở hạ tầng thúc đẩy thương mại biên giới
Dịch COVID-19 bùng phát khiến hoạt động thương mại biên giớigặp nhiều trở ngại nhưng kim ngạch xuất khẩu giữa Nghệ An - Lào vẫn có những tín hiệu tích cực.
Mặc dầu vậy, quá trình phát triển kinh tế khu vực biên giới, miền núi còn bộc lộ nhiều hạn chế, đặc biệt là việc ùn ứ hàng hóa vẫn xảy ra ngoài nguyên nhân nước bạn tăng cường kiểm dịch cũng có yếu tố hạ tầng đòi hỏi cần có kế hoạch bài bản để đưa ra giải pháp phù hợp với thực tế cũng như phát triển trong thời gian tới.
Tiềm năng phát triển lớn
Trong 10 tỉnh của Việt Nam tiếp giáp Lào, Nghệ An có đường biên giới dài nhất với 419 km. Nghệ An cũng là địa phương có 27 xã nằm trên khu vực biên giới trên bộ, trong đó xã có đường biên giới giáp Lào dài nhất là xã Mỹ Lý (H. Kỳ Sơn).
Cần hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp để thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực biên giới |
Ông Hoàng Minh Tuấn - Trưởng phòng Quản lý Xuất nhập khẩu Sở Công Thương Nghệ An cho hay, không thể phủ nhận, việc phát triển thương mại biên giới giữa Nghệ An và các tỉnh của nước bạn Lào trong những năm qua đã đạt những kết quả tích cực. Tuy nhiên, còn nhiều khó khăn, thách thức, trên thực tế hàng hóa xuất, nhập khẩu giữa Nghệ An – Lào còn đơn điệu, chưa bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế hai bên. Các mặt hàng lưu thông giữa hai bên chủ yếu là hàng nông sản, vật liệu xây dựng có giá trị và mức thu thuế thấp.
Ngoại trừ Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn được đầu tư khá bài bản, còn lại, hạ tầng kỹ thuật khu vực cửa khẩu, lối mở biên giới giữa Nghệ An và 3 tỉnh của nước bạn Lào còn nhiều hạn chế. Hầu hết các doanh nghiệp tham gia hoạt động thương mại biên giới, miền núi là doanh nghiệp nhỏ và vừa với khoảng 100 doanh nghiệp, hàng hoá có quy mô nhỏ, mang tính chất thương vụ, chưa có chiến lược phát triển lâu dài.
Tại Nghệ An, ngoài Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn tại huyện Kỳ Sơn, Cửa khẩu Thanh Thủy tại huyện Thanh Chương cũng là một cửa ngõ quan trọng, có vị trí rất thuận lợi để phát triển giao thương với nước bạn Lào khi chỉ cách TP. Vinh khoảng 50 km, cách Cảng Cửa Lò và Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An chỉ khoảng hơn 60 km.
Ông Phan Văn Nhâm – Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn cho biết: Sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, từ ngày 9/5/2022, Chính phủ Lào quyết định mở cửa trở lại các cửa khẩu quốc tế, trong đó có Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn đã góp phần giúp cho các hoạt động xuất, nhập khẩu cũng như qua lại thăm thân của người dân hai bên tấp nập trở lại. Công tác thông quan hàng hóa, phương tiện, xuất, nhập cảnh… được hai bên phối hợp thực hiện thuận lợi, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và nhân dân hai nước trao đổi, mua bán hàng hóa. Tính đến ngày 10/8/2022, Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn đã thu nộp ngân sách hơn 11,2 tỷ đồng, đạt 127,79% chỉ tiêu được giao. Trong đó, các mặt hàng đóng góp nguồn thu lớn là: gỗ xẻ các loại, quặng sắt nhập kinh doanh, tinh bột dong riềng…
Gỡ nút thắt hạ tầng
Tuy có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển thương mại nhưng theo Sở Công Thương Nghệ An, trong tổng kim ngạch của toàn tỉnh năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Nghệ An sang Lào có tỷ trọng nhỏ, chỉ chiếm 1,7%. Và trong giai đoạn 2018 đến quý I/2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu giữa Nghệ An và Lào đạt hơn 139 triệu USD, trong đó, xuất khẩu đạt 132,3 triệu USD, nhập khẩu đạt 6,8 triệu USD.
Thiếu chính sách ưu đãi, quy hoạch đồng bộ, nên chưa thu hút được doanh nghiệp lớn đầu tư khu vực biên giới |
Ông Phan Văn Nhâm cho biết thêm, do hàng hóa giao thương qua các khu vực này rất hạn chế, nên giá trị kinh tế mang lại còn chưa cao. Chưa kể, hệ thống hạ tầng giao thông chưa phát triển, dẫn đến việc lưu thông hàng hóa gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, khoảng cách từ Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn đến Viêng Chăn (Lào) và sang Thái Lan – những trung tâm kinh tế phát triển nhất lại quá xa (trên 500 km), nên các loại hàng hóa có giá trị xuất, nhập khẩu cao không về qua con đường này. Vì vậy, hàng hóa xuất, nhập khẩu tại Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn chủ yếu là các mặt hàng thô sơ có thuế suất bằng không. Hơn nữa, do điều kiện khí hậu, đường sá không thuận lợi nên hàng hóa lưu thông chỉ diễn ra chủ yếu vào mùa khô, từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau.
Ngay tại khu vực Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, dù đã xây dựng 1 tòa nhà trung tâm thương mại, nhưng lâu nay chỉ có vài doanh nghiệp hay hộ tiểu thương vào đăng ký mở gian hàng, khiến trung tâm thương mại này không phát huy hiệu quả và đã bị xuống cấp, hư hỏng.
Nhằm gỡ “nút thắt” hạ tầng, thúc đẩy giao thương, ngoài Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, từ năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý nâng cấp Cửa khẩu Thanh Thủy ở huyện Thanh Chương, thành cửa khẩu Quốc gia với mục tiêu biến nơi đây thành nơi sầm uất về mọi mặt. Đến năm 2013, tỉnh Nghệ An đã phê duyệt quy hoạch Cửa khẩu Thanh Thủy với tổng diện tích 21,97 ha để xây dựng các khu chức năng.
Đến năm 2016, Cửa khẩu Thanh Thủy là một trong các lựa chọn để xây dựng đường cao tốc Việt Nam – Lào, nối Hà Nội với Viêng Chăn dài khoảng 725 km. Đến năm 2018, khi quy hoạch đường cao tốc Hà Nội – Viêng Chăn được Chính phủ hai nước đồng ý thực hiện, việc quy hoạch Cửa khẩu Thanh Thủy thành khu kinh tế cửa khẩu được coi là động lực phát triển của vùng. Một khi tuyến đường cao tốc này trở thành hiện thực thì nó sẽ trở thành “huyết mạch” thúc đẩy dòng chảy hàng hóa từ các nước Lào, Thái Lan, Myanmar đi qua Nghệ An để tiến ra Biển Đông.
Tuy nhiên, theo đại diện Sở Công Thương Nghệ An, thương mại vùng biên vẫn còn hạn chế. Cơ cấu kinh tế tại khu vực biên giới vẫn dựa vào nông nghiệp là chính, chưa có vùng sản xuất tập trung, chưa áp dụng tiêu chuẩn, truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu, chưa hình thành chuỗi liên kết sản xuất- tiêu thụ. Sản xuất công nghiệp chưa tạo ra sản phẩm chủ lực, năng lực cạnh tranh yếu.
Ngoài việc hạ tầng công nghiệp, thương mại khu vực biên giới nhìn chung còn rất hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu, tiềm năng phát triển. Hiện tại, hạ tầng thương mại hiện đại rất thiếu như trung tâm logistics, đồng thời hạ tầng thương mại biên giới như kho hàng, chợ, trung tâm thương mại đều chưa hoạt động tốt.
Theo ý kiến nhiều chuyên gia, Nghệ An cần có một chương trình triển khai bài bản hơn nhằm khảo sát, đánh giá, xây dựng dữ liệu về hạ tầng thương mại trên tuyến biên giới.
Điều này sẽ làm cơ sở cho các bộ, ngành chức năng, địa phương nghiên cứu đề xuất, ban hành cơ chế, chính sách thu hút đầu tư xã hội hóa và tạo thuận lợi, khuyến khích đầu tư phát triển hạ tầng cũng như huy động nguồn lực xã hội và khai thác quỹ đất, lợi thế kinh doanh thương mại tại vùng biên giới.
(Còn nữa)