Bắc Kạn: Tổ chức thành công Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ IV - năm 2024
Nhiều nỗ lực của đồng bào các dân tộc
Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh /chu-de/tinh-bac-kan.topic lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề “Các dân tộc tỉnh Bắc Kạn đoàn kết, đổi mới, phát huy lợi thế, hội nhập và phát triển” được tổ chức long trọng trong 2 ngày 18 - 19/10.
Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Bắc Kạn lần thứ IV - năm 2024. Ảnh: Đình Hợi |
Đại hội có sự tham gia của đồng chí Nông Thị Hà - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc; lãnh đạo Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia; lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Uỷ ban Nhân dân, Uỷ ban Mặt trận tổ quốc, Đoàn Đại biểu quốc hội… cùng 250 đại biểu tiêu biểu đại diện cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.
Phát biểu khai mạc phiên trọng thể (sáng 19/10), bà Hoàng Thu Trang, Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Bắc Kạn - khẳng định, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cùng với sự đoàn kết, nỗ lực thi đua phấn đấu vươn lên, đồng bào các dân tộc tỉnh Bắc Kạn đã triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án của Trung ương và của tỉnh đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực.
Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2019 - 2024 đạt 5,5%/năm; đến nay, thu nhập bình quân/người đạt trên 50 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 27,37% năm 2020 xuống còn 21,95% năm 2023. Toàn tỉnh có 28 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 19 xã; có 218 sản phẩm OCOP, tăng 111 sản phẩm so với năm 2019. Đời sống của đồng bào được nâng cao, văn hóa truyền thống các dân tộc từng bước được đổi mới, bảo tồn, phát huy; công tác y tế, chăm sóc sức khỏe cho đồng bào ngày càng được quan tâm hơn (đến nay có 100% đơn vị cấp xã đạt bộ tiêu chí Quốc gia về y tế xã). Công tác quốc phòng an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số được giữ vững và ổn định. Từ trong các phong trào thi đua yêu nước, xuất hiện ngày càng nhiều điển hình tiên tiến là con em đồng bào dân tộc thiểu số trong học tập, nghiên cứu, lao động, sản xuất, kinh doanh, bảo vệ an ninh, Tổ quốc.
Bà Hoàng Thu Trang - Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Bắc Kạn - phát biểu khai mạc phiên trọng thể (sáng 19/10). Ảnh: Đình Hợi |
Theo bà Hoàng Thu Trang, kết quả đạt được trong những năm qua đã thể hiện sự cố gắng, nỗ lực phấn đấu rất lớn của đồng bào các dân tộc trong tỉnh Bắc Kạn. Tuy nhiên, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn là vùng có điều kiện khó khăn nhất. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao, kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, nguy cơ tái nghèo cao; vẫn tồn tại tình trạng đồng bào thiếu đất sản xuất, thiếu đất ở,... đây cũng là những thách thức, trở ngại đặt ra cho cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Bắc Kạn trong việc thực hiện các chính sách dân tộc trong thời gian tới.
Chỉ ra những thách thức, khó khăn nêu trên, Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Bắc Kạn đề nghị các vị đại biểu nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy dân chủ, tham gia đóng góp nhiều ý kiến xác đáng, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác dân tộc, xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Qua đó, giúp thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
4 nhiệm vụ trọng tâm đưa bản làng tới tương lai tốt đẹp
Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Thị Hà ghi nhận và đánh giá cao kết quả thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc của Bắc Kạn. Kết quả thực hiện Quyết tâm thư Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Bắc Kạn đã góp phần tăng cường kết cấu hạ tầng nông thôn miền núi, tạo sinh kế, nâng cao thu nhập, giảm nghèo vùng đồng bào các dân tộc thiểu số. Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, củng cố niềm tin của đồng bào dân tộc thiểu số vào vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ, chính quyền.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Thị Hà phát biểu chỉ đạo Đại hội. Ảnh: Đình Hợi |
Tuy nhiên, đến nay, đời sống của một bộ phận nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn. Chất lượng giảm nghèo chưa thật sự bền vững, tỷ lệ hộ nghèo là người dân tộc thiểu số còn cao; việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường chuyển biến chậm. Việc triển khai một số chương trình, chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn chậm; tỷ lệ giải ngân vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm, đặc biệt là vốn sự nghiệp.
Để thực hiện thắng lợi Quyết tâm thư Đại hội, cũng như công tác dân tộc, chính sách dân tộc trên địa tỉnh, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc đề nghị, các cấp uỷ, chính quyền tiếp tục thực hiện chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước trong tình hình mới. Đổi mới tư duy, phát huy tiềm năng, thế mạnh để nâng cao đời sống của người dân, giảm nghèo nhanh và bền vững. Tăng cường cán bộ dân tộc thiểu số có năng lực đến cơ sở để cùng Nhân dân phát triển kinh tế - xã hội. Phát huy hơn nữa vai trò của đội ngũ người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục và đào tạo đối với con em đồng bào các dân tộc thiểu số vì đây là con đường vững chắc đưa bản làng tới tương lai tốt đẹp.
Để thực hiện có hiệu quả công tác dân tộc trong thời gian tới, ông Hoàng Duy Chinh, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn - đề nghị các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm:
Một là, tiếp tục tuyên truyền, quán triệt, phổ biến sâu rộng trong các cấp, các ngành, các tầng lớp Nhân dân các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc. Thực hiện đoàn kết các dân tộc, tạo sự đồng thuận, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, lừa gạt, lôi kéo, kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.
Ông Hoàng Duy Chinh, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn phát biểu tại Đại hội. Ảnh Đình Hợi |
Hai là, huy động mọi nguồn lực ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, một nhiệm vụ hết sức quan trọng là đẩy nhanh tiến độ, hiệu quả triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Tiếp tục quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông; giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất, nước sinh hoạt. Tập trung vận động và hỗ trợ đồng bào phát huy tiềm năng, thế mạnh, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, tạo sản phẩm hàng hóa, nâng cao thu nhập để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững. Nâng cao chất lượng đào tạo nghề, giải quyết việc làm, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ đồng bào từ bỏ phong tục, tập quán lạc hậu, đồng thời bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của mỗi dân tộc, giữ gìn chữ viết, tiếng nói, trang phục độc đáo của dân tộc mình. Tiếp tục củng cố, đầu tư phát triển hệ thống trường nội trú, phổ thông dân tộc bán trú, tạo điều kiện tốt để con em đồng bào các dân tộc thiểu số được ổn định học tập. Nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ sở y tế, thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân.
Ba là, tiếp tục củng cố, kiện toàn, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở ngày càng trong sạch, vững mạnh. Chuẩn bị tốt công tác nhân sự Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030, hợp lý về cơ cấu, nâng cao tỷ lệ cán bộ là người dân tộc thiểu số trong cấp ủy, hội đồng Nhân dân các cấp và trong đội ngũ công chức, viên chức. Chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí và sử dụng nguồn cán bộ là người dân tộc thiểu số. Quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở theo hướng gần dân, sát dân, hiểu phong tục tập quán, hiểu tiếng nói, chữ viết của đồng bào, nghe dân nói, nói dân nghe, tích cực, chân thành, kiên trì và thận trọng, tế nhị, chắc chắn và hiệu quả, nhằm đáp yêu cầu nhiệm vụ đặt ra ở địa bàn nơi công tác có đông đồng bào dân tộc thiểu số.
Bốn là, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước gắn với thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, quy định về chuẩn mực đạo đức cách mạng. Chú trọng nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong lao động và học tập. Phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản, người uy tín, người có tầm ảnh hưởng trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Bắc Kạn lần thứ IV - năm 2024 đã đề ra "Quyết tâm thư" phấn đấu đến năm 2029 đạt được các mục tiêu: Tăng trưởng kinh tế bình quân của tỉnh đạt tối thiểu từ 6,0 đến 6,5%/năm; thu nhập bình quân người dân tộc thiểu số bằng ít nhất 1/2 mức bình quân chung của cả nước; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm trên 3,5%/ năm; phấn đấu đạt 90% trở lên số trường, lớp học vùng đồng bào dân tộc thiểu số được xây dựng kiên cố đạt chuẩn; 100% thôn, bản có nhà văn hóa; phấn đấu 95% đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; xoá tình trạng nhà tạm, nhà dột nát cho đồng bào dân tộc thiểu số; ngăn chặn tình trạng suy thoái môi trường sinh thái… |