Chủ nhật 11/05/2025 05:12
Giáo dục tiểu học vùng cao

Vai trò quan trọng của giáo viên người dân tộc thiểu số

Nói cùng tiếng nói, hiểu được phong tục tập quán của học sinh… nên các giáo viên tiểu học người dân tộc thiểu số (DTTS) được xem là nhân tố quan trọng, gieo những hạt giống tri thức đầu tiên để các học sinh DTTS hòa nhập được với môi trường giáo dục; tích lũy tri thức để xây dựng bản làng.

Dạy học trên lưng chừng núi - khó trăm bề

Những năm 80 - 90 của thế kỷ trước, để đáp ứng mục tiêu phổ cập giáo dục tiểu học, xóa mù chữ trên toàn quốc, ở vùng DTTS xuất hiện nhiều hình thức đào tạo cấp tốc, “cắm bản” như: Các hệ đào tạo 5+3 tháng; 9+3 tháng; 12+6 tháng… Sau thời gian đào tạo cấp tốc, các giáo viên này được phân công lên với các điểm trường lẻ lưng chừng núi - nơi không chỉ có khí hậu khắc nghiệt mà giao thông đi lại cũng vô cùng khó khăn. Tại đây, các thầy cô không những dạy chữ mà còn phải chia sẻ với học trò cả miếng cơm, manh áo, dạy trẻ cách vệ sinh, thưa gửi. Do các điểm trường lẻ ở quá sâu, xa so với điểm trường chính, cơ sở vật chất, tài liệu nghèo nàn, thông tin liên lạc hạn chế… nên các thầy cô giáo “cắm bản” chỉ xoay quanh giáo án cầm theo mà thiếu đi những cơ hội để học hỏi nâng cao năng lực nghề nghiệp, dẫn đến những hạn chế trong việc dạy và học.

Đường đến trường của thầy cô cắm bản

Những năm gần đây, việc đào tạo giáo viên đã có nhiều đổi mới, chất lượng đào tạo được nâng cao, ngày càng có nhiều giáo viên tốt nghiệp các trường sư phạm tham gia dạy học ở các địa phương vùng sâu, vùng xa. Trong đó có nhiều giáo viên tiểu học là người DTTS. Tỷ lệ học sinh đến lớp, chất lượng giáo dục tiểu học nhờ đó dần dần tăng lên…

Tuy nhiên, do đời sống, điều kiện kinh tế ở các địa phương vùng sâu, vùng xa còn nhiều gian nan, nên các thầy cô lên dạy học ở các điểm trường lẻ… vẫn phải đối mặt với vô vàn trở ngại. Tại điểm trường lẻ thuộc bản Hà Xi (xã Pa Ủ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu), cô giáo trẻ đang dạy học tại đây vừa khoe với tôi vườn rau cải đã bén rễ lên xanh, vừa chia sẻ: “Điều kiện ăn ở thiếu thốn các thầy cô khắc phục được, nhưng việc dạy học thì đúng là vất vả. Các em không rành tiếng phổ thông, nên thầy cô phải sử dụng cả tiếng phổ thông và tiếng dân tộc để dạy. Mỗi nội dung phải nhắc lại vài ba lần, các em mới nắm được”. Không ít cô giáo chúng tôi đã gặp tại các điểm trường trên đỉnh núi cao ở huyện Mù Cang Chải, Yên Bái ngậm ngùi: Ngoài công việc chuyên môn, các thầy cô còn phải lo vận động học sinh tới trường, lo duy trì sĩ số, lo xách nước cho học sinh vệ sinh, kiếm củi để học sinh sưởi vào những ngày đông tháng giá… Trong suốt năm học, việc học sinh có đi học chuyên cần không? chất lượng thi cuối cấp có đảm bảo không? luôn là nỗi ám ảnh khiến nhiều thầy cô căng thẳng, lo âu. Không ít thầy cô không chịu được sức ép từ công việc đã phải từ bỏ công việc đã được đào tạo.

Giáo viên đạt chuẩn về chất lượng - đòi hỏi tất yếu

Để quá trình đổi mới giáo dục đạt hiệu quả và nâng cao chất lượng giáo dục vùng DTTS, việc phát triển đội ngũ giáo viên tiểu học người DTTS đạt chuẩn về chất lượng là đòi hỏi tất yếu. Chỉ thông qua đào tạo và bồi dưỡng, mới có được đội ngũ giáo viên tiểu học người DTTS có tri thức, kiến thức, hiểu biết về phong tục tập quán, truyền thống, văn hóa của dân tộc mình và dân tộc khác trong cộng đồng dân tộc Việt Nam. Sự hiểu biết này giúp ích rất nhiều cho các thầy cô trong chuyên môn và dạy học.

Tuy nhiên, trên thực tế, mới có một chương trình đào tạo chung cho giáo viên tiểu học mà chưa có một chương trình đào tạo đặc thù dành cho giáo viên tiểu học người DTTS như: Dạy học trong môi trường đa văn hóa; dạy kết hợp tiếng phổ thông và tiếng dân tộc; dạy học đặc thù cho học sinh DTTS vừa đáp ứng theo chuẩn nghề nghiệp vừa đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, bồi dưỡng kiến thức ở một số môn học tự chọn (tiếng Anh, khoa học công nghệ, tiếng dân tộc…), bồi dưỡng kiến thức tâm lý sư phạm… Đây chính là những hạn chế dẫn đến chất lượng giáo viên tiểu học người DTTS chưa đạt yêu cầu.

Để phát triển đội ngũ giáo viên tiểu học người DTTS theo hướng chuẩn hóa, bảo đảm đủ về số lượng, chất lượng, đáp ứng được yêu cầu và điều kiện của các địa phương miền núi… rất cần sự quan tâm hơn nữa của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cụ thể, cần nhanh chóng đào tạo được đội ngũ giáo viên tiểu học người DTTS tại chỗ, có trình độ sư phạm và kiến thức phù hợp cho từng vùng và từng dân tộc. Cùng với đó, xây dựng môi trường làm việc, chế độ đãi ngộ và sử dụng đội ngũ giáo viên này để các thầy cô yên tâm gắn bó lâu dài với sự nghiệp “trồng người” trên quê hương.

Phương Tú

Tin cùng chuyên mục

Longform | Vụ vải thiều 2025: Đặc sản miền núi bứt phá thị trường toàn cầu

Mở lối trên lưng núi - du lịch 'cõng' nông sản đi xa

Khánh thành trường học cho học sinh miền núi Sơn La

Longform | Phát triển chợ vùng dân tộc và miền núi: Khu vực đặc thù cần chính sách đặc thù

Cao Bằng: Du lịch thúc đẩy kinh tế vùng dân tộc

Chợ miền núi Bắc Kạn: 'Khơi thông' dòng chảy hàng hoá

Longform | Để nông sản miền núi không còn ‘lỡ hẹn’ những mùa vàng

Bà con dân tộc thiểu số bắt ‘trend’ chợ mạng

Đắk Lắk khơi dòng tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Kon Tum: Diện mạo các vùng nông thôn vùng đồng bào dân tộc chuyển mình mạnh mẽ

Lan toả văn hoá ẩm thực nông thôn bằng công nghệ số

Bình Định: Xã “vùng lõm” cuối cùng có điện lưới quốc gia

Lễ hội Khâu Vai 2025: Kết nối sản phẩm vùng cao

Đồng bào dân tộc thiểu số làm giàu từ nông sản sạch

Phụ nữ nông thôn chủ động thích nghi với chuyển đổi số

Tiếp sức xây dựng thương hiệu sản phẩm khu vực dân tộc miền núi

Longform | Chè Thịnh An: Thương hiệu được ‘chưng cất’ từ khát vọng vùng cao

Na Võ Nhai, gà Phú Bình, chè Trại Cài: Thái Nguyên ‘làm thương hiệu’ từ sản phẩm bản địa

Thắp lửa văn hóa đọc ở nông thôn, gieo mầm tri thức

Quảng Ngãi: Độc đáo lễ mừng nhà mới của đồng bào Hrê