Tuyên truyền chính sách dân tộc: “Đối tượng đặc thù phải có giải pháp đặc thù”
Theo ông Trần Tuấn Anh – Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền: Hiện có hơn 200 chính sách dân tộc đang được triển khai ở nhiều lĩnh vực, do nhiều Bộ, ban, ngành quản lý. Mới đây nhất, ngày 14/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 1719 QĐ/TTg phê duyệt Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030. Đây được xem là chương trình có giai đoạn thực hiện kéo dài tới 10 năm, với nguồn vốn lớn nhất dành cho công tác dân tộc từ trước tới nay.
“Để các chính sách đến được với đồng bào, đi vào đời sống, mang lại những hiệu quả như mục tiêu đặt ra, công tác tuyên truyền tiếp tục được xác định giữ vai trò không thể thiếu. Nói cách khác, tuyên truyền là một nhiệm vụ chính trị cần được tiến hành song song, thường xuyên, liên tục với quá trình triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước”- Lê Ngọc Thắng. PGS.TS. Tổng Biên tập Tạp chí Dân tộc và Thời đại – nhấn mạnh.
Để đồng bào hiểu – cần nhiều kiểu tuyên truyền!
Đại diện các cơ quan báo chí tích cực đóng góp ý kiến cho hội nghị để tìm ra cách thức tuyên truyền hiệu quả |
Nếu như với vùng đồng bằng, các thành phố lớn - nơi tập trung chủ yếu là đồng bào dân tộc Kinh - các loại hình truyền thông phổ biến là: Truyền hình, phát thanh, báo giấy và báo mạng; thì với các địa phương thuộc đối tượng thụ hưởng của các chính sách dân tộc – dân cư sinh sống chủ yếu là đồng bào DTTS; thậm chí có những địa phương có tới 3-5 DTTS cùng sống trong một cộng đồng. Không chỉ hạn chế về giao thông, điện, đường, thiếu các phương tiện thông tin giải trí… một bộ phận không nhỏ đồng bào lớn tuổi ở các bản, làng, phum, sóc chưa từng đến trường học, không biết chữ, không thông thạo tiếng phổ thông. Bên cạnh đó là những người dân có biết chữ, nghe hiểu được tiếng phổ thông nhưng lại hạn chế về mặt kiến thức, kĩ năng…
Thực tế này là lý do để hoạt động tuyên truyền chính sách dân tộc ở Vùng DTTS và miền núi lâu nay không chỉ thông qua các phương tiện truyền thông phổ biến như: Truyền hình, phát thanh, báo giấy và báo mạng, mà phải huy động hầu hết các cơ quan, đoàn thể như: Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Người cao tuổi…Trong đó, nhân tố tích cực là các già làng, trưởng bản, người có uy tín, bộ đội biên phòng, công an, giáo viên. Hình thức tuyên truyền cũng hết sức đa đạng, bao gồm, tuyên truyền miệng trong các buổi họp thôn bản; qua loa phát thanh của thôn bản; phát tờ rơi, căng pano, áp phích; cầm tay chỉ việc; đi trước nêu gương. “Là những người biết tiếng dân tộc, hiểu rõ các phong tục tập quán, lại sinh sống ở địa phương nên là các già làng, trưởng bản, người có uy tín, bộ đội biên phòng, công an, giáo viên là những tuyên truyền viện đặc biệt tích cực. Tuy nhiên do không được đào tạo bài bản, kiến thức hạn chế, số lượng nhân sự lại có hạn nên kết quả tuyên truyền chưa cao, nhiều chủ trương, chính sách do đó chưa đến được với đồng bào” – Tiến sĩ Võ Thị Mai Phương – Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam nhìn nhận.
Đặc biệt, thực hiện mục tiêu tăng cường công tác thông tin phục vụ sự nghiệp phát triển chính trị - kinh tế - xã hội ở vùng DTTS và miền núi, ngày 31/12/2001, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1637/QĐ-TTg về việc cấp một số loại báo, tạp chí cho vùng đồng bào DTTS, đồng thời giao Ủy ban Dân tộc chủ trì đặt hàng với các cơ quan báo, tạp chí theo số lượng và đối tượng đã được phê duyệt. Đến nay, sau hơn 20 năm, các ấn phẩm báo, tạp chí cấp cho vùng đồng bào DTTS đã bền bỉ thực hiện vai trò, sứ mệnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các kiến thức, kinh nghiệm về chăn nuôi, trồng trọt; là cầu nối chuyển tải tâm tư nguyện vọng của đồng bào tới các nhà hoạch định chính sách; góp phần vận động để đồng bào hiểu hơn về những giá trị quý báu của các nét văn hóa truyền thống; từ đó gìn giữ, duy trì và không ngừng phát huy…
Mỗi bài báo phải thực sự là tiếng nói tâm huyết, giá trị
Các phóng viên tác nghiệp tại hộ đồng bào dân tộc Nùng, xã Tân Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang |
Sự phát triển của đời sống xã hội đã kéo theo những thay đổi trong các phương tiện nghe nhìn cũng như cách thức cập nhật thông tin - không chỉ với khu vực thành thị, mà ngay cả với đồng bào DTTS ở các bản làng vùng sâu, xa … Thực tế này đòi hỏi các cơ quan báo chí tuyên truyền về công tác và chính sách dân tộc phải có đổi mới, sáng tạo trong cách thông tin, để vừa đảm bảo tôn chỉ mục đích hoạt động, vừa tác động tích cực tới cách nghĩ, cách làm của đồng bào; từ đó góp phần tuyên truyền để các chính sách dân tôc được triển khai kịp thời, hiệu quả.
Trao đổi về vấn đề: thay vì chỉ có báo in, giờ đây, nhiều phương tiện nghe nhìn khác cũng đã lên được tới các bản làng xa xôi với thông tin nhanh nhạy hơn rất nhiều…, các đại biểu đến từ các cơ quan như: Báo Tiền Phong, Báo Tài Nguyên Môi trường, Báo Cựu Chiến binh, Báo Nông Thôn ngày nay… đều thống nhất cho rằng: Việc báo in có thể lưu trữ để xem đi xem lại bất kỳ lúc nào vẫn là lợi thế rất rõ ràng. Bên cạnh đó, với sự thận trọng, chắc chắn của ban biên tập, thông tin trên các ấn phẩm báo in được chắt lọc kĩ lưỡng, hoàn toàn không có thông tin xấu, độc hại. Đây là điều đặc biệt ý nghĩa trước làn sóng thông tin hỗn độn hiện nay…
Là cơ quan báo chí có ấn phẩm tham gia vào chương trình cấp báo chí cho đồng bào từ những ngày đầu thực hiện Quyết định số 1637/QĐ-TTg (năm 2001), đến nay Báo Công Thương đã có 20 năm đồng hành cùng chương trình. Chia sẻ về cách thức để các thông tin của báo in phát huy giá trị nhiều hơn nữa, ông Nguyễn Tiến Cường – Phó Tổng biên tập Báo Công Thương cho rằng: "Bên cạnh việc các già làng, trưởng bản, cán bộ khuyến nông, cán bộ xã… tiếp nhận thông tin từ các báo và chuyển tải cho bà con; các cán bộ văn hóa phụ trách hệ thống loa truyền thanh tại các thôn bản hoàn toàn có thể khai thác những bài báo hay, phù hợp trên các báo để đọc cho bà con nghe. Mỗi bài báo nhờ đó mà sẽ được lan tỏa mạnh mẽ hơn…"
Đồng tình với quan điểm của ông Nguyễn Tiến Cường, bà Hoàng Thanh – Phó Tổng biên tập Báo Dân tộc và Phát triển cho rằng, muốn có được những bài báo chất lượng, việc tuyển chọn phóng viên đam mê với nghề, có hiểu biết về các dân tộc và chi trả thù lao xứng đáng cho các phóng viên này là vấn đề mà các cơ quan báo chí cần đặc biệt quan tâm. Bên cạnh đó, để các phóng viên biết, hiểu rõ và hiểu đúng về các chính sách dân tộc, Vụ Tuyên truyền cần có các buổi tổ chức tuyên truyền chính sách, tập huấn cho các phóng viên. Thậm chí cần có những chương trình trải nghiệm thực tế để các phóng viên có thể tiếp cận sâu với các vấn đề, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau để mỗi bài báo thực sự là tiếng nói tâm huyết, giá trị trong việc truyền tải nội dung chính sách dân tộc.
Theo PGS.TS. Lê Ngọc Thắng: Sự bùng nổ của các phương tiện truyền thông, kéo theo sự thay đổi trong cách thức thức tiếp cận thông tin của đồng bào là tất yếu. Thời gian tới, để thực hiện Dự án số 10 của Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi 2021-2025 (Dự án Truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào DTTS và miền núi), các cơ quan báo chí tham gia thực hiện cần tiếp tục đổi mới về chất lượng, cách thức tiếp cận bạn đọc. Trong đó, vừa phải đặt các ấn phẩm báo in trong mối quan hệ với báo nói, báo hình, báo mạng; vừa phát huy tốt nhất thế mạnh riêng có của báo in. Đặc biệt, với đối tượng bạn đọc là đồng bào DTTS, việc tuyên truyền phải bám sát tinh thần “Đối tượng đặc thù phải có giải pháp đặc thù”.