Thứ sáu 25/04/2025 05:47

Từ sữa, thuốc giả nhìn lại vụ “Bà Nhàn trị nám” lừa đảo gần 500 tỷ

Chiếm đoạt hàng trăm tỷ qua mạng, vụ “Bà Nhàn trị nám” là một đại án lừa đảo. Người dân vẫn chờ kết quả xử lý cuối cùng để làm mẫu cho những vụ việc tương tự.

Vụ “Bà Nhàn trị nám” – một chiêu lừa quy mô quốc gia dưới vỏ bọc thần y mạng xã hội đã chiếm đoạt gần 500 tỷ đồng, khiến hàng nghìn phụ nữ cả nước trở thành nạn nhân. Thế nhưng, trong khi các vụ sữa giả, thuốc giả liên tiếp được phát hiện và đang trong quá trình điều tra, thì vụ việc này vẫn im ắng đến kỳ lạ. Dư luận đang đặt câu hỏi: Bao giờ mới có một bản án nghiêm minh để trả lại niềm tin cho công lý và người tiêu dùng?

Chiếc bẫy trị nám: Khi “thần y livestream” thao túng niềm tin phụ nữ

Từ cuối năm 2022, mạng xã hội Việt Nam xuất hiện liên tục các đoạn livestream kéo dài hàng giờ, quảng bá sản phẩm “Sắc Ngọc Đan”, được giới thiệu là thảo dược gia truyền của người Mường, trị nám tận gốc, bảo hành 10 năm, hoàn tiền 200% nếu không hiệu quả. Nhân vật chính – một người phụ nữ lớn tuổi, áo dài lam, giọng nói nhẹ nhàng tự xưng là “lương y Giang Thị Nhàn”, đã trở thành gương mặt quen thuộc trên hàng trăm fanpage, group Facebook kín.

Trang fanpage “Giang Thị Nhàn – trị nám tàn nhang” mà các đối tượng sử dụng để quảng cáo. Ảnh: Công an nhân dân

Thế nhưng, đằng sau gương mặt được dàn dựng tử tế ấy là một cỗ máy lừa đảo có tổ chức. Cơ quan điều tra xác định: Nhóm Cộng đồng Thương mại điện tử VIDA Group do Tạ Tùng Lâm và Lê Thị Thủy điều hành đã thành lập Công ty TNHH WallStreet, hoạt động tại nhiều tỉnh thành, có hơn 100 chi nhánh, mỗi nơi từ 7-10 nhân sự.

Song song, Công ty TNHH Khang Thịnh do Ngô Duy Khánh cầm đầu cũng triển khai mô hình tương tự với gói “hoàn tiền có bảo hiểm”, yêu cầu khách hàng đóng phí để hoàn tiền, sau đó chiếm đoạt.

Ngày 5/7/2023, Công an tỉnh Thái Bình đồng loạt thực hiện lệnh khám xét, triệu tập 17 đối tượng. Đến ngày 7/7/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình khởi tố vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Trong khi đó, từ tháng 6/2023, Công an huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) cũng tiếp nhận đơn tố giác từ nhiều nạn nhân và đến ngày 28/6/2023 đã tiến hành khám xét trụ sở Công ty Khang Thịnh tại Hà Nội.

Tổng số tiền chiếm đoạt được xác định gần 500 tỷ đồng, trong đó VIDA Group chiếm khoảng 380 tỷ đồng, Khang Thịnh hơn 100 tỷ đồng. Một con số không thể gọi nhẹ là “lừa đảo vặt vãnh qua mạng”.

Hậu quả nặng nề từ một mô hình lừa đảo công nghệ cao

Không thể phủ nhận, hậu quả của vụ việc không chỉ là tổn thất tiền bạc lên đến hàng trăm tỷ đồng, mà còn để lại những hệ lụy nghiêm trọng về tinh thần. Nhiều phụ nữ bị ảnh hưởng tâm lý nặng nề sau khi phát hiện mình là nạn nhân, có người rơi vào trầm cảm vì vừa tổn thương thể chất, vừa tổn thương danh dự.

Uy tín của ngành y học cổ truyền cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi những chiêu trò mượn danh lương y để trục lợi. Đặc biệt, niềm tin của người dân vào hệ thống thương mại điện tử, bán hàng qua mạng xã hội tiếp tục bị bào mòn, gây khó khăn cho những doanh nghiệp chân chính.

Các đối tượng trong vụ án. Ảnh: Công an nhân dân

Trong khi đó, các vụ việc sữa giả, thuốc giả liên tục được phát hiện và đang trong quá trình điều tra. Sữa bột giả dành cho trẻ sinh non, người già, người bệnh tiểu đường với hơn 500 tỷ đồng doanh thu, hàng trăm đại lý phân phối.

Thuốc xương khớp giả tại Thanh Hóa được tung ra thị trường như “thần dược”, khiến người cao tuổi trở thành mục tiêu tấn công không khoan nhượng.

Sữa giả hậu phẫu não, gây phẫn nộ khi một biên tập viên VTV phát hiện chồng mình – bệnh nhân mới mổ não, phải dùng phải sữa không rõ nguồn gốc được quảng bá rầm rộ trên mạng xã hội bởi người nổi tiếng.

Tất cả các vụ việc trên đều đã có động thái xử lý pháp lý nhanh chóng, quyết liệt, nhiều bị can bị bắt tạm giam, khởi tố về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm hoặc dược phẩm theo Điều 193 Bộ luật Hình sự.

Đáng chú ý, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an đẩy nhanh tiến độ điều tra, sớm đưa ra kết luận và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến sản xuất, buôn bán sữa giả và thuốc giả .

Dư luận vẫn theo dõi sát sao vụ “Bà Nhàn trị nám”, kỳ vọng một phán quyết công tâm, công khai và có sức răn đe, không chỉ để khép lại một vụ án, mà để mở ra một tiền lệ pháp lý rõ ràng, nghiêm khắc cho những mô hình lừa đảo tương tự.

Dư luận không quên – pháp luật không thể chậm trễ

Câu hỏi đặt ra là: Phải chăng việc lừa đảo bằng chiêu thức “bán hàng livestream, đóng vai lương y” lại là vùng xám pháp lý? Liệu các đối tượng xin giảm nhẹ hình phạt, khắc phục và chỉ bằng vài lời xin lỗi, đóng cửa fanpage?

Dư luận không chấp nhận điều đó. Trên mạng xã hội, rất nhiều người đã lên tiếng: "Nếu vụ việc này không bị xử lý nghiêm, thì hàng trăm vụ tương tự sẽ nở rộ. Lúc ấy, chúng ta không chỉ mất tiền mà mất cả niềm tin vào công lý."

Một bản án đúng người, đúng tội, công khai và nghiêm minh, sẽ trở thành tiền lệ cho các vụ sữa giả, thuốc giả sau này. Không thể có chuyện vụ việc rúng động cả nước, gần 500 tỷ đồng bị chiếm đoạt, hàng nghìn người bị tổn thương mà lại chìm xuồng như chưa từng tồn tại.

Chúng ta đang sống trong một xã hội số, nơi mạng xã hội là công cụ hữu hiệu để kết nối – nhưng cũng là vùng đất hoang của những kẻ biết lợi dụng niềm tin để trục lợi. Từ “Bà Nhàn trị nám” đến sữa giả, thuốc giả,… khiến hàng triệu người dân đang đứng trước ma trận không có kiểm soát.

Không xử lý nghiêm vụ “Bà Nhàn trị nám”, tức là tiếp tay gián tiếp cho những phiên bản kế tiếp. Mọi kịch bản “diễn vai bác sĩ”, “đóng giả lương y”, “hứa bảo hành hoàn tiền” sẽ lại tiếp tục lặp lại, trên quy mô lớn hơn, tổn thất nặng hơn.

Dư luận đã chờ đủ lâu. Hàng nghìn nạn nhân cần một lời công lý. Xã hội cần một bản án mẫu mực. Và pháp luật cần chứng minh: Mạng xã hội không phải nơi tội phạm ẩn nấp mà không bị trừng trị.

Văn Hoàng
Bài viết cùng chủ đề: sản xuất hàng giả

Tin cùng chuyên mục

PQA Nhuận Tràng: Thực phẩm chức năng đội lốt bài thuốc

Loạt trung tâm đăng kiểm bị tố vòi vĩnh, nhũng nhiễu

Báo Công Thương liên tiếp nhận được phản ánh Võ Hà Linh quảng cáo sản phẩm sai sự thật

Hộp thư bạn đọc ngày 19/4: Phản ánh Võ Hà Linh quảng cáo lố; sản phẩm cai thuốc lá mập mờ nguồn gốc

Tra cứu thông tin thực phẩm bảo vệ sức khỏe ở đâu?

Quản lý thị trường chỉ ra 3 khó khăn trong kiểm tra, xử lý thực phẩm vi phạm

Ký túc xá Mỹ Đình thiếu minh bạch, đẩy gánh nặng lên vai sinh viên nghèo?

Kháng cáo xin án treo dây chuyền vụ 'Bà Nhàn trị nám': Liệu có quá nhẹ tay?

Quản lý thị trường Hà Nội vào cuộc xử lý đơn tố cáo Chu Thanh Huyền bán mỹ phẩm không tem nhãn

Sữa Fucoidan Nano 'nổ' chữa được ung thư: Công ty nói do đại lý

Cục Quản lý Dược chuyển đơn tố cáo Chu Thanh Huyền đề nghị QLTT xử lý

Hộp thư bạn đọc ngày 17/4: Phản ánh việc lấp hồ Đầm; Ốc Sên bán hàng thiếu tem nhãn

Công ty phân phối Hikid phản hồi sau bài viết Báo Công Thương

Doanh nghiệp phân phối Hikid nói gì sau khi Báo Công Thương phản ánh?

Mailystyle quảng cáo kiểu Kera:NMN, dầu thông đỏ 'cải tử hoàn đồng', chữa bách bệnh

Hà Nội: Nhà dân nứt toác cạnh công trường thi công dự án Trường THCS Huy Văn

Thanh Hóa: Cải thiện 'bữa ăn thiếu chất' tại trường nội trú Quan Hóa

‘Ăn Cùng Bà Tuyết' lên tiếng sau phản ánh về sản phẩm chân gà chưa chín

Sau phản ánh của Báo Công Thương, Chủ tịch tỉnh Nghệ An chỉ đạo làm rõ

Vòng xoáy bất chấp của Dưỡng Dướng Dường