“Khách hàng không mua sắm - cứu tinh cho các trung tâm thương mại” - kết luận bất ngờ này vừa được Công ty tư vấn JLL Việt Nam đưa ra trong báo cáo mới đây về tình hình bất động sản tại Việt Nam. Sự phát triển của công nghệ trong lĩnh vực bán lẻ đang dần định hình lại hành vi mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam. Cụ thể, sự phổ biến và tiện lợi của mua sắm trực tuyến đang tác động đến mô hình mua sắm truyền thống và góp phần chuyển đổi từ cửa hàng vật lý sang các gian hàng trực tuyến.
Ảnh minh họa |
Nhận thấy mối “đe dọa” từ sự bùng nổ công nghệ, các nhà điều hành trung tâm thương mại đã bắt đầu chào đón những khách thuê cung cấp dịch vụ “phi bán lẻ”, điển hình là những nền tảng kết nối cộng đồng như không gian làm việc chung, hệ thống giáo dục và thậm chí cả phòng tập thể hình.
Việc thiết lập một không gian làm việc chung, lớp học ngoại ngữ hoặc phòng gym trong trung tâm thương mại không chỉ mang lại không gian năng động cho người tiêu dùng, mà còn cung cấp đầy đủ các chức năng thiết yếu khác như vị trí thuận tiện, bãi đậu xe rộng rãi, hàng loạt các tiện ích như mua sắm, giải trí, ăn uống và nhiều loại dịch vụ khác. Nhờ các dịch vụ này, nhà điều hành trung tâm thương mại được trao vô số cơ hội để giữ chân khách hàng.
Theo ông Stephen Wyatt - Tổng giám đốc JLL Việt Nam - đối với thế hệ nhân viên văn phòng hiện nay, khung giờ hành chính truyền thống đang dần chuyển sang chế độ tích hợp công việc - cuộc sống. Do đó, trung tâm thương mại trở thành một nơi lý tưởng để xây dựng không gian cung cấp dịch vụ không thuộc bán lẻ.
Trước đây vài năm, các nhà điều hành trung tâm thương mại luôn xem xét ưu tiên những thương hiệu bán lẻ lớn như là nguồn khách thuê chủ chốt, làm tăng giá trị cho dự án. Hiện nay, chủ đầu tư đưa lĩnh vực “phi bán lẻ” vào chiến lược mới nhờ vào sự linh hoạt mô hình dịch vụ này trong việc lấp đầy những diện tích ở các tầng cao hơn và có vị trí khuất hơn trong trung tâm thương mại. Một yếu tố quan trọng khác là những trung tâm fitness, làm việc chung và giáo dục là loại hình thương mại khó chuyển đổi sang trực tuyến.
Các chuyên gia dự đoán, đây sẽ là một trong những xu hướng chính trong 10 năm tới. Các trung tâm thương mại tại các đô thị lớn sẽ cần phải định vị lại bản thân để duy trì sự hấp dẫn trong lĩnh vực năng động này.
Tổng nguồn cung thị trường bán lẻ tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội đạt khoảng hơn 2 triệu m2, với tỷ lệ lấp đầy lần lượt đạt 89,7% và 88,1%. |