Longform
25/04/2025 12:31
Xuất khẩu Gia Lai: Bứt tốc với những con số ấn tượng

25/04/2025 12:31

Gia Lai – vùng đất đỏ bazan giàu tiềm năng nông nghiệp đang cho thấy bước chuyển mình mạnh mẽ, đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu.
Doanh nghiệp Gia Lai trước thách thức của thị trường xuất khẩu

Trên hành trình hội nhập kinh tế quốc tế, Gia Lai – vùng đất đỏ bazan giàu tiềm năng nông nghiệp đang cho thấy bước chuyển mình mạnh mẽ, đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu. Từ một địa phương chủ yếu xuất thô nông sản với giá trị gia tăng thấp, tỉnh Gia Lai dần định vị được vị thế trên bản đồ thương mại quốc tế thông qua những con số tăng trưởng ấn tượng, những doanh nghiệp tiên phong và chính sách đồng hành quyết liệt của chính quyền địa phương.

Những con số biết nói

Việt Nam là một trong những quốc gia tích cực tham gia vào các hiệp định thương mại tự do (FTA) nhằm thúc đẩy hội nhập kinh tế toàn cầu. Trong đó, các FTA thế hệ mới như EVFTA, CPTPP, UKVFTA… đã mở ra cánh cửa rộng lớn cho hàng hóa Việt Nam tiếp cận các thị trường lớn, có tiêu chuẩn cao. Gia Lai, với thế mạnh về nông – lâm sản, đang từng bước tận dụng những cơ hội này.

Theo thống kê của Sở Công Thương Gia Lai, nếu năm 2020 kim ngạch xuất khẩu của Gia Lai đạt khoảng 580 triệu USD, thì đến năm 2024, con số này đã tăng lên 820 triệu USD. Đáng chú ý, trong 4 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã đạt khoảng 685 triệu USD, bằng 80% kế hoạch cả năm và tăng hơn 55% so với cùng kỳ năm trước. Đây là con số vô cùng ấn tượng.

Trong đó, cà phê tiếp tục là mặt hàng chủ lực, đóng góp khoảng 300 triệu USD/năm cho kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Ngoài ra, các mặt hàng cao su, sắn lát, hồ tiêu, gỗ và sản phẩm gỗ, rau quả… cũng ghi nhận mức tăng trưởng tốt nhờ sự ổn định của thị trường và giá cả nông sản thế giới đang ở mức cao.

Doanh nghiệp Gia Lai trước thách thức của thị trường xuất khẩu

Kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Gia Lai qua các năm

Doanh nghiệp Gia Lai trước thách thức của thị trường xuất khẩu

Hiện tỉnh Gia Lai có hơn 30 doanh nghiệp trực tiếp tham gia xuất khẩu.

Theo đánh giá của Sở Công Thương Gia Lai, lợi thế lớn nhất của Gia Lai chính là diện tích đất đỏ bazan rộng lớn, khí hậu phù hợp cho nhiều loại cây công nghiệp dài ngày. Cà phê, cao su, tiêu, sắn là những cây trồng chủ lực tạo ra sản lượng hàng hóa lớn, giúp doanh nghiệp dễ dàng quy hoạch vùng nguyên liệu phục vụ xuất khẩu.

Năm 2024 và đầu 2025, giá cà phê trên thị trường thế giới liên tục tăng mạnh, đạt trên 5.000 USD/tấn – mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Giá tiêu, cao su, sắn cũng giữ ở mức ổn định. Đây là yếu tố quan trọng giúp Gia Lai nâng cao giá trị xuất khẩu.

Hiện tỉnh Gia Lai có hơn 30 doanh nghiệp trực tiếp tham gia xuất khẩu. Nhiều doanh nghiệp đã và đang đầu tư mở rộng vùng nguyên liệu, xây dựng nhà máy chế biến hiện đại, qua đó tăng giá trị gia tăng, giảm tỷ lệ xuất thô.

Đồng thời, Gia Lai đã có hơn 300 sản phẩm OCOP mang đặc trưng vùng miền tiêu biểu của tỉnh, chất lượng sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn thương mại, có khả năng xuất khẩu như: Cà phê, hồ tiêu, mật ong, hạt mắc ca, hạt điều, tổ yến, chè xanh...

Bên cạnh đó, mặt hàng hoa quả trái cây của tỉnh đã có mặt tại các thị trường yêu cầu cao về chất lượng điển hình như: sản phẩm chuối quả Việt Nam lần đầu tiên được bán và phân phối qua siêu thị ở Hàn Quốc. Một số sản phẩm, như: Chanh dây, chuối, dứa, xoài đông lạnh,... xuất khẩu sang thị trường các nước: EU, Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Australia, Canada, Tây Ban Nha...Trong đó, thị trường EU chiếm hơn 60% kim ngạch xuất khẩu rau quả.

Doanh nghiệp Gia Lai trước thách thức của thị trường xuất khẩu

Cà phê tiếp tục là mặt hàng chủ lực, đóng góp khoảng 300 triệu USD/năm cho kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh

Dù đạt nhiều kết quả tích cực, song hoạt động xuất khẩu của Gia Lai vẫn đối diện với không ít khó khăn. Trong đó, điểm nghẽn lớn nhất chính là hạ tầng Logistics còn yếu, chi phí vận chuyển cao, thiếu kho lạnh và trung tâm logistics quy mô lớn.

Mặt khác, phần lớn doanh nghiệp xuất khẩu tại Gia Lai có quy mô nhỏ, năng lực tài chính và công nghệ còn hạn chế. Không ít doanh nghiệp vẫn chỉ xuất khẩu dạng thô, chưa đầu tư vào chế biến sâu, dẫn đến giá trị gia tăng thấp. Đặc biệt, việc đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về xuất xứ, môi trường, trách nhiệm xã hội từ các FTA thế hệ mới vẫn là bài toán khó.

Xây nền bền vững, chạm chuẩn quốc tế

Để thị trường xuất khẩu tiếp đà tăng trưởng cần có chính sách đồng hành quyết liệt của chính quyền địa phương. Xác định được nhiệm vụ trọng tâm đó, thời gian qua, Sở Công Thương Gia Lai đã triển khai nhiều chương trình, kế hoạch nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu tại địa phương.

Doanh nghiệp Gia Lai trước thách thức của thị trường xuất khẩu

Ông Thái Như Hiệp - Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp.

Mới đây, Hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu hàng hoá trên địa bàn tỉnh đã được diễn ra. Tại hội nghị, ngoài việc cập nhật thông tin về tình hình xuất khẩu, các hiệp định thương mại tự do, các doanh nghiệp còn được học hỏi kinh nghiệm trực tiếp từ các “đầu tàu xuất khẩu” tại địa phương.

Trên bản đồ xuất khẩu Gia Lai, không thể không nhắc đến Công ty TNHH Vĩnh Hiệp – đơn vị có kim ngạch xuất khẩu cà phê lên tới 520 triệu USD trong năm 2024. Vĩnh Hiệp còn là doanh nghiệp tiên phong sản xuất cà phê hữu cơ và áp dụng công nghệ chế biến hiện đại và là đối tác tin cậy của nhiều thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ,...

Ông Thái Như Hiệp - Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp – chia sẻ: “Để giữ được các thị trường khó tính, chúng tôi buộc phải chuẩn hóa toàn bộ chuỗi giá trị: từ nông trại, thu hoạch, chế biến đến đóng gói. Sản phẩm phải đạt các chứng chỉ theo quy định, dù tốn kém và mất nhiều thời gian, nhưng đổi lại là sự bền vững trong kinh doanh”.

Bên cạnh Vĩnh Hiệp, Gia Lai còn có nhiều doanh nghiệp xuất khẩu có uy tín trên thị trường như Công ty XNK Hoa Trang, Công ty CP Tín Thành Đạt, Công ty TNHH thương mại và chế biến Louis Dreyfus Company Việt Nam (doanh nghiệp FDI). Đặc biệt, việc thu hút được một số doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực sơ chế, chế biến để tạo nguồn hàng cho xuất khẩu mặt hàng trái cây như Công ty CP Công nghệ cao Hưng Sơn, công ty CP Đồng Giao, Công ty Nafoods… cũng là minh chứng cho tiềm năng lớn của tỉnh trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Doanh nghiệp Gia Lai trước thách thức của thị trường xuất khẩu

Gia Lai đã có hơn 300 sản phẩm OCOP mang đặc trưng vùng miền tiêu biểu

Bà Trần Thị Hoàng Anh - Giám đốc HTX Mật ong Phương Di Bee - chia sẻ: “Sau khi tham dự Hội nghị do Sở Công Thương tổ chức, tôi thật sự ấn tượng và học hỏi được rất nhiều từ phần chia sẻ của các doanh nghiệp xuất khẩu lớn, đặc biệt là Công ty Vĩnh Hiệp, về cách xây dựng bộ hồ sơ xuất khẩu bài bản, chuẩn chỉ từ khâu làm CO ngay từ đầu. Là một doanh nghiệp nhỏ đang từng bước tiếp cận thị trường quốc tế, tôi nhận ra rằng việc hiểu và chuẩn hóa quy trình xuất khẩu ngay từ những bước đầu tiên, như truy xuất nguồn gốc, giấy tờ pháp lý, tiêu chuẩn vùng nguyên liệu chính là nền tảng quan trọng để đi đường dài, hạn chế rủi ro và xây dựng uy tín lâu dài".

Tại hội nghị, các doanh nghiệp cũng bày tỏ mong muốn trong thời gian tới, Sở Công Thương Gia Lai sẽ tiếp tục mở rộng và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ có nhiều cơ hội hơn để gặp gỡ trực tiếp với các đối tác nhập khẩu quốc tế; tham gia các buổi chia sẻ thực chiến từ doanh nghiệp đã xuất khẩu thành công. Đồng thời được hướng dẫn cụ thể về các tiêu chuẩn xuất khẩu theo từng thị trường Hàn, Nhật, Mỹ,...

Doanh nghiệp Gia Lai trước thách thức của thị trường xuất khẩu

Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, ông Phạm Văn Binh - Giám đốc Sở Công Thương Gia Lai - cho biết: Để xuất khẩu Gia Lai tiếp tục tăng trưởng ổn định và bền vững, trong thời gian tới, cần có chiến lược đồng bộ từ cả doanh nghiệp và chính quyền địa phương. Trước mắt, Sở Công Thương xác định tiếp tục phối hợp với các ngành liên quan hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng mã số vùng trồng, tổ chức tập huấn về quy định xuất khẩu, tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm Gia Lai đến các thị trường tiềm năng như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Đông…

Tỉnh cũng đang đề xuất Trung ương đầu tư hạ tầng logistics trọng điểm, kết nối Tây Nguyên với các cảng biển lớn nhằm giảm chi phí vận chuyển. Đồng thời, thúc đẩy các mô hình hợp tác công – tư trong xây dựng trung tâm chế biến, kho bãi và trung tâm xuất khẩu vùng nguyên liệu.

Về phía doanh nghiệp, cần chủ động chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng xanh – sạch – bền vững, đa dạng hóa thị trường, tăng cường chế biến sâu, đầu tư thương hiệu và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đặc biệt, nên xem FTA không chỉ là “cơ hội thuế quan”, mà là động lực để nâng cao nội lực, cải cách quản trị, xây dựng năng lực cạnh tranh dài hạn.

“Gia Lai đã và đang chứng minh rằng, không cần phải là trung tâm công nghiệp lớn mới có thể bứt phá xuất khẩu. Chỉ cần có sản phẩm tốt, tầm nhìn chiến lược và sự đồng hành từ các chính sách, vùng đất cao nguyên này hoàn toàn có thể “vươn ra biển lớn” một cách mạnh mẽ và bền vững” - ông Phạm Văn Binh nhấn mạnh.

Doanh nghiệp Gia Lai trước thách thức của thị trường xuất khẩu

Công ty TNHH Vĩnh Hiệp xuất khẩu lô hàng cà phê hữu cơ Việt Nam đầu tiên sang Nhật Bản.

longform

Nội dung và thiết kế: Hiền Mai

Bài và ảnh: Hiền Mai

Có thể bạn quan tâm

Người dân nông thôn thu lợi từ trồng rau thuỷ canh

Người dân nông thôn thu lợi từ trồng rau thuỷ canh

Không tiếng cuốc xới, không mùi phân chuồng, chỉ có những ống dẫn nước lặng lẽ nuôi lớn từng luống rau sạch bằng hệ thống thủy canh tuần hoàn.
Sở Công Thương Gia Lai đồng hành cùng doanh nghiệp xăng dầu

Sở Công Thương Gia Lai đồng hành cùng doanh nghiệp xăng dầu

Việc đồng hành cùng doanh nghiệp sẽ góp phần phát triển thị trường kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Gia Lai ổn định, minh bạch và bền vững.
Nâng cao năng lực phát triển, quản lý chợ tại Gia Lai

Nâng cao năng lực phát triển, quản lý chợ tại Gia Lai

Hội nghị đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực quản trị kinh doanh, năng lực quản lý trong công tác phát triển và quản lý chợ trên địa bàn tỉnh Gia Lai.