Thứ ba 24/12/2024 01:29

Triển khai Luật Cạnh tranh: Nghiêm túc, hiệu quả

Hoàn thiện pháp luật cạnh tranh là một trong nhiệm vụ đặc biệt quan trọng nhằm tạo lập hành lang pháp lý đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước về cạnh tranh và hoạt động tố tụng cạnh tranh. Thực hiện nhiệm vụ của mình, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (CT&BVNTD) - Bộ Công Thương đã triển khai nhiều giải pháp nhằm triển khai việc thực thi Luật Cạnh tranh nghiêm túc, hiệu quả.

Hiệu quả cao từ Luật Cạnh tranh 2004

Cạnh tranh là phạm trù cơ bản gắn liền với nền kinh tế thị trường nên những quy định pháp luật về cạnh tranh là những chế định pháp luật quan trọng trong hệ thống pháp luật kinh tế, góp phần xây dựng hành lang pháp lý vừa đảm bảo cho các quan hệ kinh tế diễn ra lành mạnh, đạt hiệu quả cao, vừa đảm bảo sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước, bảo vệ lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của các thương nhân trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Luật Cạnh tranh lần đầu tiên đã được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 03 tháng 12 năm 2004, tại kỳ họp thứ 6. Sự ra đời của Luật Cạnh tranh năm 2004 đánh một dấu mốc quan trọng trong việc tạo lập hành lang pháp lý thống nhất cho các hoạt động cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường, đặc biệt là công cụ quan trọng để nhà nước kiểm soát các hành vi có tính chất phản cạnh tranh.

Theo đó, Luật Cạnh tranh năm 2004 đã được áp dụng vào thực tế, mang lại nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, với hoạt động điều tra tiền tố tụng, tính đến hết tháng 6 năm 2019 khi Luật Cạnh tranh 2004 hết hiệu lực và được thay thế bởi Luật Cạnh tranh mới, đã có tổng số hơn 100 cuộc điều tra tiền tố tụng được Cơ quan cạnh tranh thực hiện.

Đối với hành vi hạn chế cạnh tranh: Có tổng số 09 vụ việc liên quan tới hành vi hạn chế cạnh tranh đã được điều tra theo Luật Cạnh tranh năm 2004. Thông qua việc điều tra, xử lý 09 vụ việc hạn chế cạnh tranh, liên quan tới gần 70 doanh nghiệp, Cơ quan cạnh tranh đã ra quyết định xử lý, thu về ngân sách nhà nước tổng số tiền phạt và phí xử lý vụ việc cạnh tranh gần 5,5 tỷ đồng.

Trong đó, về kiểm soát tập trung kinh tế, Cục CT&BVNTD đã thụ lý tổng số 41 vụ việc thông báo tập trung kinh tế và trả lời tham vấn cho doanh nghiệp đối với nhiều vụ việc tập trung kinh tế khác theo Luật Cạnh tranh năm 2004, với tổng số gần 200 doanh nghiệp có liên quan trực tiếp. Đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh, có tổng số hơn 330 hồ sơ khiếu nại vụ việc cạnh tranh không lành mạnh theo Luật Cạnh tranh năm 2004, trong đó có 182 vụ việc đã được điều tra, xử lý qua đó thu về cho ngân sách nhà nước số tiền phạt và phí xử lý đáng kể, riêng năm 2016 là 2,114 tỷ đồng. Riêng với hành vi bị cấm đối với cơ quan quản lý nhà nước, thực tiễn đã xảy ra tình trạng một số cơ quan quản lý nhà nuớc tại địa phuơng có hành vi hoặc ban hành các văn bản hành chính can thiệp trực tiếp vào các hoạt động cạnh tranh trên thị trường vi phạm quy định của Luật Cạnh tranh năm 2004. Đã có trên 20 vụ việc có dấu hiệu vi phạm quy định tại Điều 6 Luật Cạnh tranh năm 2004 đã được Cơ quan cạnh tranh xác minh, xử lý nhằm đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh.

Luật Cạnh tranh 2018 – phù hợp với xu hướng hội nhập và phát triển

Mặc dù đã đạt được một số thành tựu nhất định nhưng sau 12 năm thi hành, do sự thay đổi của bối cảnh kinh tế - xã hội, xu hướng hội nhập quốc tế, cũng như những điểm hạn chế, bất cập trong nội dung quy định, Luật Cạnh tranh năm 2004 cần phải được sửa đổi, bổ sung để đáp ứng các yêu cầu thực tiễn, khắc phục hạn chế bất cập. Vì vậy, sau khi được Bộ Công Thương triển khai xây dựng, dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) với mục tiêu mở rộng phạm vi tiếp cận đã được thảo luận qua hai kỳ họp Quốc hội, ngày 12/6/2018, Luật Cạnh tranh số 23/2018/QH14 được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 5, với 95,28% đại biểu biểu quyết tán thành thông qua, thay thế Luật Cạnh tranh năm 2004.

Luật Cạnh tranh năm 2018, được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở kế thừa Luật Cạnh tranh năm 2004 đã đảm bảo phù hợp hơn với điều kiện thực tiễn và tăng cường khả năng bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp trên thị trường; đồng thời, được xây dựng trên cơ sở có sự kết hợp chặt chẽ giữa tư duy kinh tế và tư duy pháp lý trong đó nhấn mạnh mục tiêu tăng cường hiệu quả thực thi và có những điểm sửa đổi, bổ sung quan trọng.

Cụ thể, Luật đã mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng nhằm tạo hành lang pháp lý để điều tra và xử lý toàn diện mọi hành vi phản cạnh tranh thực hiện bởi bất kỳ chủ thể nào, kể cả doanh nghiệp nước ngoài, cho dù hành vi vi phạm xảy ra tại đâu nhưng có tác động hoặc có khả năng gây tác động tiêu cực đối với cạnh tranh trên thị trường Việt Nam, góp phần bảo đảm cạnh tranh lành mạnh cho thị trường trong nước. Bên cạnh đó, sửa đổi, bổ sung hành vi cấm đối với cơ quan nhà nước nhằm kiểm soát, hạn chế việc lạm dụng quyền lực để thực hiện hành vi gây cản trở cạnh tranh, tác động hạn chế cạnh tranh ảnh hưởng tới quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp trên thị trường.

Luật cũng hoàn thiện quy định kiểm soát thỏa thuận hạn chế cạnh tranh và bổ sung quy định về chính sách khoan hồng nhằm tăng cường hiệu quả thực thi, tạo cơ hội cho doanh nghiệp tham gia thỏa thuận hạn chế cạnh tranh được khai báo với cơ quan điều tra để hưởng miễn, giảm mức xử phạt. Bổ sung tiêu chí xác định sức mạnh thị trường đáng kể làm cơ sở xác định doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền để từ đó xử lý triệt để hơn đối với doanh nghiệp có sức mạnh thị trường có hành vi lạm dụng sức mạnh thị trường ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác.

Đáng chú ý, Luật thay đổi căn bản cách tiếp cận để hoàn thiện các quy định kiểm soát tập trung kinh tế, theo đó tập trung kinh tế được coi là quyền của doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh gắn với quyền tự do kinh doanh. Luật Cạnh tranh 2018 không quy định cấm tập trung kinh tế một cách cứng nhắc dựa trên mức thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế như trước mà thay vào đó chỉ quy định cấm doanh nghiệp thực hiện tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường. Song song với đó, hoàn thiện quy định kiểm soát hành vi cạnh tranh không lành mạnh để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật theo hướng không tiếp tục quy định một số hành vi cạnh tranh không lành mạnh đã được quy định tại các luật khác, đồng thời bổ sung thêm hành vi cạnh tranh không lành mạnh mới.

Luật quy định tổ chức lại cơ quan cạnh tranh để tăng cường hiệu quả thực thi theo hướng quy định thành lập Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia trên quan điểm tổ chức lại các cơ quan cạnh tranh trước đây. Mô hình Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia phù hợp với xu hướng chung của thế giới đồng thời giúp thu giảm đầu mối, tinh gọn bộ máy, đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả phù hợp với bối cảnh kinh tế và các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn hiện nay. Hoàn thiện quy định về trình tự, thủ tục trong tố tụng cạnh tranh để giúp cho việc tham gia tố tụng cạnh tranh của doanh nghiệp được thuận lợi và có hiệu quả. Đặc biệt, Luật Cạnh tranh 2018 đã không còn quy định nghĩa vụ nộp tạm ứng phí xử lý vụ việc cạnh tranh đối với bên khiếu nại, rút ngắn thời gian và quy trình tố tụng cạnh tranh.

Sau khi Luật Cạnh tranh 2018 được ban hành, thực hiện nhiệm vụ được phân công, Cục CT&BVNTD đã triển khai xây dựng và tham mưu Lãnh đạo Bộ Công Thương trình Chính phủ ban hành các Nghị định hướng dẫn làm cơ sở pháp lý và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình áp dụng như Nghị định số 75/2019/NĐ-CP ngày 26 tháng 9 năm 2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh. Nghị định số 35/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 3 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Cạnh tranh.

Hiện nay, Bộ Công Thương đang báo cáo Chính phủ, Bộ Chính trị về mô hình tổ chức tương đương tổng cục của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, là cơ sở để xây dựng và hoàn thiện Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia theo chỉ đạo của Chính phủ.

Ngoài ra, Cục CT&BVNTD đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cạnh tranh tới các doanh nghiệp và cộng đồng xã hội; chủ động xây dựng các hướng dẫn thực thi nhằm tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp trong việc tuân thủ và áp dụng các quy định của pháp luật cạnh tranh. Luật Cạnh tranh năm 2018 và các văn bản hướng dẫn được ban hành là cơ sở pháp lý quan trọng góp phần xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng; nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; đóng góp vào việc phát triển kinh tế trong nước và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

Bảo Ngọc
Bài viết cùng chủ đề: Cạnh tranh

Tin cùng chuyên mục

Quản lý thị trường: Phát huy ưu điểm từ mô hình ngành dọc

Quản lý thị trường Bắc Kạn: Nắm chắc địa bàn, đánh trúng mục tiêu

Quản lý thị trường Hòa Bình: Nhận diện nhiều vấn đề nổi cộm trong chống buôn lậu, hàng giả

Hiệu quả cao từ hoạt động tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững

Phong trào thi đua là động lực thực hiện các nhiệm vụ phát triển công thương địa phương

Lồng ghép công tác thi đua với thực hiện nhiệm vụ thanh tra

Thúc đẩy tăng trưởng giao thương bền vững sang thị trường châu Á - châu Phi

Tăng cường quan hệ thương mại với các nước Âu - Mỹ

Thương mại điện tử và kinh tế số đã tiến bước dài trong hội nhập

Phát huy vai trò đầu mối quản lý tài chính, doanh nghiệp

Phát huy hiệu quả quản lý nhà nước về cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Thi đua yêu nước tạo động lực phấn đấu và cống hiến

Đổi mới phương thức tổ chức, học tập, quán triệt, triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng

Coi trọng chất lượng và hiệu quả thi đua trong nghiên cứu khoa học

Bảo vệ môi trường và an toàn công nghiệp

Quảng Bình: Phát động thi đua sâu rộng tại lực lượng quản lý thị trường

Công tác tham mưu, phát triển nguồn nhân lực được thực hiện hiệu quả

Hoàn thiện cơ chế, hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả trong phát triển khoa khọc công nghệ

Thi đua yêu nước tạo động lực quan trọng phát triển kinh tế

Xây dựng thị trường điện cạnh tranh minh bạch