Thanh Hoá: Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 4/2024 ước tăng 10,26% Thanh Hóa: Hàng loạt sản phẩm OCOP hội tụ tại Phiên chợ thực phẩm an toàn năm 2024 |
Chiều ngày 20/5/2024, UBND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức Hội nghị công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện (DDCI) tỉnh Thanh Hóa năm 2023.
Thanh Hóa công bố Bộ chỉ số DDCI năm 2023. (Ảnh: CTV) |
Ở khối các sở, ngành, kết quả khảo sát DDCI 2023, Sở Công Thương Thanh Hóa là đơn vị dẫn đầu với 88,01 điểm; thay thế vị trí “quán quân” của Cục Hải quan năm 2022. Các vị trí tiếp theo thuộc về Văn phòng UBND tỉnh (86,31 điểm), Cục Hải quan (85,51 điểm), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (85,04 điểm), Thanh tra tỉnh (81,61 điểm) và Sở Kế hoạch và Đầu tư (80,10 điểm).
Đây cũng là 6 đơn vị được xếp vào nhóm “tốt”, với điểm số cao hơn đáng kể nhóm các đơn vị còn lại. Ngoài ra, có 8 đơn vị ở nhóm khá và 10 đơn vị ở nhóm trung bình.
Sở Công Thương giữ vị trí dẫn đầu ở khối sở, ban, ngành. (Ảnh: CTV) |
Điểm trung vị của DDCI khối sở, ban, ngành năm 2023 là 60,76 điểm, thấp hơn so với điểm trung vị năm 2022 (66,80 điểm). Như vậy, trong khi điểm số giữa các đơn vị có xu hướng cân bằng hơn và năm nay không có đơn vị nào bị xếp nhóm “chưa tốt”, nhưng điểm trung vị của toàn khối lại giảm, cho thấy điểm số của các đơn vị ở nửa trên của bảng xếp hạng có xu hướng giảm so với năm trước...
Xếp hạng và điểm số DDCI năm 2023 |
Ở khối UBND các huyện, thị xã, thành phố, có 6 đơn vị xếp ở nhóm tốt gồm: Hoằng Hoá, TP. Sầm Sơn, Nông Cống, Thọ Xuân, Đông Sơn, TP. Thanh Hoá. Trong đó, huyện Hoằng Hoá giữ vị trí số 1 DDCI Thanh Hoá năm 2023 với số điểm 90,83. Tiếp sau đó là UBND TP Sầm Sơn với 89,94 điểm; UBND huyện Nông Cống với 85,01 điểm. Có 9 địa phương xếp ở nhóm khá; 12 địa phương xếp ở nhóm trung bình.
Điểm trung vị của DDCI Thanh Hóa năm 2023 là 60,99 điểm, thấp hơn 6,2 điểm so với điểm trung vị năm 2022. Điều này cho thấy, tuy điểm số của các đơn vị trong tỉnh năm nay không chênh lệch nhiều như năm 2022, nhưng mặt bằng chất lượng điều hành chung của các đơn vị theo đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp tỉnh chưa có sự cải thiện so với năm trước.
Có 10/27 đơn vị có sự cải thiện điểm số, trong đó 3 đơn vị có mức độ cải thiện ấn tượng nhất là huyện Nông Cống, huyện Hoằng Hóa và TP Sầm Sơn, mỗi đơn vị có điểm số tăng trên 12 điểm so với năm trước. Huyện Yên Định cũng ghi nhận mức tăng điểm mạnh (+9,64 điểm).
6 đơn vị xếp hạng Tốt ở khối UBND cấp huyện. (Ảnh: CTV) |
Ở chiều ngược lại, có 17/27 đơn vị bị giảm điểm so với năm trước, trong đó đáng kể nhất là huyện Như Thanh (giảm 28,27 điểm), huyện Quan Sơn (-16,28 điểm), huyện Thọ Xuân (-13,89 điểm), huyện Quan Hóa (-12,64 điểm) và huyện Nga Sơn (-10,78 điểm).
Sự thay đổi về điểm số của các địa phương dẫn tới sự biến động đáng kể về thứ bậc của các đơn vị trong khối UBND cấp huyện trên bảng xếp hạng DDCI 2023 so với 2022. Cụ thể, trong 27 đơn vị, không có đơn vị nào giữ nguyên thứ bậc so với năm trước; có 14 đơn vị được tăng bậc và 13 đơn vị khác bị tụt bậc.
Trong số các đơn vị được tăng bậc, huyện Yên Định gây ấn tượng mạnh nhất, khi tăng tới 16 bậc, từ vị trí thứ 26 trên bảng xếp hạng năm 2022 lên vị trí thứ 10 trên bảng xếp hạng năm 2023. Tiếp theo là thị xã Bỉm Sơn, tăng 12 bậc, từ vị trí 20 năm 2022 lên vị trí 8 năm 2023.
Bộ chỉ số DDCI Thanh Hóa năm 2023 giữ nguyên 8 thành phần: Tính minh bạch và tiếp cận thông tin; tính năng động và vai trò của người đứng đầu; chi phí thời gian; chi phí không chính thức; cạnh tranh bình đẳng; hỗ trợ doanh nghiệp; thiết chế pháp lý; tiếp cận đất đai. Trong đó, các chỉ số từ 1 đến 7 được dùng để chấm điểm, xếp hạng đối với nhóm 25 các sở, ban, ngành cấp tỉnh; các chỉ số từ 1 đến 8 được dùng để chấm điểm, xếp hạng đối với nhóm 27 UBND cấp huyện, thị xã, thành phố. Ngoài ra, DDCI Thanh Hóa năm 2023 còn khảo sát thêm một số nội dung không được sử dụng để tính điểm, xếp hạng giữa các đơn vị trong cùng một nhóm, nhưng có tác động lớn tới hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, làm rõ nét hơn môi trường kinh doanh của tỉnh, làm thông tin đầu vào để xác định các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của đơn vị được đánh giá, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh trong những năm tới, như: Gia nhập thị trường; đào tạo lao động; hiệu quả của hệ thống cơ quan tư pháp; nhu cầu hỗ trợ của doanh nghiệp...
|