TP. Hồ Chí Minh: Cận cảnh trạm BOT Phú Hữu bị người dân phản đối vì nằm ở đường độc đạo
Như Báo Công Thương thông tin, năm 2012, Công ty Cổ phần Xi măng Vicem Hà Tiên (trước đây là Công ty Cổ phần Xi măng Hà Tiên 1) được chấp thuận và bắt đầu thi công dự án đường nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào Khu công nghiệp Phú Hữu, trên địa bàn phường Phú Hữu, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh.
Đây là dự án theo hình thức BOT, con đường rộng 30 m, dài 2,6 km, khởi công ngày 6/6/2012 với tổng mức đầu tư khoảng 461 tỷ đồng. Dự án được khai thác theo phương án hợp đồng trong vòng 24 năm. Đến nay, sau 12 năm đầu tư xây dựng, dự án BOT này đã hoàn thành và dự kiến sẽ vận hành, thu phí từ quý III/2024.
Để thực hiện việc thu phí theo dự kiến, ngày 8/3/2024, UBND TP. Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định 705/QĐ-UBND về việc quy định mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ tại trạm BOT Phú Hữu. Theo quyết định này, mức thu ở trạm BOT Phú Hữu nhỏ nhất 510.000 đồng/tháng (đối với xe dưới 12 ghế ngồi) và cao nhất là 3.990.000 đồng/tháng (đối với tải trọng từ 18 tấn trở lên, xe chở hàng bằng container 40 feet).
Điều đáng nói, trạm BOT Phú Hữu lại nằm ngay đầu đường Nguyễn Thị Tư, đây là con đường độc đạo đi vào khu dân hiện hữu và cả 2 dự án bất động sản là Rosita Garden của Công ty Khang Điền và dự án Dragon Village của Công ty Phú Long.
Cùng với đó, con đường này cũng kết nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào Khu công nghiệp Phú Hữu, trạm nghiền clinke Phú Hữu (của Công ty cổ phần Xi măng Vicem Hà Tiên) và 2 cảng container (Cảng Tân Cảng – Phú Hữu và Cảng SP-ITC).
Hàng loạt người dân sống tại khu phố 6, phường Phú Hữu (TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh) cho biết, hiện trạm BOT Phú Hữu này nằm trên tuyến đường độc đạo ra vào của các khu dân cư ở bên trong. Thêm vào đó, cự ly giữa khu dân cư này đến trạm BOT chưa đến 200 mét so với tổng chiều dài toàn tuyến (2,6 km), trạm BOT cũng không nằm trong quần thể dự án của những khu dân cư hiện hữu. Người dân sống quanh khu vực này chỉ có một lựa chọn duy nhất để đi ra ngoài là phải qua trạm BOT này.
Người dân cho rằng, nếu như chủ đầu tư trạm BOT Phú Hữu và thành phố vẫn giữ quan điểm thu phí cả đối với những phương tiện cá nhân, xe dịch vụ của người dân sống xung quanh trạm này thì rất vô lý, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của họ.
Một số hình ảnh phóng viên Báo Công Thương ghi nhận tại trạm BOT Phú Hữu.
Trạm BOT Phú Hữu nằm trên đường Nguyễn Thị Tư, đây là con đường độc đạo để người dân sống trong cảng Phú Hữu (phường Phú Hữu) ra vào - (Ảnh: Tấn Hiệp - Sỹ Đồng). |
Lưu lượng các phương tiện tham gia giao thông ở đây rất đông, chính quyền phải cắm biển cảnh báo người dân - (Ảnh: Tấn Hiệp - Sỹ Đồng). |
Trạm thu giá BOT Phú Hữu được đặt ngay đầu đường Nguyễn Thị Tư và cách khoảng 200 mét so với khu dân cư hiện hữu - (Ảnh: Tấn Hiệp - Sỹ Đồng). |
Để chuẩn bị cho việc thu phí vào quý III/2024, trạm BOT Phú Hữu đang trong quá lắp đặt hệ thống thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng - (Ảnh: Tấn Hiệp - Sỹ Đồng). |
Công ty Cổ phần Xi măng Vicem Hà Tiên là chủ đầu tư của dự án này - (Ảnh: Tấn Hiệp - Sỹ Đồng). |
Bên trong trạm này là khu dân cư hiện hữu, hàng loạt dự án bất động sản và khu công nghiệp, cảng - (Ảnh: Tấn Hiệp - Sỹ Đồng). |
Phản ánh tới Báo Công Thương, nhiều người dân khu phố 6 phường Phú Hữu (TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ, trước nay tại tuyến đường này đã chịu cảnh kẹt xe (xe container, xe tải ra vào cảng, khu công nghiệp) và chịu cảnh bụi mịn ô nhiễm không khí khi sống quanh dự án. Nay lại phải đóng tiền qua BOT của Công ty Cổ phần Xi măng Vicem Hà Tiên khiến họ rất bất bình. “Nếu doanh nghiệp thu phí cả đối với những phương tiện cá nhân và xe dịch vụ của cư dân chúng tôi thì hết sức vô lý. Bởi, đây là tuyến đường độc đạo ra vào hằng ngày của hàng trăm, hàng nghìn người dân. Chúng tôi cũng chỉ sử dụng xe cá nhân của mình hoặc sử dụng các dịch vụ giao thông công cộng như xe công nghệ, taxi, chúng tôi không hề kinh doanh vận tải hàng hóa liên tỉnh, trọng tải nặng, nhưng lại phải chịu cảnh thu phí. Nếu việc này diễn ra, chúng tôi bước chân ra đường đã phải mất tiền. Điều này chẳng khác gì chúng tôi phải trả tiền cho doanh nghiệp để được vào nhà mình hằng ngày”, một người dân bức xúc chia sẻ. Hiện, người dân tại đây đã có đơn gửi UBND TP. Thủ Đức và Sở Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh để nêu những kiến nghị của mình. Trong đó, người dân đề nghị không áp dụng thu phí BOT đối với các phương tiện dưới 12 chỗ ngồi thuộc sở hữu của các cư dân từ trạm thu phí hướng về phía cảng và ngược lại. Đồng thời, không áp dụng thu phí BOT đối với các phương tiện dưới 12 chỗ ngồi thuộc tổ chức kinh doanh như xe dịch vụ chở người, xe công nghệ, xe taxi, xe vận chuyển... phục vụ cho nhu cầu của dân cư trong khu vực này. |