Thương mại điện tử: Khẳng định vai trò tiên phong trong nền kinh tế số
Hoàn thành tốt mục tiêu Chính phủ giao
Năm 2024, tăng trưởng thị trường thương mại điện tử từ giao dịch trực tiếp giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng (B2C) đã đạt hơn 20%, hoàn thành mục tiêu Chính phủ giao (18-20%).
Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), Việt Nam đã chứng kiến những bước phát triển đầy tự hào của thương mại điện tử. Riêng năm 2023, quy mô thương mại điện tử đã đạt 20,5 tỷ USD, quy mô kinh tế số đạt 30 tỷ USD, nằm trong Top 3 Đông Nam Á và dự kiến đạt 45 tỷ USD vào năm 2025. Nhiều dự báo, thương mại điện tử sẽ trở thành động lực chính để phát triển kinh tế số.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại Lễ khai mạc Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam - Online Friday 2024. Ảnh: Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số |
Đáng nói, thương mại điện tử xuyên biên giới được xác định là đòn bẩy cho xuất khẩu trực tuyến. Dự báo, xuất khẩu trực tuyến của nước ta có thể đạt tới 13 tỷ USD vào năm 2027. Với sự hỗ trợ đắc lực từ thương mại điện tử, xuất khẩu trực tuyến Việt Nam sẽ bước từ giai đoạn “Khởi động” sang giai đoạn “Cất cánh”; mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt.
Phát biểu tại Lễ khai mạc Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam - Online Friday 2024 diễn ra cuối tháng 11/2024 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh: "Những năm qua, thương mại điện tử tại Việt Nam đã khẳng định được vai trò tiên phong trong nền kinh tế số. Mặc dù kinh tế toàn cầu và khu vực vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức, song thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng, đạt mức 18 - 25% mỗi năm. Dự báo, năm 2024, quy mô thị trường sẽ vượt mốc 25 tỷ USD, minh chứng rõ nét cho sự phát triển bền vững và tiềm năng của lĩnh vực này"...
Đánh giá về thị trường thương mại điện tử Việt Nam, ông Nguyễn Lâm Thanh - đại diện TikTok tại Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam - cho hay: Thương mại điện tử là một phần của chuyển đổi số trong lĩnh vực bán lẻ. Con số thống kê có trên 20 tỷ USD doanh thu bán lẻ trên thị trường thương mại điện tử Việt Nam là chưa đầy đủ, nhưng qua đó cho thấy mỗi năm ở Việt Nam có số lượng rất lớn đơn hàng trên sàn thương mại điện tử.
Giới chuyên gia nhận định, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đã, đang có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ, thời gian tới sẽ xuất hiện nhiều xu hướng mua sắm mới. Bên cạnh đó, việc các sàn thương mại điện tử luôn tung ra những chương trình kích cầu mua sắm rầm rộ…. cho thấy "cuộc đua" thương mại điện tử sẽ càng trở nên gay gắt hơn.
Minh chứng cho sự “nở rộ” các sàn thương mại điện tử chính là việc cả nước có sự hiện diện của 116 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, khai thuế và nộp thuế qua cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài, với số thu ngân sách lên đến 19.774 tỷ đồng. Số liệu mới nhất cho thấy, riêng số thu khai trực tiếp qua cổng thông tin năm nay đạt 8.687 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ; trong đó có những sàn thương mại điện tử lớn như Google, Meta (Facebook), Microsoft, TikTok, Netflix, Apple... Bên cạnh đó, 11 tháng của năm 2024, các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử cũng đã nộp khoảng 108.000 tỷ đồng tiền thuế, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2023.
Tạo môi trường an toàn, minh bạch
Là một trong những công cụ trực tuyến mạnh mẽ có thể giúp doanh nghiệp phát triển và mở rộng quy mô ra toàn cầu, tuy nhiên phát triển thương mại điện tử cũng gặp không ít thách thức, nhất là với doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, đó là hạn chế về kiến thức và kỹ năng số; năng lực cạnh tranh chưa cao; thiếu thông tin thị trường, các vấn đề liên quan đến rào cản pháp lý, thuế quan, logistics, thanh toán…
Bên cạnh đó còn là vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi mua hàng ở nước ngoài hoặc mua hàng trong nước thông qua kênh thương mại điện tử đối diện với vấn đề khiếu nại sản phẩm ra sao? có thể ngăn chặn được tình trạng trốn thuế hay không? hay bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trước sự cạnh tranh của hàng hóa nước ngoài?
Để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, lãnh đạo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã giao Trung tâm Phát triển thương mại điện tử nghiên cứu, phát triển Hệ sinh thái xuất khẩu trực tuyến (Ecomex) với các giải pháp cụ thể, nhằm hiện thực hóa định hướng của Chính phủ, chung tay hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đưa những sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu tiếp cận thị trường quốc tế qua thương mại điện tử. Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng tổ chức các chương trình đạo tạo thương mại điện tử xuyên biên giới, qua đó nâng cao năng lực, phổ biến các quy định, thủ tục và kiến thực mới cho doanh nghiệp.
Lễ khai mạc Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam - Online Friday 2024 |
Đồng thời, triển khai giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu khai báo C/O (ecosys.gov.vn) mẫu Vsign và Dịch vụ hỗ trợ khai báo xuất xứ hàng hóa; triển khai các giải pháp, chương trình kết nối tiêu thụ hàng hóa tại thị trường nội địa, đẩy mạnh xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới; chủ động cung cấp thông tin về các hoạt động, sự kiện, vấn đề nổi bật liên quan thương mại điện tử, phát triển kinh tế số ngành Công Thương để cộng đồng cập nhật, nắm bắt thông tin; tổ chức chương trình liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử; xây dựng, triển khai sàn thương mại điện tử hợp nhất 63 tỉnh/thành (sanviet.vn), nhằm kết nối, tạo nền tảng hỗ trợ cả người bán, người mua và các nền tảng số trong việc cung cấp hàng hóa, kết nối dịch vụ, từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu bán lẻ trực tuyến tập trung xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương, giúp người tiêu dùng cuối cùng mua được sản phẩm chất lượng với giá cả hợp lý.
Dù đã phát triển và tạo được sự lan tỏa mạnh mẽ, tuy nhiên trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và có sự cạnh tranh gay gắt, để bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng, thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý, bám sát tình hình phát triển thương mại điện tử trên thế giới và trong nước để kịp thời ban hành chính sách nhằm quản lý, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử ở Việt Nam; đồng thời tăng cường phối hợp với các bộ, ngành để tạo ra một môi trường thương mại điện tử an toàn, minh bạch, phát triển bền vững.