Thứ sáu 22/11/2024 05:36

Thực hiện Quyết định 1719/QĐ-TTg: Sẽ có 5 chính sách tín dụng ưu đãi dành cho đồng bào

Chiều ngày 22/3, tại Nhà Quốc hội, Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã họp với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và đại diện các cơ quan, đơn vị có liên quan tới chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Đề án tổng thể và Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Thông tin về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn từ năm 2021 - 2030; giai đoạn 1 từ năm 2021 - 2025, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết: Trên cơ sở Quyết định 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030, NHNN đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) xây dựng hồ sơ Nghị định, gửi lấy ý kiến 25 cơ quan, đơn vị liên quan. Về cơ bản, các đơn vị nhất trí đối với nội dung Dự thảo. NHNN sẽ trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định sau khi có ý kiến thẩm định bằng văn bản của Bộ Tư pháp.

Ông Nguyễn Lâm Thành - Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội – nhấn mạnh đến việc xây dựng nội dung Nghị định mang tính khả thi cao, đảm bảo thực hiện hiệu quả trong thực tế

Cụ thể, Dự thảo Nghị định gồm 7 Chương và 38 Điều, quy định 5 chính sách tín dụng ưu đãi triển khai tại NHCSXH, gồm: Cho vay hỗ trợ đất ở, cho vay hỗ trợ nhà ở, cho vay hỗ trợ đất sản xuất, cho vay hỗ trợ chuyển đổi nghề và cho vay hỗ trợ đầu tư, phát triển vùng dược liệu quý.

Đối tượng vay vốn là hộ dân DTTS, hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống ở xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn vùng DTTS&MN; doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh (cơ sở sản xuất kinh doanh) có sử dụng từ 50% tổng số lao động trở lên là người DTTS. Địa bàn thực hiện: Các xã, thôn vùng đồng bào DTTS&MN theo quy định của pháp luật về tiêu chí phân định vùng đồng bào DTTS và miền núi trong từng thời kỳ.

Trong đó, ưu tiên hộ nghèo DTTS thuộc danh sách các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù; hộ nghèo có phụ nữ là chủ hộ và là lao động duy nhất, trực tiếp nuôi dưỡng người thân không còn khả năng lao động hoặc chưa đến độ tuổi lao động. Trường hợp khách hàng thuộc đối tượng được hưởng nhiều chính sách vay vốn ưu đãi cho cùng mục đích vay vốn đang thực hiện tại NHCSXH, áp dụng chính sách vay vốn có mức ưu đãi cao nhất.

Cho vay hỗ trợ nhà ở - 1 trong 5 chính sách sẽ được NHCSXH triển khai khi thực hiện Quyết định 1719

Để triển khai Nghị định đạt hiệu quả, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry cho rằng, phải nghiên cứu kỹ các đối tượng được thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi, đặc biệt là hộ nghèo và cận nghèo. Địa bàn cho vay cần có sự cân nhắc, tính toán sao cho phù hợp. Việc cho vay đối với hộ nghèo thiếu đất ở và đất sản xuất, ngân hàng cần có chính sách đồng bộ để nâng mức cho vay để người dân có chỗ ở và công việc đảm bảo cuộc sống hàng ngày.

Cụ thể hơn, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quàng Văn Hương cho rằng: Tất cả các chính sách phải tập trung vào việc tạo sinh kế bền vững cho đồng bào DTTS&MN. Để thực hiện tốt vấn đề này, cần nâng mức cho vay là 50 triệu đồng/hộ đối với đất ở, nhà ở (gấp đôi mức đề xuất của Ủy ban Dân tộc tại Báo cáo nghiên cứu khả thi). Ngoài ra, cần rà soát những vấn đề bất cập phát sinh trong quá trình triển khai Nghị định.

Bên cạnh đó, một số đại biểu đề nghị: Chính sách tín dụng thực hiện Quyết định 1719 cần nằm trong tổng thể các chính sách tín dụng trong triển khai 3 chương trình MTQG; cần làm rõ bố trí nguồn vốn thực hiện; thống nhất khái niệm hộ DTTS nghèo, nội hàm của chuỗi giá trị trong dự thảo; một số tình huống phát sinh trong chia tách hộ gia đình; chính sách cho vay hỗ trợ đất ở và hỗ trợ nhà ở phải được triển khai đồng thời; nâng mức hỗ trợ cho vay phù hợp với thực tế; xem xét đề xuất bổ sung đối tượng hộ cận nghèo...

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành đề nghị: Để có thêm nguồn lực hỗ trợ người dân, cần có sự liên kết các doanh nghiệp, tổ chức sản xuất tham gia. Trong cách tiếp cận, tập trung nhiều hơn cho các nội dung hỗ trợ mang tính gián tiếp, đặc biệt liên quan đến sản xuất nông nghiệp, sản phẩm OCOP, thúc đẩy để tạo mô hình sản xuất lớn và gắn sản xuất với thị trường, tiêu thụ. Mục tiêu cuối cùng là sản xuất hàng hóa gắn với thu nhập của người dân, từng bước hạn chế tối đa các rủi ro trong sản xuất.

Song song với đó, để bảo đảm tính khả thi của Nghị định, Phó Chủ tịch Nguyễn Lâm Thành yêu cầu làm rõ hơn các đối tượng áp dụng của chính sách; nghiên cứu, điều chỉnh và bổ sung nguyên tắc cho vay vốn. Qua kết quả các đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc, cần nghiên cứu nâng định mức hỗ trợ, cho vay để phù hợp hơn với tình hình thực tế của đồng bào. Trên tinh thần đó, Phó Chủ tịch Nguyễn Lâm Thành đề nghị NHNN nghiên cứu kỹ, tiếp thu các ý kiến của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội để xây dựng nội dung phù hợp, mang tính khả thi cao, đảm bảo thực hiện hiệu quả chính sách trong thực tế.

Hoàng Mai
Bài viết cùng chủ đề: Tín dụng

Tin cùng chuyên mục

Lạng Sơn: Chú trọng giải pháp căn cơ để giảm nghèo bền vững

Bắc Giang giành 2 giải A tại liên hoan nghệ thuật các dân tộc lần thứ VII năm 2024

Bắc Giang: Tặng Bằng khen 6 tập thể, 16 cá nhân đóng góp phát triển vùng dân tộc thiểu số

Bài 2: Động lực 'tiên quyết' giúp đồng bào Hà Giang phát triển

Bài 1: Những quyết sách mang ý Đảng, lòng dân

Hội nghị biểu dương đại biểu các dân tộc thiểu số thành phố Đà Nẵng lần thứ II năm 2024

Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Lai Châu: Hướng đến 11 mục tiêu

Lào Cai: Hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình: Chú trọng công tác kiện toàn nhân sự Chương trình 1719

Sơn La bảo tồn và phát triển các bản du lịch gắn với giá trị văn hóa truyền thống

Huyện Bắc Yên - Sơn La dành nguồn vốn lớn đầu tư hạ tầng thiết yếu cho bà con dân tộc

Sơn La xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ măng cho đồng bào dân tộc thiểu số

Tuyên Quang: Tập trung xây dựng hạ tầng cơ sở thiết yếu vùng dân tộc thiểu số

Lạng Sơn: Đưa di tích lịch sử, văn hóa thành sản phẩm du lịch bền vững

Huyện Mộc Châu bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội Púng Hiéng của người Dao Tiền

Huyện Mường La - Sơn La đưa điện lưới quốc gia đến với bà con thôn bản

Huyện Mộc Châu - Sơn La đổi thay từ nguồn vốn dành cho đồng bào dân tộc thiểu số

Người Hà Lăng ở Kon Tum bảo tồn nét văn hoá truyền thống của 'nghề sinh ra từ làng'

Lạng Sơn: Từng bước nâng cao thể trạng, cải thiện tầm vóc trẻ em vùng cao

Về Gia Lai xem đồng bào Bahnar thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống