Bảo vệ người tiêu dùng trong quá trình phát triển và hội nhập kinh tế là trách nhiệm của toàn xã hội. Việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không chỉ mang lại lợi ích tiêu dùng mà còn thúc đẩy xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh của doanh nghiệp, cá nhân, tạo động lực quan trọng cho nền kinh tế phát triển ổn định. Trong những năm qua, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên cả nước đã có sự chuyển biến tích cực. Các cấp, các ngành đã và đang có những hành động thiết thực nhằm bảo vệ ngày càng tốt hơn quyền lợi người tiêu dùng.
Bà Nguyễn Quỳnh Anh, Phó Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương) cho biết, một trong những nguyên tắc xây dựng và đã được thể hiện trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là: “Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của Nhà nước và toàn xã hội”. Thực tế cho thấy, nếu không có sự tham gia của các chủ thể khác, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam khó có thể đạt được sự phát triển như ở giai đoạn hiện tại.
“Trong giai đoạn 2011 - đến nay, sự tham gia và hỗ trợ của doanh nghiệp, của các tổ chức trong và ngoài nước đã mang lại nhiều hoạt động cụ thể, góp phần đóng góp thành công vào hiệu quả của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; trong đó, phải kể đến các hoạt động hỗ trợ của doanh nghiệp để tổ chức các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân; các dự án để nghiên cứu, đánh giá theo các chủ đề, chuyên đề do các cơ quan Nhà nước, các Hội Bảo vệ người tiêu dùng thực hiện; các cuộc khảo sát, tìm hiểu và học tập kinh nghiệm; các hoạt động mang tính chất, quy mô vì cộng đồng,… ”, bà Nguyễn Quỳnh Anh cho hay.
Các nguồn lực xã hội đã góp phần quan trọng trong việc triển khai thực hiện các hoạt động bảo vệ người tiêu dùng |
Bên cạnh việc tham gia hỗ trợ, bản thân các chủ thể khác cũng tham gia trực tiếp vào một số nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cụ thể: Các doanh nghiệp trực tiếp thực hiện các hoạt động tuyên truyền, hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam tại các địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp, qua đó, tăng cường nhận thức cho lượng lớn khách hàng giao dịch tại cơ sở của doanh nghiệp. Hay doanh nghiệp thực hiện tốt các trách nhiệm theo quy định pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; doanh nghiệp thực hiện các chương trình tri ân: Tặng quà, giảm giá, chế độ bảo hành, trải nghiệm miễn phí dịch vụ,… nhằm tăng cường kiến thức tiêu dùng cho người dân.
Theo bà Nguyễn Quỳnh Anh, bên cạnh sự tham gia của doanh nghiệp, các phương tiện truyền thông cũng góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, góp phần vào quá trình tư vấn, hỗ trợ giải quyết các vấn đề của người tiêu dùng. Hiện có rất nhiều báo, đài đã thành lập chuyên mục để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ví dụ như Đài truyền hình Việt Nam có chuyên mục “Chống buôn lậu, hàng giả - Bảo vệ người tiêu dùng”, Báo Công Thương có mục “Bảo vệ người tiêu dùng” cùng nhiều chuyên đề, hội thảo, tọa đàm về bảo vệ người tiêu dùng; Báo An ninh Hải Phòng có chuyên mục “Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” trên cơ sở phối hợp với Công an thành phố Hải Phòng và Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền phong; Báo điện tử VietNamNet có chuyên mục Bảo vệ người tiêu dùng…
Ngoài các hoạt động trên, sự ủng hộ về mặt tài chính của các nguồn lực xã hội cũng góp phần quan trọng trong việc triển khai thực hiện các hoạt động bảo vệ người tiêu dùng, đặc biệt tại các địa phương. Thống kê cho thấy, từ khi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 có liệu lực, Sở Công Thương trên cả nước đã huy động được hơn 2,7 tỷ đồng vốn xã hội hóa; UBND cấp huyện trên cả nước đã huy động gần 260 triệu đồng và các Hội Bảo vệ người tiêu dùng đã huy động hơn 1 tỷ đồng để thực hiện các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Báo Công Thương tổ chức nhiều chuyên đề, hội thảo, tọa đàm về bảo vệ người tiêu dùng |
Tại Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, hàng năm lễ phát động và các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam đều nhận được sự đồng hành của các doanh nghiệp, giúp quy mô tổ chức các hoạt động ngày một rộng hơn, có tính lan tỏa hơn.
Là một doanh nghiệp đã có nhiều năm đồng hành cùng Bộ Công Thương trong chuỗi sự kiện thường niên Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam, ông Huỳnh Thiên Triều, Tổng Giám đốc Amway Việt Nam cho biết, thời gian qua, doanh nghiệp đã rất tích cực tham gia các hoạt động truyền thông và nâng cao nhận thức về quyền của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp đang áp dụng các tiêu chí của Bộ quy tắc “Hướng dẫn kinh doanh có trách nhiệm vì người tiêu dùng” do Bộ Công Thương ban hành.
“Với Amway, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không phải là trách nhiệm của riêng một cá nhân, đơn vị nào, đó là trách nhiệm chung của toàn xã hội mà trong đó vai trò chính vẫn phải là doanh nghiệp. Tuân thủ pháp luật, thực hiện các hoạt động đào tạo và huấn luyện bài bản cho nhân viên, bảo đảm chất lượng sản phẩm là các mục tiêu mà Amway nghiêm khắc thực hiện”, ông Huỳnh Thiên Triều khẳng định.
Có thể nói, thời gian qua, nhận thức của cộng đồng về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã nâng cao rõ rệt. Tuy nhiên, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức về kinh tế và đặc biệt là thực trạng xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng vẫn đang tiếp diễn ngày càng tinh vi với nhiều hình thức mới, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 đã sửa đổi toàn diện Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010; bổ sung nhiều quy định để bảo đảm thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành và kịp thời điều chỉnh các vấn đề mới phát sinh.
Cụ thể, Luật bổ sung một số quy định nhằm tăng cường trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong các giao dịch đặc thù. Luật bổ sung quy định về sản xuất và tiêu dùng bền vững, bao gồm: Khái niệm về tiêu dùng bền vững, quy định các hoạt động thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững và quy định về trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các cấp trong việc thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Luật cũng bổ sung một số hành vi bị cấm, trong đó, bao gồm hành vi bị cấm chung, hành vi bị cấm đối với tổ chức, cá nhân bán hàng đa cấp; tổ chức, cá nhân kinh doanh thiết lập, vận hành, cung cấp dịch vụ nền tảng số.
Ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội cho rằng, các quy định trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đã cụ thể hơn, chi tiết hơn. Khi Luật có hiệu lực sẽ đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng chặt chẽ hơn. Đồng thời các đơn vị sản xuất, kinh doanh cũng nhận thức được rằng những hình thức kinh doanh chộp giật, thiếu minh bạch sẽ dần dần bị loại bỏ.
Theo ông Thi: “Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là nhằm góp phần thực thi đầy đủ các quyền của công dân, để triển khai hiệu quả và sớm đưa Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 đi vào cuộc sống. Chúng ta phải luôn xác định, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của Nhà nước và toàn xã hội. Xu thế phát triển kinh tế ngày càng cho thấy rõ vai trò của người tiêu dùng đối với sự thành bại của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cần nhận thức được rằng việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không chỉ là nghĩa vụ mà là quyền lợi của chính mình và là trách nhiệm với lợi ích chung của toàn xã hội”.
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 được Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 20/6/2023 với 463/465 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024. |