Thị trường châu Phi: Thách thức lớn cho doanh nghiệp thực phẩm
Nhu cầu lớn
Thị trường châu Phi có dân số gần 1,4 tỷ người, sản xuất nội khối chưa phát triển... được xác định là thị trường tiềm năng cho thực phẩm Việt Nam. Cụ thể tại thị trường Nigeria, ông Trần Hùng Cường- Thương vụ việt Nam tại Nigeria, cho hay: Ngành sản xuất thực phẩm của Nigeria chưa phát triển, hàng năm phải nhập khẩu một lượng lớn phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, 5 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu sang Nigeria 62,94 triệu USD giá trị hàng hoá, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó với hàng thực phẩm, Việt Nam xuất khẩu bánh kẹo và sản phẩm từ ngũ cốc; chè; gạo; hàng hải sản; hàng rau quả; hạt tiêu; sữa và các sản phẩm sữa… dù vậy giá trị vẫn ở mức khiếm tốn.
Với thị trường Algeria, nông sản của Việt Nam được đánh giá có lợi thế, ông Hoàng Đức Nhuận- Tham tán thương mại Việt Nam tại Algeria, bày tỏ: Việt Nam là một trong số các quốc gia xuất khẩu chính cà phê vào Algeria. Riêng với cà phê thô Việt Nam đang chiếm 50% thị phần. Tiếp đến là mặt hàng gia vị, nhu cầu tiêu dùng khá cao, nhất là hạt tiêu do Algeria không sản xuất được. 5 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã xuất khẩu 2,38 triệu USD giá trị mặt hàng này sang Algeria.
Nhiều thách thức cho doanh nghiệp thực phẩm muốn mở rộng xuất khẩu tại thị trường châu Phi |
“Trong số các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang châu Phi, gạo có kim ngạch lớn nhất, chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này ”, bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ- Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu (Cục Xúc tiến thương mại) chia sẻ.
Áp lực cạnh tranh
Châu Phi là thị trường dễ tính nhưng không dễ gia tăng xuất khẩu bởi sức cạnh tranh khá “nóng”. Trên thị trường Algeria, ông Hoàng Đức Nhuận thông tin: Hàng Việt Nam đang cạnh tranh gay gắt, đặc biệt là với hàng hoá đến từ Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan và hàng hoá cùng loại của các nước có hiệp định thương mại tự do với Algeria.
Không chỉ với Algeria, tình trạng này phổ biến với các thị trường khác trong khu vực châu Phi. Bên cạnh đó, nỗ lực tăng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức khác.
Chi phí vận chuyển cao là vấn đề lớn, hiện chi phí cho một container 20 feet từ Việt Nam sang Algeria mất khoảng 6.000 USD, 13.000- 14.000 USD cho một container 40 feet. Cùng đó là ngôn ngữ và thói quen tiêu dùng khác biệt, tiếp cận hệ thống phân phối, tiêu chuẩn chất lượng, tiêu chuẩn Halal…cũng đang làm khó doanh nghiệp Việt Nam.
Theo đại diện Thương vụ Việt Nam tại nhiều quốc gia ở khu vực châu Phi, thuế nhập khẩu cũng là vấn đến lớn. Các quốc gia châu Phi định hướng phát triển thị trường trong nước, do vậy khuyến khích nhập khẩu nguyên liệu thô về chế biến, đóng gói, thuế suất các mặt hàng chế biến và mặt hàng sản xuất được trong nước rất cao. Do vậy doanh nghiệp cần tình toán kỹ lưỡng.
Để đảm bảo an toàn trong giao dịch, doanh nghiệp cũng được khuyến cáo cần thẩm tra, xác minh đối tác kỹ trước khi ký kết hợp đồng, nhất là các điều khoản về thanh toán và giải quyết tranh chấp. Khi ký hợp đồng xuất khẩu - nhập khẩu, doanh nghiệp nên áp dụng hình thức thanh toán thư tín dụng không hủy ngang, thanh toán ngay. Nếu thanh toán theo hình thức cọc thì nên yêu cầu đối tác đặt cọc khoảng trên 30% giá trị đơn hàng, nhất là đối với các đơn hàng mới và lần đầu.
Ngoài ra, với mỗi thị trường, doanh nghiệp cũng cần chú ý đáp ứng các tiêu chuẩn riêng. Ví dụ, thị trường Nam Phi yêu cầu doanh nghiệp xuất nhập khẩu, kinh doanh thương mại đóng thuế môn bài trong 4 năm; giảm 20% hàm lượng protein vốn có đối với sản phẩm thịt chế biến, động vật giáp xác, sữa đậu nành. Đầu tư nghiên cứu, tìm ra những mặt hàng không chỉ đáp ứng tốt nhu cầu thị trường mà còn giải quyết được các bài toán liên quan đến các khâu logistics cho hàng thực phẩm.
Tại Hội nghị giao thương trực tuyến thực phẩm Việt Nam – Châu Phi 2022 do Cục Xúc tiến thương mại tổ chức ngày 14/6, đại diện Thương vụ Việt Nam tại khu vực châu Phi đã cung cấp nhiều thông tin thị trường, những lưu ý giúp doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu, điều chỉnh chiến lược sản xuất, kinh doanh phù hợp. |