Thị trường bánh trung thu handmade: Nở rộ nhưng có an toàn?
Đa dạng nhưng có an toàn?
Sở dĩ bánh trung thu handmade được nhiều người lựa chọn vì chúng được quảng cáo làm tại nhà, với nguyên liệu tươi ngon không dùng chất bảo quản, phụ gia, phẩm màu.... Bên cạnh đó, những chiếc bánh này còn thu hút người mua bởi sự đa dạng từ kiểu dáng đến nguyên liệu làm nhân và vỏ bánh, vị ngọt vừa phải, giá cả phù hợp. Hiện trên các hội nhóm mạng xã hội, bánh trung thu handmade được rao bán từ 20.000-50.00/chiếc tùy loại nhân. Cá biệt có bánh lên tới 200.000-500.000 ngàn đồng/chiếc tùy nhân bánh và kích cỡ, thường là những loại bánh nướng, dẻo hình cá chép, mặt trăng kích thước to phục vụ liên hoan nhóm lớp.
Là người làm bánh trung thu handmade nhiều năm, chị Trần Thúy Lan – nhà ở phố Cầu Giấy (Hà Nội) - cho biết: Với kiểu dáng đa dạng từ con vật, hoa quả, nhân vật... đến đủ màu sắc khiến những chiếc bánh sinh động, hấp dẫn người mua, nhất là gia đình có em nhỏ. Nguyên liệu làm bánh khá đơn giản, gồm bột mì, đường, bơ, trứng và các nguyên liệu phụ thuộc vào loại bánh muốn làm, có thể là nhân bánh đậu xanh, nhân thập cẩm, nhân trứng muối… song để đảm bảo an toàn thì những nguyên liệu này cần tươi mới, có nguồn gốc rõ ràng.
Bánh trung thu handmade được giao bán trên mạng với mức giá khác nhau |
Tuy nhiên, khảo sát trên thị trường cho thấy, hiện nay, loại nguyên liệu làm nhân bánh dễ dàng mua được ở các chợ, cửa hàng online. Và thị trường bánh trung thu handmade đã khá sôi động.
Trong khi mới đây, Đội Quản lý thị trường số 3 phối hợp với các đơn vị chức năng thuộc ban Chỉ đạo 389 quận Ba Đình kiểm tra, phát hiện hàng trăm bánh trung thu có dấu hiệu nhập lậu.
Cụ thể, ngày 7/8, tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh hàng tạp hóa, tại số 4 Đặng Dung, Trúc Bạch, Ba Đình, Hà Nội, Đoàn kiểm tra phát hiện, cơ sở đang kinh doanh 400 chiếc bánh nướng loại 50 gram/chiếc, do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, không rõ chất lượng.
Trước đó, ngày 6/8, kiểm tra Cơ sở kinh doanh hàng tạp hóa, tại số 115, Tân Ấp, Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội, Đoàn kiểm tra phát hiện cơ sở đang kinh doanh 321 sản phẩm bánh, kẹo các loại (trong đó có 175 chiếc bánh nướng). Toàn bộ số hàng hóa này do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, không rõ chất lượng.
Điều này đặt ra câu hỏi liệu bánh trung thu nói chung và bánh handmade có đảm bảo chất lượng hay vẫn tiềm ẩn những rủi ro cho người tiêu dùng?.
Chia sẻ về tiêu chí bảo đảm an toàn cho bánh trung thu, giới chuyên gia nhận định, có nhiều tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm cho một quy trình từ sản xuất bánh đến đóng gói thành phẩm như: Nguyên liệu, chất phụ gia, máy móc, thiết bị, nhà xưởng, môi trường... Nếu chỉ một khâu trong quy trình sản xuất không đảm bảo thì việc ngộ độc thực phẩm rất dễ xảy ra.
Riêng với bánh trung thu handmade, thông thường được làm bằng các loại nguyên liệu chưa được kiểm định, sử dụng nhiều phụ gia không rõ nguồn gốc, như chất bảo quản, chất chống ôxy hóa, phẩm màu, hương liệu tổng hợp… để làm cho bánh đẹp, bắt mắt hơn thì cũng khó để khẳng định đảm bảo an toàn.
Theo các chuyên gia thực phẩm, mỗi loại nguyên liệu làm nhân bánh đều có nguy cơ ô nhiễm vi sinh vật gây bệnh như nấm mốc, ký sinh trùng, nấm men, tả lỵ, tụ cầu, thương hàn…. hoặc chúng có thể bị ô nhiễm hóa chất độc hại như chất tăng trọng, kháng sinh cấm, nếu sử dụng quá liều lượng có thể gây ngộ độc thực phẩm, nguy hiểm tới sức khỏe người dùng.
Đảm bảo an toàn bằng cách nào?
Giới chuyên gia khuyến cáo, khi mua bánh hoặc nguyên liệu làm bánh, người dân cần có sự hiểu biết về cơ sở sản xuất, thương hiệu, độ uy tín, tem mác, thành phần chất phụ gia được sử dụng, hạn sử dụng của sản phẩm; tuyệt đối không mua sản phẩm trôi nổi, không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, thiếu thời hạn sử dụng.
Để đảm bảo an toàn thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có công văn số 1964/ATTP-NĐTT về việc tăng cường bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Trung thu năm 2024
Cục An toàn thực phẩm đề nghị UBND, Sở Y tế các tỉnh/thành phố, Sở An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh Bắc Ninh/ TP. Đà Nẵng, chỉ đạo các đơn vị chức năng: Phối hợp với Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai hoạt động thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn, tập trung ưu tiên cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu, bánh kẹo, nước giải khát, thực phẩm truyền thống sản xuất tại các làng nghề, cơ sở nhỏ lẻ; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố…
Kịp thời truy xuất, thu hồi sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và công khai tên cơ sở, địa chỉ, loại sản phẩm vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng, nếu có dấu hiệu hình sự đề nghị chuyển cơ quan công an để xử lý theo quy định của pháp luật.
Đồng thời tăng cường truyền thông cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện quy định pháp luật về an toàn thực phẩm quy định điều kiện cơ sở, trang thiết bị dụng cụ, yêu cầu về kiến thức, thực hành của người trực tiếp tham gia sản xuất, quy định về nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, đăng ký bản công bố, tự công bố sản phẩm, sử dụng phẩm màu, hương liệu, phụ gia, bao bì thực phẩm, ghi nhãn sản phẩm.
Đối với người tiêu dùng: Hướng dẫn việc lựa chọn, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn; chỉ mua, sử dụng thực phẩm, phụ gia thực phẩm có nhãn mác đầy đủ, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; không sử dụng phụ gia thực phẩm ngoài danh mục, không đúng đối tượng, liều lượng theo quy định.
Bên cạnh đó, các đơn vị y tế trên địa bàn chuẩn bị phương án, lực lượng thường trực, phương tiện, vật tư, hóa chất để sẵn sàng cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân khi xảy ra ngộ độc thực phẩm; điều tra vụ ngộ độc thực phẩm, xác định nguyên nhân gây ngộ độc, thực hiện các biện pháp phòng ngừa nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm…
Là địa bàn tập trung đông dân cư cũng như các cơ sở, làng nghề làm bành trung thu, TP. Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 232 về bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Trung thu trên địa bàn TP. Hà Nội năm 2024. Theo đó, từ nay đến hết ngày 20/9/2024, TP. Hà Nội sẽ tiến hành đợt thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm Tết Trung thu tại tất cả 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố; đẩy mạnh tuyên truyền với cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng.
Trong thời gian này, các sở, ban, ngành (Y tế, Công Thương, Quản lý thị trường…) căn cứ tình hình quản lý, chủ động tổ chức đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành hoặc liên ngành kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Trung thu.
Bánh trung thu là sản phẩm được chế biến từ nhiều loại nguyên liệu thực phẩm, gia vị, phụ gia thực phẩm. Từng loại nguyên liệu đều có nguy cơ mất an toàn thực phẩm như ôi thiu, nhiễm nấm mốc, vi khuẩn gây bệnh.... Trong quá trình sản xuất, việc chế biến, bảo quản không đảm bảo sẽ dẫn tới sản phẩm dễ bị ô nhiễm, có nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng. |