Thanh Hóa: Người dân sống bất an cạnh mỏ đá của Công ty xi măng Đại Dương
Nổ mìn phá đá, đá văng thẳng vào nhà dân
Phản ánh đến Báo Công Thương, gia đình anh Lương Văn Giáp, vợ là Ngân Thị Hằng (trú thôn Đồng Lách, xã Tân Trường, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa) cho biết, thời gian gần đây, cả nhà anh luôn sống trong cảnh lo sợ, hoang mang khi mỏ đá với nhiều điểm nổ mìn nằm sát ngay bên cạnh nhà mình.
“Công ty này bắt đầu làm từ năm 2022, đến năm 2023 thì chúng tôi bị ảnh hưởng. Tháng 10/2023 một cục đá to từ khu vực nổ mìn văng làm thủng mái tôn nhà. Thi thoảng hiện tượng đá văng vào nhà tôi vẫn xảy ra, ngoài ra mỗi lần nổ mìn nhà luôn bị rung lắc, các cánh cửa đã chốt chặt mà vẫn tự bung ra; cốc uống nước đang để trên bàn liền bị rơi xuống đất vỡ tan…ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của gia đình tôi”, chị Hằng chia sẻ.
Đá văng vào thủng, hư hại mái tôn nhà dân. (Ảnh: Quốc Huy) |
Sau khi có hiện tượng trên, gia đình anh Giáp, chị Hằng đã nhiều lần phản ánh tới chính quyền địa phương cũng như phía doanh nghiệp để có biện pháp đảm bảo an toàn tính mạng, tránh hư hại tài sản nhưng vẫn không được giải quyết dứt điểm. Đến ngày 9/7/2024, việc đá văng vào nhà anh Giáp lại một lần nữa xảy ra, mái tôn bị thủng một điểm, cách điểm lần trước chỉ vài gang tay.
Lần này, đại diện thôn Đồng Lách đã đến lập biên bản sự việc, đề nghị doanh nghiệp tạm dừng việc khai thác đá. Biên bản thể hiện, vào khoảng 11h ngày 9/7/2024, trong khi nổ mìn khai thác đá, 1 viên đá khoảng 5-6kg bay làm thủng, hư hại mái tôn nhà anh Lương Văn Giáp.
“Từ nhà tôi đến điểm nổ mìn chỉ cách khoảng 150m nên chúng tôi rất lo sợ mỗi lần công ty này nổ mìn. Trung bình 1 tuần công ty này nổ khoảng 2 - 3 ngày, vào các khung giờ khoảng 10 giờ 30 phút đến 13 giờ, 16 giờ đến 18 giờ. Mới đây nhất vào ngày 4/9, khi chúng tôi thấy công ty sắp nổ mìn thì đã sang phản đối, thế nhưng người của công ty còn thách thức. Chúng tôi mong sao nhận được cách giải quyết thỏa đáng để gia đình tôi ổn định cuộc sống”, anh Giáp cho biết.
Trong nhà anh Giáp xuất hiện nhiều vết nứt, tiềm ẩn nguy hiểm đến tính mạng của người dân. (Ảnh: Quốc Huy) |
Theo đại diện UBND xã Tân Trường, chính quyền địa phương đã nhận được phản ánh của người dân liên quan đến sự việc trên và cũng đã có văn bản gửi lên UBND thị xã Nghi Sơn để xin ý kiến chỉ đạo.
Sớm khắc phục và di dời các hộ dân đến nơi an toàn
Theo tìm hiểu, khu vực nổ mìn làm ảnh hưởng đến gia đình anh Lương Văn Giáp thuộc phần diện tích mỏ khai thác đá, cung cấp nguyên liệu đầu vào phục vụ tổ hợp nhà máy xi măng Đại Dương của Công ty cổ phần xi măng Đại Dương. Diện tích sử dụng đất của mỏ đá này được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương đầu tư (cấp ngày 10/7/2023) khoảng 145,6ha; gồm diện tích khai thác là 126ha, diện tích các công trình phụ trợ là phục vụ khai thác là 19,66ha. Công suất khai thác 801 tấn nguyên khai/năm.
Đến ngày 26/3/2024, Công ty cổ phần xi măng Đại Dương được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép khai thác khoáng sản với diện tích khu vực khai thác là 62ha; trong đó diện tích khu I là 23,6ha, khu II là 38,6ha. Trữ lượng khoáng sản được phép đưa vào thiết kế khai thác là 205.865.000 tấn đá vôi làm nguyên liệu xi măng và 2.824.000 m3 đá vôi dolomit làm vật liệu xây dựng thông thường. Còn công suất khai thác được cấp phép là 5.338.300 tấn đá vôi/năm làm nguyên liệu xi măng.
Tại Điều 6 của giấy phép khai thác khoáng sản này thể hiện, trong quá trình khai thác phải thực hiện đúng và đầy đủ các phương pháp, quy trình kỹ thuật, bảo đảm an toàn kỹ thuật, an toàn công trình mỏ, an toàn nổ mìn. Trường hợp có dấu hiệu không đảm an toàn, phải dừng ngay hoạt động khai thác, chế biến, đồng thời có biện pháp khắc phục kịp thời và báo cáo ngay bằng văn bản cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.
Khu vực nổ mìn rất gần với nhà người dân và nguyện vọng của người dân là phải có phương án để di dời họ đến nơi an toàn. (Ảnh: Quốc Huy) |
Theo tìm hiểu, ngoài hộ gia đình anh Lương Văn Giáp, còn 2 hộ gia đình khác cũng nằm bên cạnh mỏ đá của Công ty cổ phần xi măng Đại Dương, thuộc khu vực bị ảnh hưởng do nổ mìn. Chính doanh nghiệp này cũng đã công nhận điều này tại văn bản số 102.24/CV-XMĐD ngày 6/8/2024 gửi UBND thị xã Nghi Sơn. Hiện tại, doanh nghiệp này đang xin chủ trương để thu hồi phần diện tích của 3 hộ dân nói trên nhằm phục vụ việc nổ mìn, khai thác đá của đơn vị.
Để đảm bảo an toàn tính mạng cũng như đời sống sinh hoạt, sản xuất thường ngày của người dân sống quanh khu vực mỏ đá, người dân đề nghị Công ty cổ phần xi măng Đại Dương tạm dừng việc nổ mìn, nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục có liên quan, lên phương án đền bù thỏa đáng để di dời người dân đến nơi an toàn.