Dự án mỏ sắt Thạch Khê: Nhìn từ Nghị quyết của Đảng và ý kiến các bộ, ngành Thủ tướng thị sát mỏ sắt Thạch Khê: Nếu có lợi thì tổ chức triển khai, chưa có lợi thì dừng lại và tiếp tục nghiên cứu |
Từ 3 lần tạm dừng
Theo nghiên cứu của Giáo sư – Viện sỹ Nguyễn Hữu Mỹ - Viện Tháo khô mỏ Liên bang Nga tại Việt Nam, mỏ sắt Thạch Khê đã được các chuyên gia Liên Xô (Nga ngày nay) phát hiện từ 1964 nhưng phải đến 1985 mới hoàn thành báo cáo về trữ lượng, chất lượng quặng sắt.
Theo đó, mỏ quặng sắt ở Thạch Khê có trữ lượng 544 triệu tấn, chất lượng quặng có hàm lượng Fe cao, hàm lượng kẽm Zn quá cao (xấp xỉ 0,07%), trong khi quặng sắt khác thường có chứa Zn khoảng < 0,01%.
Năm 1987, Viện Khai thác mỏ Giproruda (Nga) chủ trì cùng 2 viện luyện kim Nga và Ucraina lập báo cáo khả thi cho dự án xây dựng nhà máy luyện thép có công suất 1,5 - 2 triệu tấn/năm, sử dụng quặng sắt mỏ Thạch Khê. Tuy nhiên do Liên Xô rơi vào khó khăn và tan rã nên không tiếp tục Dự án khai thác và chế biến quặng sắt mỏ Thạch Khê. Đây là lần thứ nhất dừng dự án (năm 1989-1990) và chưa tiến hành lập báo cáo khả thi cho dự án khai thác.
Từ năm 1990-1997, một số công ty của Đức, Nhật Bản, Úc, Mỹ… vào khảo sát. Công ty của Đức khoan 3.000m, đưa về Đức 62 tấn quặng và tiến hành phân tích, đánh giá. Mặc dù không có số liệu từ báo báo của Nga và Việt Nam về hàm lượng kẽm nhưng phía Đức cũng đã đánh giá và phát hiện trong quặng có hàm lượng Zn = 0,07%. Công ty khoan thăm dò của Đức cho rằng, loại quặng có hàm lượng kẽm như vậy không tương thích cho các lò cao ở các nước châu Âu, vì vậy họ đã dừng lại. Những công ty của các nước nói trên cũng không tiếp tục vì công nghiệp của họ chỉ luyện loại quặng có Zn < 0,01%... Đây là lần thứ 2 dừng nghiên cứu dự án do công nghệ và các yếu tố kỹ thuật, hàm lượng kẽm trong quặng tại mỏ sắt Thạch Khê không phù hợp cho các lò cao ở châu Âu và các nước khác.
Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị về phát triển công nghiệp khai khoáng theo Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 1/2/1996, “về định hướng chiến lược tài nguyên khoáng sản và phát triển công nghiệp khai khoáng đến năm 2010”, từ 1998 đến 2007, Tổng công ty thép Việt Nam tiếp tục phối hợp với các chuyên gia Nga tiến hành thu thập tài liệu, nghiên cứu và lập báo cáo tiền khả thi trên nền số liệu cũ từ trước đó.
Tháng 12/2006 - 12/2007, Viện Khai thác mỏ (Nga) chủ trì phối hợp với IPU, Viogem, Makhanor-CHLB Nga, Viện Khoa học Công nghệ mỏ và luyện kim Vimluki, Công ty Thiết kế cảng TEDI - Việt Nam đã lập báo cáo khả thi và được phía Việt Nam phê duyệt. Trong báo cáo khả thi lần này đã có phần dự báo thị trường, đánh giá tác động môi trường, xây dựng cảng, nhưng phần khoan thăm dò nước ngầm và caster trong khu vực mỏ vẫn chưa được tiến hành, vẫn sử dụng số liệu từ mô hình năm 2002 và chỉ khoan ngoài biển để phục vụ việc xây cảng, lấn biển.
Tháng 3/2007, Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê (TIC) được thành lập. Chủ đầu tư đã tiến hành một số hoạt động được cho là chưa có nghiên cứu, dẫn đến ngày 09/5/2007, tại Thông báo kết luận số 72-TB/TW, Bộ Chính trị yêu cầu việc khai thác mỏ sắt Thạch Khê phải đặc biệt chú ý bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo điều kiện tốt cho sự phát triển bền vững, lâu dài của đất nước.
Từ tháng 10/2010, TIC ký hợp đồng với liên danh Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư mỏ và công nghiệp VIMCC, thuộc Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) - chủ đầu tư, Viện Khoa học Công nghệ mỏ và Luyện kim Vimluki - Việt Nam và Viện Tháo khô mỏ Viogem (Nga) để lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật cho dự án. Công việc này được Viogem hoàn thành và bàn giao đúng tiến độ cho phía Việt Nam vào tháng 10/2011; tuy nhiên, có một số phần việc không hoàn thành theo đúng thời hạn.
Cùng thời gian này, năm 2010, Tập đoàn Kobe của Nhật Bản được cấp phép đầu tư Nhà máy sản xuất thép tại Việt Nam. Năm 2013-2014, Tập đoàn Kobe đã thuê tư vấn là Công ty SRK Consulting Pty Ltd (công ty tư vấn của Úc) nghiên cứu khả năng khai thác mỏ Thạch Khê. Trên cơ sở tài liệu do Kobe cung cấp từ nguồn của TKV, các tài liệu của Nga về mỏ sắt Thạch Khê, các thông tin về địa chất, tài nguyên, địa chất thuỷ văn và các lĩnh vực môi trường..., Công ty SRK đã tiến hành đánh giá và đưa ra kết luận: “Dựa trên việc xem xét lại Phân tích những tồn tại đã được thực hiện trên các tài liệu do Kobe cung cấp, SRK khuyến nghị rằng nên đưa Dự án Thạch Khê trở lại mức nghiên cứu tiền khả thi (PFS).”
Trong giai đoạn từ năm 2008 đến năm 2011, chủ đầu tư đã triển khai thực hiện thử nghiệm công nghệ và bóc đất tầng phủ đến độ sâu -34m so với mực nước biển, thu hồi 3 nghìn tấn quặng. Nhưng do hợp đồng lập thiết kế kỹ thuật bị dừng cùng với những thay đổi trong nội bộ các cổ đông của Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê và các vấn đề liên quan đến giải phóng mặt bằng, tái định cư cho người dân nên dự án bị dừng lần thứ 3 theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 164/TB-VPCP ngày 11/7/2011 của Văn phòng Chính phủ.
Như vậy tính từ năm 1964 đến năm 2011, dự án mỏ sắt Thạch Khê đã có 3 lần tạm dừng.
Dự án mỏ sắt Thạch Khê tạm dừng từ 2011 (Ảnh Báo Hà Tĩnh) |
đến Nghị quyết của Bộ Chính trị
Cũng từ năm 2011 đến nay, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có nhiều văn bản báo cáo, kiến nghị lên Trung ương với lý do bất cập của dự án như dây truyền công nghệ, độ an toàn khi khai thác; năng lực nhà đầu tư; hiệu quả kinh tế, chuyển đổi nghề cho lao động địa phương; phương án vận chuyển…nhưng quan trọng nhất là những rủi ro về mặt môi trường.
Năm 2018, dựa trên báo cáo, đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư với 2 phương án đưa ra là: dừng hoặc chấm dứt hoạt động dự án, Hà Tĩnh đã kiến nghị Chính phủ chấm dứt hoạt động; đồng thời chỉ đạo giải quyết tồn đọng, hoàn trả nguyên trạng, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống của nhân dân. Mặc dù: “Nếu dừng dự án sẽ có ảnh hưởng nhất định đến định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, một số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội không đạt kế hoạch đề ra; bản thân doanh nghiệp bị tổn thất khoản vốn lớn đã đầu tư vào dự án, làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và gây khó khăn cho doanh nghiệp...”.
Cũng trong khoảng thời gian từ khi tạm dừng cho đến năm 2021, vấn đề dự án mỏ sắt Thạch Khê tiếp tục được đưa ra thảo luận ở nhiều quy mô, lớn nhỏ với các luồng ý kiến khác nhau, một là chấm dứt hai là cho nghiên cứu tiếp tục.
Sự việc vẫn treo ở đó cho đến ngày 10/02/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết đã đưa ra mục tiêu tổng quát: “Điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản bảo đảm cung cấp đầy đủ thông tin, dữ liệu tin cậy về địa chất, khoáng sản, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tài nguyên khoáng sản được quản lý chặt chẽ, khai thác, chế biến, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, gắn với nhu cầu phát triển của nền kinh tế, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và hướng tới mục tiêu đạt mức trung hoà các-bon”.
Đối với vấn đề mỏ sắt Thạch Khê, trong mục 4, phần III về nhiệm vụ, giải pháp Nghị quyết 10-NQ/TW nêu rõ: “…Đánh giá hiệu quả đầu tư, hiệu quả kinh tế - xã hội bền vững để xem xét đầu tư các dự án khai thác, chế biến: Sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh)…hoàn thành trước năm 2030”.
Thực tế, quan điểm của Đảng về khoáng sản, trong đó có sắt thép đã được đề cập trong Nghị quyết 02-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 25/4/2011 “về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” với mục tiêu chung là: “Hình thành và phát triển một số ngành công nghiệp khai thác, chế biến sâu như lọc hoá dầu, sắt thép.... có tầm cỡ trong khu vực”. Và mục tiêu cụ thể đối với công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, trong đó có quặng sắt là: “Điều tra, đánh giá ở độ sâu đến 500m để làm rõ tiềm năng một số loại khoáng sản quan trọng, chiến lược, có quy mô lớn như: …sắt..”.
Đối với hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản trong đó có sắt thép, Nghị quyết 02 cũng nêu rõ là “Hình thành một số cụm công nghiệp khai thác - chế biến khoáng sản tập trung cho một số loại khoáng sản như than đá, đồng, thép, bô-xít - nhôm, cromit, titan - zircon, đất hiếm, chì - kẽm, đá ốp lát, cát trắng; tăng cường đầu tư các dự án chế biến sâu khoáng sản”.
Có thể khẳng định, vấn đề điều tra, đánh giá, thăm dò, khai thác chế biến khoáng sản sắt đã được Đảng xác định rõ từ Nghị quyết 02-NQ-TW, và tái khẳng định tại Nghị quyết 10-NQ/TW, đặc biệt vấn đề mỏ sắt Thạch Khê là một trong những nhiệm vụ cần triển khai.
Tuy nhiên, ngay sau khi Nghị quyết 10-NQ/TW ra đời, Tập đoàn TKV đã có kiến nghị cho tiếp tục triển khai dự án, trong khi đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh vẫn “bảo lưu” quan điểm “chấm dứt” hẳn dự án với lý do như cũ.
Do vẫn còn 2 luồng ý kiến “nước đôi” như vậy nên số phận của mỏ Sắt lớn nhất Việt Nam vẫn long đong chưa có hồi kết.
TS. Đào Duy Anh - Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ mỏ và Luyện kim Vimluki - Việt Nam: Là một tổ chức khoa học hoạt động trong lĩnh vực công nghệ mỏ- luyện kim, đã trực tiếp tham gia các nghiên cứu, tính toán cho dự án, chúng tôi cho rằng dự án mỏ sắt Thạch Khê nếu đưa vào hoạt động theo kế hoạch, được các cấp quản lý giám sát chặt chẽ trong triển khai sẽ giải quyết được các hệ lụy về môi trường, đảm bảo chủ động nguyên liệu cho các nhà máy luyện kim đang phát triển rất mạnh trong những năm qua, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế, xã hội của vùng mỏ cũng như đất nước. |
Bài 2: Tỉnh muốn dừng, bộ ngành, chủ đầu tư muốn tiếp tục