Vì sao địa phương muốn chấm dứt?
Mỏ sắt Thạch Khê nằm trên địa bàn 6 xã ven biển của huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh gồm xã Thạch Hải, Thạch Khê, Đỉnh Bàn, Thạch Trị và Thạch Lạc. Diện tích chiếm đất của dự án là: 3.900 ha. Số hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp là 4.437 hộ, 18.951 nhân khẩu.
Trong suốt thời gian hơn 10 năm, Chính phủ đã có chỉ đạo nhằm tháo gỡ khó khăn cho dự án. Đơn cử như tại Văn bản số 9792/VPCP-TH ngày 14/11/2016 của Văn phòng Chính phủ về việc triển khai nhiệm vụ của Nghị quyết phiên họp Chính phủ tháng 10/2016, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo: “Khẩn trương hoàn thành thủ tục, đảm bảo tiến độ khởi công dự án mỏ sắt Thạch Khê, Hà Tĩnh trong quý I/2017’’. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương là Bộ quản lý chuyên ngành đã có nhiều Văn bản làm rõ đối với các quan ngại của tỉnh Hà Tĩnh.
Tại cuộc làm việc với lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là việc triển khai một số dự án trọng điểm trong lĩnh vực công thương trên địa bàn tỉnh, vào tháng 11/2017, trước những đề nghị chấm dứt dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã thẳng thắn trao đổi là lãnh đạo Bộ Công Thương chia sẻ với những tâm tư, nguyện vọng của người dân và lãnh đạo địa phương. Đồng thời sẽ thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ trên cơ sở nghiên cứu đánh giá các cơ sở khoa học kỹ lưỡng, toàn diện.
Mặc dù thừa nhận hơn 10 năm dự án tạm dừng, đời sống của nhân dân vùng dự án gặp khó khăn; và mặc dù đã có chủ trương của Bộ Chính trị song Lãnh đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh và một số nhà khoa học vẫn muốn chấm dứt hẳn dự án.
Vào tháng 5/2022, trao đổi với Báo Công Thương, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh - ông Võ Trọng Hải giữ nguyên quan điểm là tỉnh đề nghị dừng khai thác mỏ sắt này mặc dù Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam đầu năm 2022 đề xuất Chính phủ cho khai thác lại.
Tổng hợp các lý do mà ông Võ Trọng Hải đưa ra bao gồm là rủi ro về mất an toàn trong quá trình khai thác, nguy cơ sự cố nghiêm trọng đến môi trường, ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế - xã hội khác; lo ngại về công nghệ khai thác; băn khoăn về hiệu quả kinh tế của dự án, thị trường tiêu thụ chưa chắc chắn; phương án vận chuyển quặng không khả thi; khai thác quặng không gắn với nhà máy chế biến; lo lắng về việc làm và sinh kế của người dân vùng dự án…
“Tỉnh Hà Tĩnh không đổi môi trường để lấy kinh tế. Đảng bộ nhân dân không đồng tình, khó đồng tình, còn quyền quyết định do Bộ Chính trị, và phải nhìn vào cái được và cái mất trong tương lai. Điều quan trọng, Tập đoàn phải xác định rõ hiệu quả kinh tế của dự án, mang lại lợi ích gì đất nước. Khi khai thác quặng bán đi đâu? Bán thô ra nước ngoài hay tự sản xuất? Họ phải tự trả lời với Bộ Chính trị với Chính phủ” – ông Hải nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh - Võ Trọng Hải |
Tuy nhiên, dưới góc độ nhà khoa học, TS. Đào Duy Anh Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ mỏ và Luyện kim Vimluki - Việt Nam cho rằng, những lo ngại của Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh hiện nay về hiệu quả của Dự án cũng như các tác động tiêu cực đến môi trường đã được giải trình trong các công trình nghiên cứu như đã nêu trên cũng như của chủ đầu tư, các Hội thảo khoa học trong nhiều năm gần đây, đa số các ý kiến đều cho rằng: qua các tính toán kỹ thuật chi tiết, xây dựng các mô hình hóa về các giải pháp khai thác, giải pháp ngăn ngừa mạch nước ngầm, giải pháp tháo khô mỏ đã được các đơn vị tư vấn lập và các cơ quan chuyên môn thẩm định cho thấy, công nghệ, kỹ thuật khai thác hiện nay đảm bảo việc khai thác mỏ quặng có tính khả thi, an toàn và có hiệu qủa kinh tế; vấn đề nước ngầm và hang cáctơ (nếu có) có thể sử dụng giải pháp các giếng hạ thấp mực nước để ngăn chặn (các tính toán cho thấy ngăn chặn được trên 70%); nước mặt đáy moong sử dụng hệ thống bơm cưỡng bức; hiệu qủa kinh tế dự án theo tính toán có lợi nhuận sau thuế bình quân: 1.057 tỷ đồng/năm và IRR là 15,6%, đảm bảo hiệu quả.
Doanh nghiệp muốn tiếp tục
Trái ngược hẳn với ý kiến của UBND tỉnh Hà Tĩnh, trao đổi với Báo Công Thương, đại diện của TKV lại khẳng định về tính khả thi, hiệu quả của dự án và đã triển khai theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ, đồng thời thực hiện đầy đủ các thủ tục pháp lý liên quan về lập, thẩm định và phê duyệt Dự án, điều chỉnh Dự án, thiết kế kỹ thuật.
Cụ thể, Dự án và thiết kế kỹ thuật do các đơn vị Tư vấn chuyên ngành khai thác mỏ có uy tín hàng đầu nước ngoài (Viện Giproruda; Viện Tháo khô mỏ thuộc CH Liên Bang Nga; Công ty TNHH CBM về Tư vấn, Kinh doanh và Quản lý thuộc Cộng hòa Liên bang Đức) và trong nước (Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim; Công ty Công ty CP Tư vấn đầu tư mỏ và Công nghiệp - Vinacomin; Hội Khoa học Công nghệ Mỏ Việt Nam) lập, thẩm định và đã được Bộ Công Thương thẩm định để báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận.
Đại diện TKV cho biết, đối với mỏ sắt Thạch Khê, là mỏ khoáng sản rắn thông thường, được khai thác bằng phương pháp lộ thiên; sử dụng đồng bộ thiết bị tiên tiến, hiện đại tương tự các mỏ khoáng sản đang áp dụng khai thác trong nước và trên thế giới. quá trình khai thác, tuyển quặng không sử dụng hóa chất; nước sản xuất khâu tuyển rửa quặng được sử dụng tuần hoàn; nước thải mỏ được xử lý đạt tiêu chuẩn theo quy định trước khi xả thải (đã được cấp thẩm quyền chấp thuận); công tác đổ thải cát ra bãi thải lấn biển đã giải quyết được vấn đề đổ thải cao trong đất liền, qua đó khắc phục được hiện tượng cát bay, cát chảy…
Dự án cũng đã được tỉnh Hà Tĩnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư và phê duyệt Dự án, lộ trình bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; Sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại. Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường; Giấy phép khai thác và Giấy phép xả thải. UBND tỉnh Hà Tĩnh và Tổng Cục đường bộ Việt Nam phê duyệt/chấp thuận thiết kế kỹ thuật và phương án tổ chức giao thông nút giao đấu nối từ moong mỏ sắt Thạch Khê vào QL.15B...Chủ đầu tư đã phê duyệt thiết kế kỹ thuật vào tháng 4/2016.
“Sau khi có chỉ đạo của Bộ Chính trị và Chính phủ, TIC đã nhận được sự đồng thuận cao từ các Bộ, ngành và đặc biệt là sự ủng hộ của địa phương nên TIC đã hết sức nỗ lực trong việc huy động vốn góp từ các cổ đông (đã huy động > 1.809 tỷ đồng); phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền của tỉnh Hà Tĩnh trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư, chuyển đổi nghề cho người dân vùng dự án; hỗ trợ xây dựng các công trình an sinh xã hội cho địa phương; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết bị… nhằm sớm đưa Dự án vào khai thác có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu sản xuất thép trong nước, góp phần tăng trưởng kinh tế cả nước và tỉnh Hà Tĩnh; đặc biệt là tạo cơ hội, làm thay đổi, cải thiện đời sống nhân dân vùng Dự án” – báo cáo mới nhất của TKV nêu rõ.
Bên cạnh đó, TKV cũng khẳng định, việc tiếp tục triển khai Dự án sẽ góp phần tích cực cho phát triển công nghiệp, dịch vụ phụ trợ và thương mại trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh và vùng phụ cận; tạo việc làm trực tiếp cho trên 3.500 lao động (chủ yếu là người dân trong diện chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi Dự án); đóng góp cho ngân sách hàng năm giai đoạn I trên 1.500 tỷ đồng/năm, giai đoạn II trên 2.800 tỷ đồng/năm (với giá bán bình quân 50 USD/tấn). Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay giá quặng sắt có chất lượng tương đồng với quặng mỏ Thạch Khê đang giao dịch ở mức trên 100 USD/tấn nên càng làm tăng hiệu quả kinh tế của Dự án, từ đó giá trị nộp ngân sách cho địa phương sẽ tăng tương ứng, dự kiến trong giai đoạn I trên 2.000 tỷ đồng/năm, giai đoạn II trên 4.300 tỷ đồng/năm.
Phát biểu tại Hội thảo khoa học “Dự án mỏ sắt Thạch Khê Hà Tĩnh: Tiếp tục hay dừng khai thác” tổ chức ngày 23/9 vừa qua, ông Phạm Lê Hùng - Thành viên Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần sắt Thạch Khê đề nghị dự án phải được làm và giám sát kỹ nếu để xảy ra các vi phạm thì tùy từng mức độ để xử lý, nếu vi phạm nặng thì thu hồi giấy phép.
"Về vấn đề dừng dự án, Hội Khoa học Công nghệ mỏ cũng như tôi cũng đã có văn bản và khẳng định hoàn toàn không có cơ sở pháp lý để dừng dự án. Nói về vấn đề môi trường, dự án đã khoan với độ dài 72km, xét nghiệm khoảng 16.500 mẫu đất, nước, các chất độc hại và đều ở chỉ số dưới mức cho phép. Hơn nữa dự án không dùng bất cứ hóa chất nào trong quá trình hoạt động. Khi khai thác quặng được rửa và nước thải đưa ra hồ lắng. Quặng được đưa vào nghiền nhỏ thế là xong. Nói về hiệu quả kinh tế, giá như dự án không dừng, đến ngày hôm nay tính theo giá bình quân hàng năm (theo giá của năm 2016) thì dự án đã khai thác trên 18 triệu tấn, doanh thu hơn 45.000 tỷ đồng mang về lợi nhuận khoảng 27.000 tỷ mà vốn điều lệ có khoảng 2.400 tỷ nộp ngân sách nhà nước khoảng 9.000 tỷ", ông Hùng cho biết.
Từ những phân tích cụ thể, đồng thời thực hiện chỉ đạo tại Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị, TKV đề nghị tỉnh Hà Tĩnh đồng tình, ủng hộ trong việc tái khởi động Dự án, đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tái khởi động Dự án nhằm mang lại hiệu quả, lợi ích Quốc gia, nhân dân vùng Dự án, địa phương và doanh nghiệp.
Hội thảo khoa học “Dự án mỏ sắt Thạch Khê Hà Tĩnh: Tiếp tục hay dừng khai thác” tổ chức ngày 23/9 |
Hệ luỵ từ việc dừng dự án: Chủ đầu tư gặp khó, dân lao đao
Có một thực tế đang hiện hữu là kể từ khi dự án mỏ sắt Thạch khê tạm dừng, cả người dân vùng dự án và chủ đầu tư đều bị ảnh hưởng nặng nề.
Đại diện Tập đoàn TKV cho biết, từ việc việc phải tạm dừng Dự án, đã gây bức xúc cho người dân trong diện phải di dời, đồng thời TIC không thể tiếp tục huy động, thu xếp vốn để tiếp tục thực hiện đầu tư, nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản..
Mặc dù phải tạm dừng Dự án từ năm 2011 đến nay, nhưng UBND tỉnh Hà Tĩnh vẫn yêu cầu TIC phải thực hiện nghĩa vụ nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và nộp tiền thuê đất, thuế phi nông nghiệp. Khi không có khả năng thực hiện, Cục Thuế tỉnh Hà Tĩnh đã áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn, đồng thời phong tỏa tài khoản của TIC. Việc này đã làm tê liệt mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của TIC
Để bảo vệ tài sản đã đầu tư và đặc biệt là bảo vệ tài nguyên, ranh giới mỏ đã được cấp phép khai thác, cũng như chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc tái khởi động Dự án… nên TIC đã phải chủ động tìm kiếm việc làm, tạo thu nhập để duy trì cuộc sống tối thiểu cho người lao động.
Do các biện pháp từ chính quyền Hà Tĩnh, TIC không thể chi trả tiền lương, ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống, tâm lý cũng như quyền lợi chính đáng của người lao động tại Công ty (trong đó chiếm 70% là người địa phương); cũng từ việc bị phong tỏa tài khoản, người lao động của TIC không thể nhận được nguồn hỗ trợ phúc lợi từ Công ty mẹ cũng như hỗ trợ từ Cổ đông, Nhà hảo tâm trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến sức khỏe, tinh thần người dân cả nước và nhân dân tỉnh Hà Tĩnh cũng như người lao động của TIC.
Để giải quyết việc cưỡng chế hóa đơn nêu trên, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã có ý kiến chỉ đạo: “xem xét, xử lý kiến nghị của TKV về việc chưa xem xét đóng tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trong thời gian dừng triển khai Dự án…”; Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh và khẳng định: “Công ty thuộc đối tượng được tạm dừng nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản cho đến khi Dự án được tiếp tục triển khai theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 9 Nghị định số 67/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản”.
Tuy nhiên, đến nay tỉnh Hà Tĩnh chưa giải quyết các kiến nghị của TKV và TIC về dừng cưỡng chế thuế, dừng thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo Chỉ đạo của Chính phủ, ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường nên nên mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của TIC vẫn bị tê liệt. Nghiêm trọng hơn, TIC không kịp thời thanh toán khoản nợ cho Nhà thầu nước ngoài lập Thiết kế kỹ thuật của Dự án (đã được cấp thẩm quyền thẩm định và chấp thuận), sẽ dẫn đến việc TIC bị Cục Thi hành án Dân sự tỉnh Hà Tĩnh kê biên tài sản để thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo phán quyết của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam.
Ở phía ngược lại, vì lý do tạm dừng, hơn 10 năm qua, nhiều hộ dân bị ảnh hưởng của dự án luôn sống trong mòn mỏi, đợi chờ vì chưa biết “các cấp chính quyền sẽ quyết định như thế nào”?
Diện tích đất nằm trong quy hoạch mỏ sắt bị hoang hoá, đất đai khô cằn, hoa màu trồng không có thu hoạch. Hạ tầng thiếu thốn, nơi ở tạm bợ, cuộc sống bấp bênh nên nhiều lao động đã phải tha phương cầu thực. Theo đại diện chính quyền ở những xã nơi có dự án, chính sách bồi thường chưa chấm dứt khiến người dân “đi không được, ở cũng không xong”.
Vị trí dự án mỏ sắt Thạch Khê (Ảnh báo Hà Tĩnh) |
Khảo sát thực tế tại khu vực dự án của phóng viên Báo Công Thương cho thấy, giữa cái nắng, cái gió ở vùng đất cát giàu tài nguyên này vẫn vậy. Thời gian cũng đủ lâu để con người, cây cỏ thích thích nghi với hiện tại. Chỉ có điều cái nghèo, cái khó khăn vẫn đeo đuổi mãi người dân vùng đất này.
Ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, ông Nguyễn Văn Sơn (trú thôn Văn Sơn, xã Đỉnh Bàn) trải lòng, trước đây, cuộc sống của người dân trong vùng quy hoạch mỏ sắt vẫn đói khổ như vậy. Khi dự án được triển khai, nhiều người mừng rơi nước mắt, đồng thuận để chuyển đi nhường đất cho dự án với hy vọng “đổi đời” hoặc ít ra tương lai cũng sáng sủa hơn. Thế nhưng lâu quá rồi, dự án không triển khai, người dân thấy hụt hẫng, lợi ích không thấy và cũng chẳng còn hy vọng gì. Tốt nhất là cứ để yên vậy!
Cũng trạc tuổi và chung quan điểm với ông Sơn, ông Nguyễn Văn Nam ở xã Thạch Khê cho biết, vì vướng quy hoạch dự án, nên muốn làm gì cũng không được. Dân phụ thuộc vào quyết định của nhà nước, nhà nước muốn khai thác dân phải chịu.
Ông Phan Xuân Mậu - Chủ tịch UBND xã Thạch Khê cho biết: Thạch Hà có lợi thế làm du lịch với bãi biển đẹp nhất trong tỉnh. Tuy nhiên, nhiều năm nay, do nằm trong vùng dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê nên việc khai thác tiềm năng du lịch ở đây gần như phát triển rất chậm. Đặc biệt, hơn 10 năm qua, gần như không có đơn vị nào đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở đây.
“Trong lần tiếp xúc cử tri gần đây, nhân dân Thạch Hà đề nghị các cấp, sớm cho biết có hay không việc dừng khai thác mỏ sắt Thạch Khê”? – Ông Mậu nhấn mạnh.
TS. Đào Duy Anh cho rằng, việc dừng thực hiện Dự án hơn 10 năm qua đã gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực về kinh tế, xã hội cho các nhà đầu tư, địa phương và nhân dân vùng mỏ”.
Tại kỳ hợp thứ 3, Quốc hội khoá XV, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục nêu quan điểm về "số phận" mỏ sắt Thạch Khê và mong Chính phủ sớm có quyết định chính thức. |
Bài 3: Bài học kinh nghiệm cần tham khảo nhìn từ dự án boxit Tây Nguyên và hai nghị quyết của đại hội đảng toàn quốc