Thực tế, bất kỳ dự án nào cũng có tính 2 mặt và không thể có những phương án hoàn hảo 100% mà chỉ có phương án tối ưu. Cơ quan quản lý nhà nước hay chủ đầu tư cũng cần cân nhắc những khuyến cáo của các chuyên gia, nhà khoa học, ý kiến người dân. Tuy nhiên cũng không thể quá thận trọng để mất đi cơ hội phát triển.
Nhu cầu quặng sắt cho phát triển công nghiệp
Trong bối cảnh thế giới đang biến đổi bị tác động bởi các yếu tố dịch bệnh, các xung đột địa chính trị đã khiến chuỗi cung ứng bị đứt đoạn, nguồn nguyên liệu cho sản xuất hàng hoá bị ngưng trệ, doanh nghiệp sản xuất gặp khó khăn vì thiếu tính tự chủ, thiết nghĩ chúng ta cần cân nhắc đến việc phát huy những lợi thế sẵn có.
Mặt khác, Việt Nam đang hướng tới nước công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong tương lai rất gần. Muốn vậy thì ngành sản xuất công nghiệp trong nước phải phát triển và bên cạnh các yếu tố về nguồn vốn, khoa học công nghệ, nguồn nhân lực thì yếu tố không thể thiếu đó là nguồn nguyên liệu.
Trong báo cáo đề xuất xây dựng "Chiến lược phát triển ngành thép Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050" gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương cho biết để sản xuất thép xây dựng đáp ứng nhu cầu trong nước (khoảng 14 triệu tấn/năm) cũng như đáp ứng một một phần nhu cầu xuất khẩu, có tới 42% sản xuất là được sử dụng từ phế liệu thép nhập khẩu; có 58% sản xuất từ lò cao, sử dụng nguyên liệu là quặng sắt.
Quy hoạch tài nguyên trữ lượng quặng sắt của cả nước (trừ quặng sắt laterit Tây Nguyên) chỉ khoảng 1.300 triệu tấn, nhưng chiếm chủ yếu là các mỏ nhỏ và phân tán, hầu hết các mỏ có trữ lượng lớn và trung bình đã được huy động khai thác.
Tuy nhiên theo báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam, hiện quặng sắt Việt Nam mới đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu trong nước, chủ yếu do các doanh nghiệp tư nhân khai thác theo hình thức manh mún nhỏ lẻ.
Mặc dù sản xuất thép thành phẩm tại Việt Nam trong tháng 9/2022 đạt 2,446 triệu tấn, tăng 23,41% so với tháng 8/2022 và tăng 1,7% so với cùng kỳ 2021; đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu một phần song nghịch lý lâu nay chưa được giải quyết đó là tình trạng thừa nguồn cung thép xây dựng, nhưng lại thiếu trầm trọng nguyên liệu sản xuất và thép phục vụ trong ngành công nghiệp hỗ trợ.
Và phần lớn nguyên liệu đều phải nhập khẩu từ nước ngoài. Dự kiến trong năm 2022, Việt Nam phải nhập khẩu nhiều loại nguyên liệu để sản xuất thép như quặng sắt cho các lò cao khoảng hơn 18 triệu tấn; thép phế khoảng 6-6,5 triệu tấn cho các lò điện; than mỡ luyện cốc khoảng 6,5 triệu tấn và điện cực graphite khoảng 10.000 tấn.
Bộ Công Thương nhận định phát triển ngành thép trong nước đang bị mất cân đối giữa thượng nguồn và hạ nguồn. Trong khi sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm sau thép như tôn mạ kẽm, thép ống tăng trưởng tốt thì các mặt hàng như thép hợp kim, thép cuộn cán nóng HRC vẫn phải nhập khẩu số lượng lớn với giá cả biến động.
Nhiều ý kiến cho rằng, với trữ lượng lớn, mỏ sắt Thạch Khê nếu xử lý được, việc khai thác tốt sẽ giúp giải quyết những vấn đề nhập quặng mà còn giúp phát triển địa phương, tạo thêm công ăn việc làm, thu nhập và nguồn thu cho ngân sách địa phương. Nhất là thời điểm, khi hiện nay cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine có nhiều chắc trở, thì chúng ta tận dụng cơ hội này để phát triển mỏ Thạch khê để tận dụng nguồn nguyên liệu trong nước giảm nhập khẩu.
TS. Đào Duy Anh cho biết, việc đưa dự án vào khai thác theo như thiết kế, tuổi thọ mỏ kéo dài gần 40 năm, với sự phát triển của khoa học và công nghệ, các vấn đề đang gây lo ngại hiện nay sẽ ngày càng giảm thiểu. Việc triển khai Dự án và triển khai từ bây giờ cũng là công việc góp phần tạo nguồn nguyên liệu quặng sắt cho ngành công nghiệp luyện thép phục vụ nhu cầu phát triển công nghiệp theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. Hiện tại, đầu tư phát triển khu vực dự án chưa đáng kể, nên việc tổ chức khai thác sẽ còn thuận lợi; 10 hay 20 năm tới sẽ khó có được bài toán kinh tế khi tiến hành đền bù, GPMB cho dự án. Do vậy, đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu để triển khai Dự án.
Nhiều chuyên gia cho rằng cần sớm có quyết định cho dự án mỏ sắt Thạch Khê |
Cần đẩy sớm tiến độ
Theo nhiều chuyên gia trung lập, đối với mỏ sắt Thạch Khê, hiện có 2 vấn đề lớn cần xem xét, giải quyết đó là hiệu quả kinh tế và vấn đề môi trường.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, TS. Lê Đăng Doanh, mỏ sắt Thạch Khê gần với bờ biển, nếu khai thác có thể có tác động đến môi trường, vì vậy trước kiến nghị của UBND tỉnh Hà Tĩnh chúng ta cũng cần xem xét thật kỹ, xem tác động của dự án đến môi trường như thế nào rồi mới có quyết định cụ thể.
Chia sẻ bên lề Hội thảo khoa học “Dự án mỏ sắt Thạch Khê Hà Tĩnh: Tiếp tục hay dừng khai thác”, ông Nguyễn Hồng Phương - Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý địa cầu cho biết, nếu tiếp tục triển khai dự án cần tính toán đến các yếu tố đia chất về nguy cơ động đất kích thích và sóng thần vì Mỏ sắt Thạch khê nằm trong vùng bị ảnh hưởng của ba nguồn phát sinh động đất chính bao gồm đứt gãy Sông Cả, đứt gãy Khe Bố - Hà Tĩnh và đứt gãy Rào Nậy.
“Dù nguy cơ sóng thần ở khu vực này chỉ ở mức độ thấp và động đất kích thích chỉ xảy ra trên bề mặt ở độ sâu không quá 8km”, ông Phương chia sẻ.
Còn theo GS.TS Hoàng Xuân Cơ - Hội Kinh tế môi trường Việt Nam, căn cứ vào các báo cáo khoa học và những nghiên cứu trước đó, vấn đề môi trường của dự án không đáng lo ngại. Vấn đề quan tâm là hiệu quả kinh tế, nếu tính đúng, tính đủ các chi phí môi trường cho các phương án xử lý tác động, xử lý khả năng xảy ra sự cố nữa thì giá trị hiện tại ròng (NPV) tiếp tục giảm. Vì vậy, cần có những con số tính toán thật sát với thực tế, đặt cùng lúc lên bàn để các cấp có thẩm quyền có thêm căn cứ, cơ sở đưa ra quyết định cuối cùng.
Một chuyên gia (giấu tên) cho biết, Nhà nước cần tiếp tục triển khai mỏ sắt Thạch Khê vì khoáng sản nằm trong lòng đất nếu ta không khai thác thì vẫn chỉ là một đống vô tri vô giác hoàn toàn không có giá trị.
Ngân sách nhà nước đổ dồn vào đầu tư thăm dò, lập kinh phí dự án, nếu chấm dứt hẳn sẽ lãng phí, thiệt hại to lớn và phải giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến an sinh xã hội.
Đối với vấn đề môi trường và công nghệ khai thác không đáng quan ngại vì hiện nay công nghệ khai thác khoảng sản đã tiến xa hơn rất nhiều, nếu thực hiện nghiêm túc, có giám sát, kiểm tra thường xuyên.
Giáo sư, viện sỹ Nguyễn Huy Mỹ cho rằng: Chủ đầu tư cần chứng minh hiệu quả đầu tư, hiệu quả kinh tế - xã hội bền vững qua báo cáo khả thi và bên phản biện cần chỉ rõ các sai sót trong các giải pháp kỹ thuật và giải pháp ngăn ngừa tác động môi trường....
Theo GS Nguyễn Hữu Mỹ, nếu chủ đầu tư tiến hành lập các hồ sơ, báo cáo khả thi để chứng minh hiệu quả đầu tư, hiệu quả kinh tế xã hội bền vững (theo Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị) thì cần theo mốc thời gian cụ thể. Cùng với đó, phía Hà Tĩnh cần chứng minh các lý do đề nghị dừng đảm bảo căn cứ khoa học và thuyết phục.
Để có câu trả lời rõ ràng, đủ cơ sở khoa học và hợp lòng dân, tất nhiên các cơ quan liên quan phải vào cuộc khẩn trương, trách nhiệm dưới sự đôn đốc, giám sát chặt chẽ của Chính phủ, chủ đầu tư và tỉnh Hà Tĩnh. Lộ trình để giải quyết dứt điểm càng sớm càng tốt, từ công tác chuẩn bị, lập báo cáo khả thi, tổ chức bảo vệ đến kết luận, giải quyết tồn đọng.
Theo tinh thần Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị, việc đánh giá hiệu quả đầu tư, hiệu quả KT-XH bền vững để xem xét đầu tư dự án khai thác, chế biến sắt Thạch Khê phải hoàn thành trước năm 2030. Chủ trương rất đúng vì đã hơn 11 năm qua, chưa có lời giải một cách khoa học cho việc dừng hay triển khai dự án. Tuy vậy, nếu để đến năm 2030 là quá lâu, tiếp tục ảnh hưởng đến đời sống của Nhân dân và định hướng chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh.
Liên quan đến mỏ sắt Thạch Khê, ngày 11/6/2022, trong quá trình khảo sát thực địa và nghe báo cáo về dự án, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu cần phải có sự tính toán theo nguyên tắc tập trung, dân chủ, phát huy trí tuệ tập thể để lựa chọn hướng đi phù hợp trong thời gian tới.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh, việc quyết định dừng hay tiếp tục triển khai dự án mỏ sắt Thạch Khê phải có đánh giá khoa học, khách quan; có đánh giá tác động tổng thể từ kinh tế đến tính chất xã hội, đời sống người dân, môi trường và các vấn đề liên quan; việc đánh giá cũng phải mang tính dự báo dài hơi. Sau đánh giá, trường hợp có lợi thì tổ chức triển khai, nếu chưa có lợi thì dừng lại và tiếp tục nghiên cứu.
Thủ tướng Chính phủ cũng lưu ý, việc này phải sớm có quyết sách đúng đắn để ổn định đời sống dân cư địa phương. Quyết sách này phải đảm bảo cơ sở khoa học và hợp lòng dân.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nghe báo cáo về dự án mỏ sắt Thạch Khê vào tháng 6/2022 (ảnh báo Hà Tĩnh) |
Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, TS. Đào Duy Anh cho biết: Sau hơn 12 năm kể từ khi dự án được cấp phép (năm 2009), đến nay các điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước và tiến bộ khoa học kỹ thuật trong ngành khai khoáng đã có nhiều thay đổi. Nên chăng, các cơ quan quản lý các cấp và Chủ đầu tư cần có kế hoạch rà soát lại tổng thể toàn bộ Dự án, bổ sung một số nghiên cứu để đánh giá và giải trình có cơ sở khoa học vững chắc về những lo ngại của tỉnh Hà Tĩnh, khẳng định tính đúng đắn của tính toán và thiết kế đã lập; có kế hoạch chi tiết về tiến độ triển khai Dự án, về giải phóng mặt bằng và tái định cư, về giải pháp huy động nguồn vốn.
Đồng thời, bổ sung, xây dựng các giải pháp, định hướng bảo vệ môi trường theo các quy định mới của Luật pháp cũng như cập nhật lại dữ liệu để chứng minh Dự án nếu được triển khai trong hiện tại thì có hiệu quả kinh tế đến đâu khi ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và phát triển đồng bộ nhiều cấu thành của Dự án như: sử dụng thiết bị bốc xúc và vận tải không dùng nhiên liệu hóa thạch, giải pháp áp dụng công nghệ thông tin và tự động hóa mức độ cao trong khai thác, chế biến và quản trị doanh nghiệp, giải pháp đổ thải tạo mặt bằng lấn biển hình thành các dự án bất động sản mới, giải pháp vận tải hàng tiêu thụ và cảng biển phù hợp,….
TS. Đào Duy Anh cũng cho rằng, một dự án để thành công không chỉ cần sự quyết tâm nỗ lực của chủ đầu tư, chủ trương đúng đắn của Nhà nước, sự đồng thuận của chính quyền địa phương mà còn cần phải có chủ trương, chính sách ổn định, không theo tư duy nhiệm kỳ, có quy hoạch và kế hoạch phát triển thống nhất (từ đất đai, môi trường, giải phóng mặt bằng, đào tạo nhân lực, dịch vụ phụ trợ, ….).
Đặc biệt, Chính quyền địa phương cần song hành chứ không nên phó mặc cho Chủ đầu tư, để Dự án khi triển khai được thuận lợi, theo đúng mục tiêu dự án và kế hoạch đã phê duyệt, mới mang lại hiệu qủa kinh tế - xã hội tương xứng và phù hợp. Khi triển khai dự án, chính quyền các cấp cần tăng cường quản lý, giám sát để Chủ đầu tư thực hiện đúng cam kết dự án, đảm bảo môi trường và an sinh xã hội vùng mỏ cũng như đất nước.
Một số ý kiến cho rằng, bất cứ một dự án kinh tế, bất kể là ở cấp độ nào, nhiều khi chuyện đúng/sai cũng chỉ là một sợi chỉ rất mong manh. Song, với những người lãnh đạo, nhiều khi vẫn cần sự quyết đoán nếu sau một hồi cân nhắc, lắng nghe sự phản biện nghiêm túc từ dư luận xã hội thì việc cần quyết vẫn phải quyết. Câu chuyện Bauxite Tây Nguyên cách đây hơn 10 năm là một ví dụ điển hình. |