Khởi động sau thời điểm với dự án Bauxite Tây Nguyên chỉ ít năm, nhưng đến nay, dự án mỏ sắt Thạch Khê vẫn chưa tìm được lối ra, trong khi các dự án Bauxite đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo môi trường.
Từ sự phản đối quyết liệt
Nhớ lại thời điểm cách đây hơn 10 năm, dự án bauxite Tây Nguyên đã chịu nhiều làn sóng phản đối, chỉ trích nặng nề.
Với tiềm năng bauxite dồi dào, trong hai kỳ Đại hội IX và X của Đảng đã thống nhất chủ trương phát triển ngành công nghiệp khai thác, chế biến alumin, nhôm để sử dụng trong nước và xuất khẩu; quan trọng hơn là phục vụ phát triển kinh tế đất nước nói chung, góp phần phát triển kinh tế- xã hội Tây Nguyên nói riêng.
Tuy nhiên ngay sau Chính phủ chỉ đạo xây dựng và phê duyệt Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng bauxite giai đoạn 2007-2015, có xét đến năm 2025 với bước đi cụ thể và chỉ đạo triển khai 2 dự án khai thác bauxite, sản xuất alumin đầu tiên tại Tân Rai (Bảo Lộc, Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đắk Nông) thì cả nước đã dấy lên phong trào phản đối, kể cả những người trong ngành với những ngôn từ nặng nề như: sai lầm chiến lược, không hiệu quả kinh tế, tàn phá môi trường, nguồn nước, ảnh hưởng quốc phòng, an ninh, văn hoá dân tộc thiểu số thậm chí là “Tây Nguyên sẽ chết vì khai thác Bauxite”…
Bên cạnh đó không ít lo ngại về kỹ thuật công nghệ, an toàn, đặc biệt là vấn đề môi trường (do công nghệ chế biến alumin phức tạp hoàn toàn mới tại Việt Nam, sử dụng nhiều hóa chất như: xút, chất trợ lắng…; phương pháp thải bùn đỏ...; cự li vận chuyển, khối lượng vận chuyển nguyên liệu và sản phẩm tiêu thụ giữa cảng với các Nhà máy alumin lớn, từ 200-260 km; mật độ phương tiện vận chuyển dày đặc, liên tục; diện tích sử dụng đất khai thác hàng năm lớn...).
Các nhà khoa học đã đưa ra nhiều chứng cứ, với hàng chục nghìn trang tài liệu để phản đối, thậm chí có nhóm nhà khoa học vận động ký tâm thư bao gồm cả những lão thành cách mạng để gửi lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Dự án Bauxite Tây Nguyên đang chứng minh tính hiệu qủa |
Đến hiệu quả kinh tế - xã hội
Thế nhưng, với định hướng đúng đắn vì lợi ích quốc gia, dân tộc, Trung ương đã chỉ đạo Chính phủ, các bộ ngành, Tập đoàn TKV quyết liệt vào cuộc, đưa ra các phương án tối ưu để triển khai dự án trên cơ sở cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng mọi vấn đề. Và sau hơn 10 năm triển khai, đến nay dự án đã chứng minh tính hiệu quả toàn diện mang lại lợi ích to lớn không chỉ cho địa phương mà còn của đất nước.
Báo cáo mới nhất của Tập đoàn TKV cho thấy, cả 2 nhà máy bauxite Tây Nguyên đều đã chạy vượt công suất thiết kế, tổng sản lượng sản xuất đạt trên 1,42 triệu tấn alumin quy đổi. Sản xuất tới đâu bán với đó. Các cán bộ kỹ sư cũng đã làm chủ công nghệ.
Đối với Nhà máy Alumin Nhân Cơ (do Công ty Nhôm Đắk Nông quản lý), sau 5 năm đi vào vận hành (2017-2022), công ty đã đóng góp hàng nghìn tỷ đồng tiền thuế cho ngân sách địa phương.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười, Nhà máy Alumin Nhân Cơ vận hành thử nghiệm từ tháng 11/2016. Sau 6 năm vận hành đi vào sản xuất, dự án đã đem lại kết quả rất tốt cho địa phương, nhất là sự tăng trưởng khu vực công nghiệp, chiếm gần 40% sản xuất công nghiệp của tỉnh.
Dự án đã góp phần đưa tỷ trọng công nghiệp của tỉnh tăng từ 7,9% năm 2016 lên gần 13% vào năm 2021. Dự án cũng đóng góm ngân sách địa phương khoảng 400 tỷ đồng/năm.
“Đặc biệt, dự án đã giải quyết công ăn việc làm cho trên 1.000 lao động địa phương và đóng góp nhiều vào công tác xã hội trên địa bàn tỉnh. Thời gian qua, dự án đã trích nhiều tỷ đồng làm công tác xã hội, từ thiện trên địa bàn tỉnh Đắk Nông cũng như hỗ trợ cho đồng bào vùng dân tộc”, ông Mười thông tin.
Quặng bauxite ở Tây Nguyên |
Ông Ngô Tuấn Linh, Phó Giám đốc Công ty Nhôm Đắk Nông cho biết, từ khi có Nhà máy Alumin Nhân Cơ, xã Nhân Cơ và huyện Đắk R'lấp có nhiều thay đổi đáng kể. Hạ tầng vật chất kỹ thuật của địa phương ngày càng phát triển, công tác bảo vệ môi trường được đảm bảo theo đúng quy định. TKV cũng đã hỗ trợ 175 tỷ đồng cho công tác an sinh xã hội đối với địa phương.
Còn tại Công ty TNHH MTV Nhôm Lâm Đồng, sau gần 12 năm hoạt động (có lãi từ 2017), công ty đã đóng góp ngân sách hơn 3.600 tỷ, giải quyết việc làm ổn định cho 1.230 lao động địa phương.
Theo Tiến sĩ Đặng Vũ Chư, nguyên Bộ trưởng Bộ Công nghiệp, ở thời điểm đó, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến vấn đề môi trường, trong đó có việc xử lý bùn đỏ và hoàn thổ sau khi khai thác bauxite bởi vì trước đấy ít lâu vừa xảy ra vụ vỡ hồ chứa bùn đỏ ở Hungary. Trong qua trình thẩm định, chúng tôi đã đề nghị chủ đầu tư làm rõ nhiều vấn đề có liên quan đến việc bảo vệ môi trường, nhất là công nghệ, các biện pháp kỹ thuật.
Đã có nhiều kiến nghị đưa ra được các nhà máy thực hiện, do vậy, chưa xảy ra sự cố môi trường nào ảnh hưởng đến đời sống của đồng bào ta sống xung quanh.
Bên cạnh đó, nhờ sử dụng công nghệ Bayer hiện đại của thế giới, độ tinh khiết của alumin đạt cao hơn cả thiết kế, tiêu hao năng lượng ít hơn.
Mặc dù cũng gặp nhiều những khó khăn, chông gai, nhưng đến giờ đều đã vượt qua. Đặc biệt, 2 dự án đã có đóng góp nhất định cho kinh tế của đất nước, thu hút được nhà đầu tư vào lĩnh vực luyện nhôm, từ đó thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp chế tạo cơ khí, thiết bị và hóa chất phụ trợ.
Có thể thấy, sự quyết tâm chính trị, nghiêm túc lắng nghe, doanh nghiệp tuân thủ các quy định của pháp luật về môi trường; ứng dụng khoa học công nghệ mới; minh bạch thông tin; tăng cường kiểm tra, giám sát…thì các dự án đã đáp ứng được yêu cầu, mục tiêu đề ra. |
Bài 4: Các chuyên gia nhà khoa học hiến kế