Tăng trưởng kinh tế lan tỏa từ các ‘trụ cột’ công nghiệp địa phương
Địa phương vào cuộc, công nghiệp dẫn dắt
Quý I/2025 khép lại với một bức tranh tăng trưởng sáng sủa ở nhiều địa phương. Theo Cục Thống kê (Bộ Tài chính), có tới 43 địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức bình quân cả nước. Đặc biệt, 5 địa phương dẫn đầu là Bắc Giang (13,82%), Hòa Bình (12,76%), Nam Định (11,86%), Đà Nẵng (11,36%) và Lai Châu (11,32%) tất cả đều có một điểm chung: Công nghiệp là động lực chính cho tăng trưởng.
Ngành công nghiệp là động lực chính đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh, Bắc Giang được coi là trụ cột công nghiệp phía Bắc. Ảnh: Bacgiangtv |
Không phải ngẫu nhiên mà Bắc Giang trở thành “điểm sáng” của quý I. Với chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 26,58%, giá trị tăng thêm khu vực công nghiệp đạt 17,97% cao nhất trong ba khu vực, tỉnh này đang khẳng định vai trò trụ cột công nghiệp phía Bắc. Đòn bẩy đến từ việc hàng loạt nhà máy mới đi vào vận hành từ cuối 2024, duy trì sản xuất ổn định, kéo doanh thu tăng gấp 2,5- 3 lần so với cùng kỳ.
Tương tự, Hòa Bình vươn lên vị trí thứ 2 cả nước về tăng trưởng, với sự đóng góp chủ yếu từ khu vực công nghiệp đang được tỉnh chú trọng đầu tư. Nam Định cũng đạt mức tăng trưởng đáng nể 11,86%, trong đó công nghiệp và xây dựng đóng góp hơn 7,3 điểm phần trăm, minh chứng rõ nét cho hiệu ứng lan tỏa từ các khu công nghiệp.
Đà Nẵng, không chỉ giữ vững “phong độ” của quý IV/2024, mà còn ghi dấu bằng cú nhảy vọt quý I/2025 với mức tăng GRDP 11,36% cao nhất vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung. Công nghiệp, xây dựng tăng 17,6%, dịch vụ tăng 10,07%, cho thấy thành phố đang dần thiết lập lại thế cân bằng tăng trưởng.
Lai Châu là tỉnh thuộc vùng Trung du miền núi phía Bắc, tăng trưởng của tỉnh trong quý I đạt cao 11,32%. Để có được mức tăng trưởng khá, tỉnh đã tập trung vào một số lĩnh vực chủ chốt để thúc đẩy phát triển kinh tế. Trong đó phải kể đến việc chú trọng khai thác tiềm năng nông, lâm nghiệp và thủy sản để đạt mục tiêu tăng trưởng của ngành này khoảng 5% trong giai đoạn 2021-2025.
Như vậy, các địa phương dẫn đầu cả nước về tăng trưởng quý I/2025 như Bắc Giang, Hòa Bình, Nam Định, Đà Nẵng và Lai Châu không chỉ là “điểm sáng” về tăng trưởng, mà còn là hình mẫu phát triển, hạt nhân liên kết vùng và là trụ cột trong quá trình thúc đẩy tăng trưởng cả nước để đạt mục tiêu 8% trong năm nay và đạt 2 con số trong kỷ nguyên mới.
Tạo động lực cho phát triển kinh tế 2 con số
Để đạt được tăng trưởng “hai con số” theo yêu cầu đề ra của năm 2025 đòi hỏi cần nhiều nỗ lực để thúc đẩy các ngành công nghiệp phát triển, nhất là đối với các địa phương.
Chuyên gia chính sách công TS Nguyễn Quốc Việt, chuyên gia chính sách công, Trường Đại học Kinh tế- Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định, việc chỉ số sản xuất công nghiệp tăng tại 59/63 địa phương là tín hiệu tích cực, cho thấy công nghiệp đang quay lại “đường ray” tăng trưởng.
“Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng tốt sẽ kéo theo đầu tư tư nhân, tạo việc làm, tăng thu nhập, và từ đó lan tỏa sang khu vực dịch vụ - tiêu dùng nội địa”, TS Nguyễn Quốc Việt nói.
Bức tranh tăng trưởng cũng cho thấy một chuyển động mới: Năm nay là lần đầu tiên KPI tăng trưởng được “giao khoán” xuống địa phương, buộc các tỉnh, thành phải thực chất hóa chiến lược phát triển kinh tế thay vì chỉ trông chờ vào Trung ương.
Ông Bùi Huy Sơn Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính và quản lý doanh nghiệp (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, bên cạnh các giải pháp thúc đẩy sản xuất công nghiệp gắn với tập trung tháo gỡ vướng mắc của các dự án công nghiệp và năng lượng trọng điểm, Bộ Công Thương cũng tích cực phối hợp với các bộ, ngành triển khai các giải pháp khuyến khích doanh nghiệp mở rộng đầu tư, kêu gọi các tập đoàn lớn, tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án trọng điểm của quốc gia.
“Cơ quan chức năng đang rất khẩn trương triển khai dự án hạ tầng lớn về đường sắt quốc gia, các dự án về đường cao tốc quốc gia, trong đó có phần đóng góp của lĩnh vực công nghiệp để phục vụ đáp ứng cả về công nghệ, cả về chế tạo, cả về nguyên vật liệu cho các dự án này. Để đáp ứng được yêu cầu tăng trưởng sản xuất công nghiệp thì đảm bảo về năng lượng luôn là một yêu cầu hàng đầu”, ông Bùi Huy Sơn nêu cụ thể.
Đi vào giải pháp cụ thể, ông Nguyễn Ngọc Thành - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, nhằm cụ thể hóa mục tiêu sản xuất công nghiệp tăng trưởng 2 con số, Bộ Công Thương tiếp tục thực hiện hiệu quả các chương trình làm việc với các địa phương và các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp hiện có nhằm phát huy đà tăng trưởng của các ngành công nghiệp tại các vùng kinh tế trọng điểm, tạo động lực tiếp tục thúc đẩy đà tăng trưởng công nghiệp trên phạm vi toàn quốc.
Theo Bộ Công Thương, để phát huy vai trò của Chính phủ đôn đốc, giám sát và tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các bộ, ngành, địa phương, thúc đẩy triển khai các dự án lớn, dự án trọng điểm, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công để thúc đẩy cho đầu tư xã hội, đồng thời, góp phần kích cầu tiêu dùng và thúc đẩy thị trường trong nước phát triển.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng trên 8% trong năm 2025, lần đầu tiên, Chính phủ đã thực hiện việc “khoán tăng trưởng”. Các mức “khoán” cụ thể đã được giao tại Nghị quyết số 25/NQ-CP của Chính phủ về mục tiêu tăng trưởng các ngành, lĩnh vực và địa phương bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên. |