Thái Nguyên: Đầu tư phát triển chợ để thúc đẩy giao thương
Đáp ứng nhu cầu giao thương hàng hóa của nhân dân
Liên Minh là xã vùng cao thuộc huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên, với 4 dân tộc anh em cùng sinh sống, gồm: Kinh, Tày, Nùng, Dao; trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 58%. Nơi đây tập trung khá nhiều sản phẩm nông sản có giá trị của bà con. Tuy nhiên trước năm 2014, đời sống của bà con trong xã gặp nhiều khó khăn, do việc giao thương không thuận lợi.
Chợ xã Liên Minh (Võ Nhai, Thái Nguyên). Ảnh: Báo Thái Nguyên |
Chợ xã Liên Minh có diện tích trên 4.000m2, được đầu tư xây dựng 1 đình chợ, 4 ki ốt, 2 sân rộng, có đầy đủ công trình vệ sinh, đảm bảo theo tiêu chuẩn chợ cấp III. Ông Hoàng Văn Thượng - Chủ tịch UBND xã Liên Minh - chia sẻ: Trước đây không có chợ, các sản phẩm của bà con làm ra phải mang sang chợ xã Tràng Xá bán, hoặc bày bán hàng ngay bên đường gây mất an toàn giao thông.
Vì vậy, việc đưa chợ hạng III - Chợ xã Liên Minh đi vào hoạt động được kỳ vọng góp phần thúc đẩy giao thương hàng hóa trên địa bàn; đáp ứng nhu cầu giao thương hàng hóa của nhân dân.
Không chỉ đầu tư xây dựng chợ xã Liên Minh, 2 năm qua, tỉnh Thái Nguyên có 7 chợ được đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo từ nguồn ngân sách Trung ương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó huyện Định Hóa có 3 chợ ở các xã Bảo Linh, Lam Vỹ, Quy Kỳ; huyện Võ Nhai có 2 chợ ở các xã Cúc Đường, Liên Minh; huyện Đại Từ có 2 chợ ở các xã Phú Thịnh, Phúc Lương.
Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 140 chợ gồm: 4 chợ hạng 1; 10 chợ hạng 2; 126 chợ hạng 3 thu hút gần 12.000 hộ kinh doanh hoạt động thường xuyên. Trong số này, 24 chợ được chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp, hợp tác xã. Các chợ do doanh nghiệp quản lý phần lớn được xây dựng cải tạo lại, cơ sở vật chất khang trang, phục vụ tốt nhu cầu mua sắm, giao thương của người dân.
Hiện nay các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đang triển khai hướng dẫn xây dựng “Mô hình chợ bảm đảm an toàn vệ sinh thực phẩm” tới các doanh nghiệp, ban quản lý chợ; đồng thời tập trung nâng cấp, cải tạo, xây mới một số chợ nông thôn.
Cùng với việc đầu tư xây dựng, thời gian qua, công tác quản lý và phát triển chợ trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Ảnh: Đồng Văn Thưởng |
Cùng với việc đầu tư xây dựng, thời gian qua, công tác quản lý và phát triển chợ trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Nhờ đó góp phần quan trọng trong việc đẩy mạnh sản xuất, phát triển du lịch, lưu thông hàng hóa, phục vụ đời sống của bà con nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
Đến thời điểm hiện tại, Thái Nguyên có 24/140 chợ được chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp/hợp tác xã quản lý. Tổng diện tích đất chợ trên địa bàn tỉnh khoảng 611.336 m2, trong đó, diện tích chợ được xây dựng kiên cố và bán kiên cố chiếm 31%, diện tích chợ tạm và ngoài trời chưa có nhà đình chiếm 69%. |
Tăng cường quản lý chất lượng các chợ
Báo cáo của Sở Công Thương Thái Nguyên cho thấy, hệ thống chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng nhu cầu trao đổi hàng hóa của nhân dân; hàng hóa tại các chợ phong phú đa dạng, nhất là các mặt hàng thiết yếu và đặc sản địa phương. Tuy nhiên, qua rà soát, kiểm tra một số chợ vẫn còn tồn tại về cơ sở hạ tầng, hệ thống điện, điện chiếu sáng, hệ thống cấp, thoát nước, vệ sinh môi trường, hệ thống thiết bị phòng cháy, chữa cháy... chưa đảm theo quy định, ảnh hưởng đến việc kinh doanh, mua - bán của người dân.
Vì vậy, để khắc phục tình trạng trên cũng như công tác quản lý nhà nước, khai thác, kinh doanh chợ trên địa bàn được thực hiện đúng quy định, hiệu quả, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Thái Nguyên, thời gian tới, Sở Công Thương và các địa phương đã đưa ra nhiều giải pháp tăng cường quản lý chất lượng và chỉnh trang, nâng cấp các chợ trên địa bàn.
Theo đó, Sở Công Thương Thái Nguyên đề nghị tập trung quy hoạch các chợ, chỉ xây dựng các chợ khi có nhu cầu thực sự của nhân dân, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, khai thác, quản lý chợ đang hoạt động, vận động, thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp nhận quản lý, đầu tư xây dựng các chợ huyện, chợ xã phù hợp với quy hoạch, đồng thời sắp xếp lại khu vực kinh doanh các ngành nghề để phát huy tối đa công suất của chợ.
Ngoài ra, cần tăng cường xử lý đối với điểm bán hàng tự phát khu vực xung quanh các chợ; đẩy mạnh chuyển đổi mô hình quản lý chợ theo hình thức doanh nghiệp quản lý chợ, hợp tác xã chợ văn minh thương mại, chợ 4.0 giúp nâng cao năng lực cạnh tranh.
Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, tạo điều kiện cho nhà đầu tư vào xây dựng, kinh doanh, khai thác chợ. Sở Công Thương cũng sẽ tích cực phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành có liên quan; UBND các huyện, thành phố trong việc triển khai nhân rộng mô hình thí điểm bảo đảm chợ an toàn thực phẩm; đồng bộ trong công tác triển khai tuyên truyền cho các tiểu thương kinh doanh trong chợ nắm rõ quy định, chính sách của nhà nước, kiểm tra và xử lý các vi phạm có liên quan.
Tăng cường quản lý nhà nước về chợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, ban quản lý, các tổ chức, cá nhân quản lý, kinh doanh khai thác cho người dân và các hộ kinh doanh nhằm nâng cao ý thức quản lý, sử dụng, bảo vệ công trình và thực hiện tốt các nội quy về chợ.
Việc phát triển mạng lưới chợ, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên là yêu cầu cấp thiết. Ảnh Cổng thông tin điện tử Thái Nguyên |
Theo các chuyên gia, việc phát triển mạng lưới chợ, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên là yêu cầu cấp thiết để phù hợp với quy hoạch đất, quy hoạch giao thông, quy hoạch đô thị, xây dựng nông thôn mới, góp phần thực hiện hiệu quả quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Mặt khác, đây cũng là cơ sở để thúc đẩy sản xuất hàng hóa, nâng cao thu nhập, kích thích và định hướng tiêu dùng của cư dân, đặc biệt ở khu vực nông thôn. Từ đó hướng tới nâng cao chất lượng dịch vụ và hiệu quả hoạt động của chợ, trung tâm thương mại trên địa bàn toàn tỉnh...
Thực hiện chương trình phát triển thương mại giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh Thái Nguyên đã, đang tập trung triển khai các giải pháp chủ yếu nhằm phát triển thương mại xứng tầm là trung tâm vùng trung du miền núi phía Bắc. Trong đó, các trung tâm thương mại hiện đại tiếp tục được tỉnh Thái Nguyên quy hoạch, thu hút đầu tư xây dựng; mạng lưới chợ nông thôn tiếp tục được nâng cấp, mở rộng nhằm đáp ứng nhu cầu trao đổi hàng hóa của người dân, doanh nghiệp.
Mục tiêu trọng tâm được tỉnh Thái Nguyên đưa ra trong thời gian tới là tập trung thực hiện thu hút đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thương mại; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, quảng bá đến các thị trường truyền thống ở trong nước cũng như tìm kiếm, mở rộng thị trường ở nước ngoài…
Theo Quy hoạch phát triển mạng lưới chợ trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, toàn tỉnh sẽ giữ nguyên nhiều chợ hiện có; nâng cấp, cải tạo; xây mới một số chợ do nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, nhu cầu do đô thị hóa, công nghiệp hóa chợ. Đặc biệt, việc quy hoạch, xây dựng chợ, trung tâm thương mại tại các xã chưa đạt mục tiêu về xây dựng nông thôn mới sẽ được tỉnh ưu tiên triển khai trong nhiệm kỳ này. |