Thái Nguyên: Sở Công Thương tiếp tục dẫn đầu về Chỉ số cải cách hành chính
UBND tỉnh Thái Nguyên vừa có quyết định phê duyệt và công bố kết quả đánh giá, xác định Chỉ số cải cách hành chính; Chỉ số hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện thuộc tỉnh Thái Nguyên năm 2024.
Theo đó, có 19 sở, ngành (riêng Chỉ số hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước của các sở, ban, ngành, có 18 sở, ban, ngành được đánh giá) và 9 UBND cấp huyện được đánh giá.
Công chức Sở Công Thương hướng dẫn quy trình thủ tục hành chính cho công dân tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Thái Nguyên |
Kết quả cụ thể, về Chỉ số cải cách hành chính năm 2024, 3 sở được xếp loại Xuất sắc (đạt trên 90 điểm). Với 90,9 điểm, Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên tiếp tục dẫn đầu trong bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính năm 2024 (năm 2023 đạt 90,3 điểm).
Ở vị trí tiếp theo lần lượt là Sở Thông tin và Truyền thông (90,3 điểm), Sở Khoa học và Công nghệ (90,1 điểm).
Trao đổi với Báo Công Thương, ông Nguyễn Bá Chính - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên - cho hay, để duy trì thứ hạng trong năm 2024, Sở đã tập trung chỉ đạo các phòng chuyên môn, đơn vị sự nghiệp đẩy mạnh rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến; công bố, công khai danh mục thủ tục hành chính theo đúng thẩm quyền; đồng thời số hóa 100% hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính…
Theo lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên, cùng với việc cắt giảm, đơn giản hóa nhiều thủ tục hành chính, Sở Công Thương niêm yết công khai danh mục thủ tục hành chính trên trang thông tin điện tử của Sở và Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, giúp người dân, doanh nghiệp dễ dàng tra cứu, nắm thông tin khi đến giao dịch.
Sở cũng giao cho các phòng chuyên môn xây dựng nhiều bộ hồ sơ mẫu, video hướng dẫn thủ tục hành chính. Tăng cường chuyển đổi số trong giải quyết các thủ tục hành chính cung cấp dịch vụ công trực tuyến, có kết nối liên thông với Cổng dịch vụ công quốc gia; sử dụng chữ ký số, số hóa tài liệu, hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính.
Trụ sở Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên. |
Bên cạnh đó, Sở tăng cường công tác kiểm tra cải cách hành chính, kiểm tra công vụ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, thường xuyên kiểm tra, giám sát tinh thần, thái độ, tác phong, lề lối làm việc, tiến độ và hiệu quả thực thi công vụ, nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức hướng tới sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp nhằm góp phần hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo kế hoạch đề ra.
"Chúng tôi luôn đề cao trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ và phục vụ nhân dân, doanh nghiệp; luôn lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp là thước đo cho chất lượng của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động", ông Nguyễn Bá Chính nhấn mạnh và cho biết, Sở Công Thương cũng đã công khai số điện thoại đường dây nóng của Giám đốc, Chánh Thanh tra, Chánh Văn phòng và địa chỉ hộp thư điện tử để tiếp nhận các phản ánh, kiến nghị về thi hành công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cụ thể.
Theo thống kê, từ năm 2023 đến nay, Sở Công Thương không nhận được bất kỳ phản ánh, kiến nghị nào của người dân, tổ chức, doanh nghiệp liên quan đến quá trình giải quyết thủ tục hành chính của Sở. Kết quả này là đóng góp thiết thực của ngành Công Thương nhằm góp phần nâng cao Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) của tỉnh Thái Nguyên.
Những năm qua, Thái Nguyên có bước tiến mạnh mẽ trong cải cách hành chính, lấy hiệu quả, mức độ thụ hưởng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo và đã thu về những kết quả đáng ghi nhận. Từ năm 2021 - 2023, Thái Nguyên luôn nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về Chỉ số cải cách hành chính. |