Thái Nguyên: Chủ động giải quyết những khó khăn cho đồng bào dân tộc thiểu số
Xã Văn Lăng (huyện Đồng Hỷ) nằm trong số 14 xã đặc biệt khó khăn của tỉnh Thái Nguyên với số hộ nghèo đa chiều là 445 hộ, chiếm tỷ lệ 30,93%; trong đó 339 hộ nghèo và 119 hộ cận nghèo. Đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, nhất là ở tại 2 xóm có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống là xóm Liên Phương và xóm Bản Tèn. Trên địa bàn xã còn khoảng 20 hộ dân không có đất sản xuất.
Người dân xóm Bản Tèn phát triển kinh tế từ cây sâm |
Không chỉ Văn Lăng, tình trạng thiếu đất sản xuất dẫn đến khó khăn trong phát triển kinh tế đang là thực trạng ở nhiều địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh Thái Nguyên. Mặc dù những năm trước, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chương trình, chính sách nhằm hỗ trợ đất sản xuất cho đồng bào, như: Quyết định số 755/QĐ-TTg, Quyết định số 2085/QĐ-TTg, nhưng số hộ được hỗ trợ chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với nhu cầu thực tế. Chưa kể, ở nhiều địa phương, do không bố trí được quỹ đất để giao cho các hộ dân nên đã chuyển sang hỗ trợ chuyển đổi nghề, hỗ trợ vốn để mua máy móc, nông cụ làm dịch vụ sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, đa số máy móc không phát huy tác dụng vì rất ít người thuê, có những hộ nghèo do phụ nữ làm chủ thì không đủ sức khỏe để vận hành.
Thực tế, một trong những việc khó khăn nhất trong công tác dân tộc là giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Khi “bài toán” về thiếu đất sản xuất chưa được giải quyết, đồng nghĩa với việc thu nhập của đồng bào dân tộc thiểu số cũng chưa được cải thiện.
Nhằm gỡ khó cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thiếu đất canh tác, thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đã và đang tiếp tục thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ giải quyết đất sản xuất giúp đảm bảo sinh kế, nâng cao đời sống, giảm nghèo cho người dân địa phương trong đó có Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình 1719).
Chương trình 1719 với 10 dự án thành phần, trong đó Dự án 1 là “Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt”, được kỳ vọng sẽ góp phần gỡ “điểm ngẽn” về thiếu đất sản xuất.
Giai đoạn 2021 - 2025, nguồn vốn đầu tư Chương trình 1719 tỉnh Thái Nguyên là gần 2.000 tỷ đồng. Đến cuối năm 2023, tỉnh Thái Nguyên đã phân giao khoảng 850 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương, lồng ghép các nguồn lực khác để thực hiện. Cụ thể, đã có hơn 200 hộ được giải ngân làm nhà ở, hơn 500 hộ được hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán, xây dựng 12 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung; hỗ trợ phát triển nhiều mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo sinh kế cho đồng bào. Đồng thời, tỉnh đã và đang xây dựng mới 222 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu; duy tu, bảo dưỡng 64 công trình cơ sở hạ tầng đã được đầu tư từ những năm trước.
Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên - Phan Đức Cường - cho biết, năm 2024, Chương trình số 1719 được triển khai trên địa bàn tỉnh với số vốn đầu tư lên đến trên 645 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ đất ở cho 27 hộ dân, hỗ trợ nhà ở cho 153 hộ, hỗ trợ nước sinh hoạt cho trên 1.200 hộ, đầu tư xây dựng 9 công trình nước sinh hoạt tập trung... Từ đó, góp phần duy trì mỗi năm giảm 2% hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; 96% đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào.
Song song với việc giải quyết tình trạng thiếu đất canh tác, tỉnh Thái Nguyên luôn chú trọng phát triển sản xuất nhằm tạo sinh kế bền vững cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Theo đó, tỉnh thực hiện lồng ghép các nguồn vốn, trong đó có nguồn vốn từ Chương trình số 1719 để hỗ trợ bà con thực hiện các mô hình trồng trọt, chăn nuôi. Đến nay, nhiều mô hình phát huy hiệu quả, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân.
Người dân Bản Tèn góp ngày công lao động để mở rộng đường giao thông |
Cụ thể, từ đầu năm đến nay, nhiều hộ dân tộc thiểu số ở xã Văn Lăng được tiếp nhận bò giống từ các chương trình hỗ trợ của Nhà nước. Chủ tịch UBND xã Văn Lăng - Hoàng Xuân Trường - cho biết, 38 hộ nghèo, cận nghèo ở xóm Tam Va đã được hỗ trợ giống bò lai Sind sinh sản theo Chương trình 1719 và 33 hộ nghèo, cận nghèo của xóm Khe Mong được hỗ trợ bò giống lai Sind sinh sản theo Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững. Kinh phí hỗ trợ cho các hộ dân lên đến trên 2 tỷ đồng, bao gồm tiền hỗ trợ con giống, tập huấn kỹ thuật, đi học tập kinh nghiệm, quản lý dự án... “Khe Mong và Tam Va đều là những xóm có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống, đời sống của bà con còn nhiều khó khăn. Bởi vậy, bà con rất phấn khởi khi được trao chiếc “cần câu” để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo” - Chủ tịch UBND xã Văn Lăng nhấn mạnh.
Ông Phan Đức Cường cho hay, không riêng gì Văn Lăng, người dân ở các xã ở miền núi, vùng cao của tỉnh Thái Nguyên cũng được hỗ trợ từ các Chương trình Mục tiêu Quốc gia như: Giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; xây dựng nông thôn mới và nhiều chương trình, dự án có ý nghĩa khác. Nhờ đó, đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều hộ dân ở miền núi, vùng cao của tỉnh Thái Nguyên có thu nhập ổn định và vươn lên thoát nghèo bền vững. Năm 2023, toàn tỉnh giảm 1% hộ nghèo, xuống còn 3,35%, trong đó, giảm được 2,1% hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số.
“Chủ động giải quyết những khó khăn cho đồng bào dân tộc thiểu số, đó là một trong những giải pháp được chúng tôi đưa ra để thực hiện giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại địa phương” - ông Phan Đức Cường nhấn mạnh.