Thứ ba 26/11/2024 16:06

Quảng Nam: Phát triển vùng nguyên liệu mây phục vụ thị trường xuất khẩu

Hiện Việt Nam cần khoảng 80.000 tấn nguyên liệu mây/năm phục vụ xuất khẩu. Phát triển vùng nguyên liệu mây phục vụ xuất khẩu là định hướng mà Quảng Nam đặt ra.

Tiềm năng lớn nhưng thách thức không nhỏ

Hàng năm Việt Nam xuất khẩu gần 500 triệu USD hàng mây tre lá và kim ngạch xuất khẩu hàng năm luôn tăng. Thị trường xuất khẩu các sản phẩm mây chủ yếu của nước ta là EU, Hoa Kỳ, Nhật, Hàn Quốc, Trung Đông…

Các nghệ nhân Cơ Tu trình diễn nghệ thuật đan lát truyền thống. Ảnh: A.N

Với xu hướng ngày càng tăng đối với các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện môi trường từ các thị trường trên, và đặc biệt là quá trình đẩy nhanh việc thực thi các Hiệp định thương mại tự do FTA đang mở ra rất nhiều cơ hội xuất khẩu cho các sản phẩm mây, tre.

Hiện nay, Việt Nam cần khoảng 80.000 tấn nguyên liệu mây/năm phục vụ xuất khẩu.

Quảng Nam có nguồn nguyên liệu mây tre lá dồi dào, đa dạng, có thể trở thành trung tâm cung cấp mây lớn của cả nước với sản lượng cung cấp khoảng 7.000 tấn, đặc biệt là mây từ rừng tự nhiên.

Tại các huyện Tây Giang, Nam Giang, Đông Giang và Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam) ước tính có khoảng 800 người thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số khai thác mây, 1.500 người tham gia vào quá trình sản xuất mây ở các huyện Núi Thành, Thăng Bình, Duy Xuyên, Đại Lộc và Điện Bàn. Ở Quảng Nam có 8 hợp tác xã và 12 công ty hoạt động trong chuỗi mây tre lá, trong đó có 13 công ty và hợp tác xã sản xuất hàng thủ công, 7 công ty chuyên chế biến nguyên liệu.

Mặc dù tiềm năng về nguyên liệu mây ở Quảng Nam rất lớn, nhưng theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Nam, việc phát triển vùng nguyên liệu này tại địa phương đang gặp những rào cản, khó khăn nhất định.

Cũng như phần lớn các địa phương khác, tại Quảng Nam chưa xây dựng được vùng nguyên liệu bền vững đáp ứng yêu cầu thị trường ngày càng cao. Bên cạnh đó, công tác trồng mây để phục hồi nguồn nguyên liệu kết quả còn thấp. Chiến lược tiếp thị sản phẩm và kết nối thị trường chưa được quan tâm thực hiện một cách đồng bộ và hiệu quả.

Việc thiếu kế hoạch trong phát triển và quản lý, thiếu kiến thức và kỹ thuật trong khai thác, chế biến dẫn đến hiệu quả không cao, không bền vững. Song, mây, tre thường được bán ở dạng nguyên liệu thô giá trị thấp.

Nhu cầu thu mua mây ngày càng tăng cùng với việc thu hoạch không bền vững, thiếu khâu kiểm soát và việc người dân tranh nhau khai thác quá mức, tùy tiện, dẫn đến hậu quả là suy thoái rừng, cạn kiệt nguồn nguyên liệu mây. Hoạt động sản xuất kinh doanh còn nhỏ lẻ, chưa có sự đầu tư chế biến sâu các sản phẩm để tạo ra thị trường rộng lớn, bền vững.

Các văn bản pháp quy hướng dẫn quy định chưa đầy đủ, rõ ràng, đôi lúc còn bất cập nên việc quản lý khai thác, vận chuyển, chế biến và tiêu thụ các loại lâm sản ngoài gỗ trong đó có mây chưa chặt chẽ.

Thị trường tiêu thụ sản phẩm từ mây trên thế giới đòi hỏi ngày càng cao về thủ tục, đặc biệt là yêu cầu truy xuất nguồn gốc xuất xứ của nguồn nguyên liệu mây, chứng chỉ quản lý rừng bền vững lâm sản ngoài gỗ (FSC) vùng nguyên liệu làm cho các doanh nghiệp xuất khẩu gặp nhiều khó khăn…

Xác định được giá trị các nguồn tài nguyên thiên nhiên cùng những khó khăn bất cập trong quá trình thực hiện, thời gian qua Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Quảng Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách về bảo vệ, phát triển rừng, nhằm bảo vệ và phát huy nguồn tài nguyên thiên nhiên, gắn với việc phát triển sinh kế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Phấn đấu trở thành vùng nguyên liệu mây và chế biến mây bền vững cấp quốc gia

Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 14/10/2021 của Tỉnh ủy Quảng Nam về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, trong phần nhiệm vụ và giải pháp đã xác định: “Đẩy mạnh xã hội hóa, xây dựng đề án, cơ chế chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi cho người dân thực hiện có hiệu quả các dự án, cho thuê môi trường rừng để trồng dược liệu, lâm sản ngoài gỗ và phát triển du lịch sinh thái nhằm đa dạng hóa các mô hình sinh kế, tạo thu nhập cho người dân”.

Ảnh minh họa

Đề án Quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030, trong định hướng chung đã nhấn mạnh: “Phát triển phát triển dược liệu, lâm sản ngoài gỗ là tạo vùng nguyên liệu gắn với bảo vệ và phục hồi rừng tự nhiên. Phát triển sản phẩm có giá trị cao đồng bộ phát triển các nhà máy chế biến phù hợp với vùng nguyên liệu”.

Với định hướng đó, Quảng Nam có đầy đủ cơ sở, tiềm năng để xác định và đề xuất hình thành ý tưởng (đề án) xây dựng Quảng Nam là vùng nguyên liệu mây và chế biến mây bền vững cấp quốc gia ở Việt Nam đến năm 2030 với vùng nguyên liệu mây vào khoảng 463.357 ha, đi theo đó là việc hình thành các cơ sở chế biến mây và các làng nghề sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ từ mây đủ tiêu chuẩn xuất vào các thị trường thế giới.

Để đạt được mục tiêu đề ra, Quảng Nam cũng cần đề ra các bước đi thích hợp để xác định vùng nguyên liệu, hướng đến khả năng cung cấp cho thị trường mây trong nước những năm tới.

Theo đó, nhiệm vụ của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là tạo ra sự liên kết, hợp tác phối hợp giữa các chủ rừng, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lĩnh vực mây tre và các địa phương có rừng nhằm đưa ra các giải pháp quản lý, giám sát, bảo vệ, khai thác và sử dụng nguồn mây tại vùng nguyên liệu một cách ổn định, lâu dài.

Cần tổ chức khảo sát, điều tra xác định cụ thể diện tích, trữ lượng, mức tăng trưởng qua đó xác định sản lượng khai thác hàng năm một số loài mây thương mại chủ yếu, làm căn cứ xây dựng đề án quản lý bảo vệ; khai thác; nuôi dưỡng và phục hồi bền vững vùng nguyên liệu mây tự nhiên; xúc tiến đẩy mạnh việc lập dự án trồng mây bổ sung ở những khu vực bị khai thác quá mức để tạo mới diện tích trồng mây nguyên liệu, bổ sung nguồn mây khai thác từ rừng tự nhiên.

Trong quá trình trồng mây cần quan tâm về xuất xứ nguồn giống cây mây và tiêu chuẩn của cây mây khi đưa vào trồng rừng. Tăng cường giám sát chặt chẽ về chất lượng nguồn giống; hướng dẫn, hỗ trợ các chủ rừng xây dựng phướng án quản lý mây bền vững có chứng chỉ nhằm đáp ứng điều kiện của thị trường xuất khẩu,…

Về phía Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Nam cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Lâm nghiệp, UBND tỉnh Quảng Nam quan tâm chỉ đạo việc xây dựng, thực hiện các chính sách về quản lý, khai thác bền vững lâm sản ngoài gỗ và đối với nguồn nguyên liệu mây nói riêng.

Có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư phát triển ngành mây tre ở các địa phương và Việt Nam. Hướng dẫn, cơ chế chính sách hỗ trợ về việc điều tra, xây dựng vùng nguyên liệu mây nhằm quản lý, khai thác, trồng mới phục hồi vùng nguyên liệu mây một cách ổn định bền vững.

Hiệp hội Hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam có kế hoạch hỗ trợ thúc đẩy nghiên cứu thị trường, tiếp thị và phát triển sản phẩm, kết nối doanh nghiệp/hợp tác xã với các cộng đồng, làng nghề. Hỗ trợ các doanh nghiệp/hợp tác xã xây dựng chiến lược kinh doanh,…

Đối với các doanh nghiệp, cần có kế hoạch phối hợp, liên kết với các chủ rừng trong việc điều tra, xây dựng vùng nguyên liệu trong từng lâm phận; kế hoạch hợp tác trong quản lý khai thác, chia sẻ lợi ích để việc khai thác và bảo vệ nguồn tài nguyên.

Xây dựng cơ chế thu mua nguyên liệu với các địa phương thật cụ thể; cam kết về quyền lợi giữa các bên; có kế hoạch phối hợp kiểm tra giám sát với chủ rừng, cộng đồng nhằm bảo vệ, khai thác nguồn nguyên liệu lâu dài, ổn định, không làm suy giảm hệ sinh thái rừng.

Nguyễn Hạnh
Bài viết cùng chủ đề: Dân tộc thiểu số

Tin cùng chuyên mục

Bài 3: Cơ hội cho Hà Giang chuyển mình

Sơn La: Hiệu quả cao từ việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia 1719

Thuận Châu (Sơn La): Thực hiện tốt Chương trình 1719, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

Bài cuối: Đảng ta là Đảng vì nước, vì dân

Bắc Giang: Tặng Bằng khen 6 tập thể, 16 cá nhân đóng góp phát triển vùng dân tộc thiểu số

Bài 2: Động lực 'tiên quyết' giúp đồng bào Hà Giang phát triển

Bài 1: Những quyết sách mang ý Đảng, lòng dân

Hội nghị biểu dương đại biểu các dân tộc thiểu số thành phố Đà Nẵng lần thứ II năm 2024

Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Lai Châu: Hướng đến 11 mục tiêu

Lào Cai: Hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình: Chú trọng công tác kiện toàn nhân sự Chương trình 1719

Sơn La bảo tồn và phát triển các bản du lịch gắn với giá trị văn hóa truyền thống

Huyện Bắc Yên - Sơn La dành nguồn vốn lớn đầu tư hạ tầng thiết yếu cho bà con dân tộc

Sơn La xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ măng cho đồng bào dân tộc thiểu số

Tuyên Quang: Tập trung xây dựng hạ tầng cơ sở thiết yếu vùng dân tộc thiểu số

Lạng Sơn: Đưa di tích lịch sử, văn hóa thành sản phẩm du lịch bền vững

Huyện Mộc Châu bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội Púng Hiéng của người Dao Tiền

Huyện Mường La - Sơn La đưa điện lưới quốc gia đến với bà con thôn bản

Huyện Mộc Châu - Sơn La đổi thay từ nguồn vốn dành cho đồng bào dân tộc thiểu số

Người Hà Lăng ở Kon Tum bảo tồn nét văn hoá truyền thống của 'nghề sinh ra từ làng'