Chủ nhật 11/05/2025 01:17
Bạo lực gia đình vùng DTTS và miền núi

Phụ nữ hãy dũng cảm lên tiếng

Theo thống kê chưa đầy đủ, trung bình mỗi năm, Việt Nam xảy ra 36.000 vụ bạo lực gia đình. Trong đó, nạn nhân là phụ nữ chiếm trên 80%. Rất nhiều chị em phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) đã và đang chịu bạo lực từ chính người chồng sống chung dưới một mái nhà…
Diễu hành, hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình tại tỉnh Bắc Kạn

Phụ nữ - nạn nhân chủ yếu của bạo lực gia đình

Lên vùng cao, hễ gặp phụ nữ DTTS là gặp hình ảnh chị em đang thêu thùa, bế con, bổ củi, cắt lúa, gùi nông sản, thậm chí đưa trâu đi cày. Chăm chỉ, chịu thương chịu khó là vậy nhưng nhiều chị em không may lấy phải người chồng nghiện rượu, nghiện ma túy thì việc chị em bị la mắng, chửi bới, đánh đập là khó tránh khỏi. Một phụ nữ Mông ở xã Leng Su Sìn, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên chia sẻ: Chồng chị nghiện rượu từ nhiều năm nay, không có tiền, không có thóc, ngô đổi rượu uống là chồng chửi. Mà có rượu uống say rồi cũng chửi. Thậm chí nhiều hôm vớ được cái gì là dùng cái đó ném vợ con… Khi được hỏi, sao không báo với chính quyền? Chị phụ nữ cho rằng: “Mình là vợ nó, nó đánh mình lại đi kể người khác nghe để người ta cười cho à. Báo chính quyền nhỡ người ta bắt nó thì sao? Rượu vào nó mới đánh, chứ hàng ngày nó vẫn là cha, là chồng mà…”.

Với trình độ học thức còn hạn chế lại sớm tối chăm lo gia đình, nương rẫy, không hay đi ra ngoài, ít giao tiếp xã hội… nên rất ít chị em DTTS nhận thức được thế nào là bạo lực gia đình. Bản tính cam chịu, sợ “xấu chàng hổ thiếp” cũng là lý do khiến chị em không dám lên tiếng phản kháng, tố cáo chồng. Trong khi đó, nhiều người đàn ông coi chuyện đánh vợ là “dạy vợ” và sẵn sàng phản ứng với những ai có ý định can ngăn.

Kết quả điều tra cũng cho thấy, nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình chủ yếu là do lạm dụng rượu, bia; cờ bạc, nghiện ma túy; thiếu hiểu biết pháp luật… Với đàn ông là người dân tộc, nhiều người có các hành vi bạo lực xuất phát từ thói quen uống rượu hàng ngày; khi rượu vào không kiềm chế được bản thân, dẫn đến cáu giận vô lối. Bên cạnh đó, nhiều bản làng vùng sâu, vùng xa vẫn chịu ảnh hưởng của tệ nạn hút thuốc phiện, dẫn đến gia cảnh nghèo khó, con cái nheo nhóc… Sau những cơn bực tức, người chồng nghiện ngập, ít học hành lại quay sang “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với vợ con.

Xin đừng im lặng!

Có thể nói, bạo lực gia đình là những vấn đề mang tính chất toàn cầu, để lại hậu quả nghiêm trọng về thể chất, tâm lý không chỉ cho phụ nữ mà cả trẻ em, gia đình và xã hội. Điều đáng nói là trong số 36.000 vụ bạo lực gia đình mỗi năm, có tới 87% nạn nhân bị bạo lực gia đình không tìm kiếm sự hỗ trợ của cộng đồng. Thậm chí có tới 50% nạn nhân của các vụ bạo lực âm thầm chịu đựng, không chia sẻ với bất kỳ ai về chuyện mình bị bạo hành. Tuy nhiên, đây mới là kết quả thống kê từ các vụ bạo lực gia đình mà nạn nhân có khai báo hoặc chính quyền phát hiện được do tổn thương nghiêm trọng. Thực tế, con số phụ nữ là nạn nhân bị bạo hành gia đình còn lớn hơn thế. Đặc biệt, tại các bản làng xa xôi ở vùng sâu, vùng xa… vẫn còn không ít những đứa trẻ, những người vợ phải gánh những đòn roi vô cớ từ những người cha, người chồng nghiện ngập, thiếu hiểu biết pháp luật. Kết quả là những thương tích, tổn thất về vật chất, tinh thần khó có thể đong đếm; thậm chí có những chị em phải mang thương tật cả đời, có những đứa trẻ hư hỏng, mang tâm lý bất mãn, tiêu cực dẫn đến tương lai u tối…

Nhận thức được tính chất nghiêm trọng của bạo lực gia đình, thời gian gần đây, Đảng và Nhà nước ta đã dành sự quan tâm cho công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Nhiều cấp ủy, chính quyền trên địa bàn cũng đã chú trọng hơn tới việc lãnh đạo, chỉ đạo về phòng, chống bạo lực gia đình; tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Luật Bình đẳng giới… Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi bạo lực gia đình.

Tại các xã, thôn, bản vùng cao, nhiều Câu lạc bộ Phòng chống bạo lực gia đình; Câu lạc bộ Bình đẳng giới… cũng đã được thành lập. Chính vì vậy, nếu chị em nào bị chồng đánh đập, ngược đãi - xin đừng tiếp tục im lặng chịu đựng; hãy dũng cảm lên tiếng để nhận được sự giúp đỡ kịp thời và tin cậy. Nếu không thể trực tiếp đến với các địa chỉ uy tín phòng, chống bạo lực gia đình; chị em hãy mạnh dạn chia sẻ với trưởng thôn, người có uy tín, hội phụ nữ xã để được kết nối, hỗ trợ.

Hoàng Mai

Tin cùng chuyên mục

Longform | Vụ vải thiều 2025: Đặc sản miền núi bứt phá thị trường toàn cầu

Mở lối trên lưng núi - du lịch 'cõng' nông sản đi xa

Khánh thành trường học cho học sinh miền núi Sơn La

Longform | Phát triển chợ vùng dân tộc và miền núi: Khu vực đặc thù cần chính sách đặc thù

Cao Bằng: Du lịch thúc đẩy kinh tế vùng dân tộc

Chợ miền núi Bắc Kạn: 'Khơi thông' dòng chảy hàng hoá

Longform | Để nông sản miền núi không còn ‘lỡ hẹn’ những mùa vàng

Bà con dân tộc thiểu số bắt ‘trend’ chợ mạng

Đắk Lắk khơi dòng tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Kon Tum: Diện mạo các vùng nông thôn vùng đồng bào dân tộc chuyển mình mạnh mẽ

Lan toả văn hoá ẩm thực nông thôn bằng công nghệ số

Bình Định: Xã “vùng lõm” cuối cùng có điện lưới quốc gia

Lễ hội Khâu Vai 2025: Kết nối sản phẩm vùng cao

Đồng bào dân tộc thiểu số làm giàu từ nông sản sạch

Phụ nữ nông thôn chủ động thích nghi với chuyển đổi số

Tiếp sức xây dựng thương hiệu sản phẩm khu vực dân tộc miền núi

Longform | Chè Thịnh An: Thương hiệu được ‘chưng cất’ từ khát vọng vùng cao

Na Võ Nhai, gà Phú Bình, chè Trại Cài: Thái Nguyên ‘làm thương hiệu’ từ sản phẩm bản địa

Thắp lửa văn hóa đọc ở nông thôn, gieo mầm tri thức

Quảng Ngãi: Độc đáo lễ mừng nhà mới của đồng bào Hrê