Phát triển vùng nguyên liệu góp phần xóa đói, giảm nghèo
Thu hoạch cây thuốc lá |
Phát triển vùng nguyên liệu
Từ năm 1994 đến nay, Viện Kinh tế kỹ thuật thuốc lá (Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam) đã phối hợp với tỉnh Cao Bằng nghiên cứu và phát triển vùng nguyên liệu thuốc lá có chất lượng tốt. Việc phát triển vùng nguyên liệu còn giúp người dân có công ăn việc làm, tạo thu nhập cao. Theo ông Nguyễn Đình Trường - Viện trưởng Viện Kinh tế kỹ thuật thuốc lá cho biết: “Nếu người dân tham gia trồng 1 héc-ta nguyên liệu thuốc lá cho thu nhập từ 120 - 150 triệu đồng, trừ tất cả các chi phí như công chăm sóc, phân bón, vật tư… khoảng 20 triệu đồng, người dân vẫn thu về khoảng 100 triệu đồng/héc-ta”.
Từ năm 2010, Viện cam kết duy trì đầu tư lâu dài tại các vùng nguyên liệu thuốc lá do Viện trực tiếp quản lý để áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nhằm tạo vùng thuốc lá nguyên liệu chất lượng cao. Đến nay, thuốc lá giống mới do Viện chọn tạo và cung cấp đã được trồng toàn bộ vùng nguyên liệu trên diện tích 3.500 - 4.000 héc-ta/năm, với sản lượng từ 7.000 - 8.000 tấn/năm. Cùng với việc đầu tư cây giống, phân bón, hướng dẫn bà con nông dân kỹ thuật chăm sóc… Viện Kinh tế kỹ thuật thuốc lá còn đứng ra bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho người dân.
Làm giàu từ cây thuốc lá
Ông Nguyễn Quang Sáng dân tộc Tày ở xóm Nà Khá, xã Quang Tuấn, huyện Hòa An chia sẻ: Trước đây gia đình tôi chỉ trồng lúa và ngô. Từ khi có chủ trương của Nhà nước đưa giống cây thuốc lá về trồng tại xóm, gia đình tôi đã mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích trồng thuốc lá. Nhờ vậy kinh tế gia đình từng bước nâng lên, hiệu quả từ cây thuốc lá cao hơn hẳn những cây trồng khác. Có nhà cửa khang trang, xe máy, ti-vi, tủ lạnh, máy cày như hôm nay đều là nhờ cây thuốc lá.
Hai huyện Hòa An, Hà Quảng được xếp vào diện nghèo nhất tỉnh. Từ lâu, cuộc sống đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây chỉ trông chờ vào cây lúa, ngô với năng suất thấp bởi đất đai vùng núi cao cằn cỗi. Thực hiện chủ chương của tỉnh và huyện về chuyển dịch cơ cấu cây trồng, luân canh lúa mùa, rau và cây nguyên liệu thuốc lá, nhiều hộ gia đình đã nhờ thế mà thoát nghèo.
Không chỉ gia đình ông Sáng mà 60 hộ dân ở Nà Khá đã nhờ trồng cây nguyên liệu thuốc lá mà thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Hiện có đến 90% số hộ dân có ti vi, 50% hộ dân có máy cày và hộ nào cũng mua được xe máy, đặc biệt có hộ còn mua được xe ô tô.
Chị Nông Thị Chởi xóm Luống Nọi, xã Phù Ngọc cho biết: gia đình tôi thoát được cảnh đói nghèo từ ngày chuyển sang trồng cây nguyên liệu thuốc lá theo giống mới, thu lãi gấp 7 lần so với trồng lúa. Vụ vừa qua với diện tích trồng 8.000 mét vuông, gia đình chị thu lãi 26 triệu đồng.
Khi đời sống người dân được cải thiện, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn cũng được giữ vững, đặc biệt bộ mặt nông thôn từng bước được cải thiện. Với sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, sự góp sức của người dân, những hỗ trợ về vật chất của Tổng công ty Thuốc lá, Viện Kinh tế kỹ thuật thuốc lá, bộ mặt nông thôn đã thực sự đổi thay: nhiều con đường sạch đẹp, các công trình xã hội, phúc lợi như trường học, trạm y tế, nhà văn hóa cộng đồng… đã được xây dựng ở Hà Quảng và Hòa An.
Mối liên kết 4 nhà: Nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp - nhà nông đã hội tụ đủ và được vận dụng linh hoạt sáng tạo trong suốt thời gian qua. Thành công đó đã và đang góp phần không nhỏ cho một bộ phận đời sống người dân ở Cao Bằng từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu và tự tin vào một tương lai tươi sáng.