![]() |
Ngô là nguyên liệu chính để sản xuất thức ăn chăn nuôi |
Ngô BĐG sử dụng làm thực phẩm
Năm 2014, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT) chính thức công bố cấp phê duyệt 4 sự kiện ngô BĐG của Công ty TNHH Dekalb Việt Nam - Monsanto đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi đã tạo ra bước ngoặt lịch sử trong việc áp dụng công nghệ sinh học Việt Nam, mở ra những thay đổi lớn trong sản xuất nông nghiệp.
Theo PGs.Ts. Nguyễn Hồng Minh, Giám đốc trung tâm nghiên cứu và phát triển giống rau chất lượng cao, giống BĐG mang lại nhiều lợi ích khách quan nhưng sự chênh lệch nhóm lợi ích kinh tế sẽ tăng sự lệ thuộc vào các công ty cung ứng giống cùng với tác động từ tâm lý sẽ làm thay đổi dần môi trường nông nghiệp. Chi phí mua giống BĐG đắt gấp nhiều lần giống truyền thống. Số tiền này sẽ ngày càng nhiều lên khi người nông dân lệ thuộc vào các công ty cung ứng. Nhưng nếu họ muốn quay trở lại với giống cây cũ thì không thể do môi trường sinh thái đã biến đổi, đầu tư nhiều tiền, nhiều thời gian, công sức cũng khó cải tạo được như cũ.
Về vấn đề này, ông Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp, khẳng định Việt Nam sẽ khó sản xuất được các giống cây BĐG và phải phụ thuộc vào các công ty sản xuất giống nước ngoài vì nếu muốn sản xuất được giống cây BĐG sẽ tốn rất nhiều kinh phí nghiên cứu. Hơn nữa, trồng cây BĐG, đặc biệt là bắp và đậu nành, không thể thay thế được bắp và đậu nành nhập khẩu như mọi người kỳ vọng. Hiện nay, nước ta đang nhập 90% lượng bắp và đậu nành phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi và thức ăn cho người (dầu thực vật sản xuất từ đậu nành) chủ yếu từ các thị trường như Mỹ, Brazil và Argentina. Để thay thế nhập khẩu, năng suất sản xuất bắp, đậu nành trong nước phải tương đương hoặc thấp hơn một chút so với năng suất của các nước nhập khẩu. Nhưng thực tế, năng suất lại không phụ thuộc hoàn toàn vào giống cây mà còn phụ thuộc vào kỹ thuật trồng, điều kiện tự nhiên, và máy móc…
Giúp nông dân giảm chi phí, tăng năng suất
PGs.Ts. Lê Huy Hàm - Viện trưởng Viện di truyền nông nghiệp Việt Nam chia sẻ, công nghệ BĐG sẽ giúp nông dân giảm chi phí thuốc trừ sâu, tăng năng suất. Thế nhưng, nếu công ty cung cấp giống bắp BĐG vì độc quyền mà tăng giá bán giống, hay nói cách khác, cái tăng của năng suất và giảm chi phí thuốc trừ sâu vẫn không bù được so với chi phí tăng giá của hạt giống, tức thu nhập sản xuất bắp BĐG không bằng bắp lai truyền thống, khi đó, đương nhiên, nông dân sẽ bỏ công nghệ mới để quay về công nghệ cũ. “Ứng dụng cây trồng BĐG không phải chỉ có hướng đến mục đích nâng cao năng suất mà điều quan trọng hơn là tìm ra những giống cây mới có khả năng kháng sâu bệnh, từ đó giảm chi phí dùng thuốc bảo vệ thực vật, hướng đến sự bền vững, thân thiện với môi trường”, ông Hàm nói.
Việc đưa cây trồng BĐG vào sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới sẽ góp phần giúp nước ta chủ động hơn trong việc cung cấp nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi hiện còn đang phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu từ nước ngoài. Để hạn chế tình trạng phụ thuộc vào nguồn giống của tập đoàn đa quốc gia thì các cơ quan nghiên cứu, các viện nghiên cứu sản xuất lai tạo giống của Việt Nam cũng phải đẩy mạnh công tác nghiên cứu, Việt Nam phải làm chủ công nghệ và hành lang pháp lý phải đủ chặt, ông Xuân nhấn mạnh.
Theo nhiều chuyên gia, nếu trồng đại trà thực phẩm BĐG, một số lợi ích kinh tế có thể bị nguy hại, như người nông dân bị ép giá do lệ thuộc vào các công ty cung ứng giống, môi trường nông nghiệp bị biến đổi.