Những dấu ấn trong quản lý nhà nước về hoạt động hóa chất
Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ
Trên cơ sở của Luật Hóa chất được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2007, Cục Hóa chất ra đời theo Quyết định số 01/QĐ-TTg ngày 02/01/2009 của Thủ tướng Chính phủ.
Công tác cải cách thủ tục hành chính là động lực để ngành hóa chất phát triển |
Cục Hóa chất được giao 29 biên chế công chức hành chính và 4 chỉ tiêu hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2003/NĐ-CP. "Mặc dù số lượng cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế, trong khi khối lượng công việc rất lớn, nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên, kịp thời của Lãnh đạo Cục, sự nỗ lực, cố gắng và đoàn kết nhất trí của toàn thể cán bộ, công chức, từ năm 2009 đến nay Cục Hóa chất luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao" - lãnh đạo Cục Hóa chất chia sẻ.
Đáng chú ý, năm 2019, Cục đã nghiên cứu, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để chủ trì xây dựng đảm bảo phù hợp với các văn bản pháp luật đã được ban hành, cụ thể như: Nghị định số 71/2019/NĐ-CP thay thế Nghị định số 163/2013/NĐ-CP và Nghị định số 115/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2013/NĐ-CP. Đồng thời, chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng dự thảo Thông tư quy định về quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ; dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế hoạt động ứng phó sự cố hóa chất độc ban hành kèm theo Quyết định số 26/2016/QĐ-TTg ngày 01/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Phối hợp với Vụ Pháp chế xây dựng Nghị định sửa đổi các quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong ngành Công Thương.
Bước phát triển vượt trội
Công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của Cục Hóa chất được coi là điểm sáng. Trong năm 2019, Cục đã xây dựng và đưa thêm 2 TTHC qua Cơ chế một cửa quốc gia, gồm: Cấp Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp, Giấy phép xuất, nhập khẩu tiền chất công nghiệp. Nâng lên 3 thủ tục, chiếm 33% TTHC của Bộ Công Thương triển khai qua Cơ chế một cửa quốc gia.
Ông Nguyễn Văn Thanh- Cục trưởng Cục Hóa chất cho biết: Cục đã hoàn thành 18/18 TTHC là cấp độ 3 và 4. Trong đó, có 4 TTHC hoàn toàn thực hiện trên môi trường mạng. Hiện DN sẽ khai báo hóa chất tại Cổng thông tin một cửa quốc gia, khi điền đầy đủ các trường thông tin chỉ 10-15 giây đã có tín hiệu gửi cho hải quan làm thủ tục thông quan. Với phương thức này, DN có thể linh hoạt trong hoạt động khai báo hóa chất, có thể thực hiện mọi lúc mọi nơi, giảm thời gian đi lại, tiết kiệm chi phí…
Bên cạnh đó, Cục Hóa chất cũng là một trong những đơn vị mạnh về hợp tác quốc tế. Trong suốt 11 năm qua, Cục luôn tìm tòi, khai thác cơ hội cho cán bộ, công chức, viên chức trẻ tham gia các khóa đào tạo về quản lý hóa chất với các nước có hệ thống quản lý hóa chất tiên tiến như: Thụy Điển, Nhật Bản… tham gia các diễn đàn quản lý hóa chất khu vực, các khóa đào tạo thanh sát, an toàn an ninh hóa chất, kiểm soát hàng xuất khẩu, tiếp cận chiến lược quản lý hóa chất quốc tế SAICM.
Cục Hóa chất cũng đã tích cực triển khai Chương trình nghiên cứu khoa học - công nghệ trọng điểm quốc gia về phát triển công nghiệp hóa dược và đạt được thành tựu đáng kể. Trong đó nổi bật là 25 dự án sản xuất thử nghiệm với hơn 11 sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng; đạt doanh thu hằng năm 400 tỷ đồng.
Quản lý ngành hiệu quả
Kiên trì và quyết tâm với định hướng, mục tiêu quản lý, phát triển ngành, thời gian qua Cục đề xuất nhiều giải pháp tham mưu lãnh đạo Bộ. Qua đó, những vướng mắc, kiến nghị của các DN về chính sách thuế, chính sách ưu đãi… đều được Cục quan tâm, tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan để xử lý như: Kiến nghị xin miễn trừ đối với sản phẩm DAP 64% nhập khẩu của Tổng công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí, phối hợp thực hiện "Chương trình tổng thể về sử dụng và ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại nhằm hỗ trợ phát triển một số ngành công nghiệp Việt Nam giai đoạn 2018-2020, xét đến năm 2025"...
Ngoài ra, Cục Hóa chất phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN và các đơn vị liên quan thuộc Bộ Công Thương tiếp tục giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, công tác tái cơ cấu của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, các dự án khó khăn thuộc Tập đoàn như: Dự án DAP số 1 tại Hải Phòng, Dự án DAP số 2 tại Lào Cai, Dự án Đạm Ninh Bình, Dự án Đạm Hà Bắc, góp phần giảm bớt khó khăn cho các DN thua lỗ, sản xuất, kinh doanh có dấu hiệu thuận lợi hơn.
Từ những thành tích đạt được, tập thể Cục Hóa chất đã được Bộ trưởng Bộ Công Thương tặng Bằng khen năm 2016 và 5 năm liền (2014, 2015, 2016, 2017, 2018) được nhận Cờ Thi đua Bộ Công Thương. |