Thứ hai 18/11/2024 02:14

Người uy tín ở A Pa Chải

Không chỉ nhiệt tình với công việc thôn, bản; chăm chỉ, năng động trong lao động, ông Lỳ Xuyến Phù còn là người tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Ông xứng đáng với vai trò “người uy tín” mà người Hà Nhì ở A Pa Chải đã dành tặng.
Ông Lỳ Xuyến Phù

Giúp dân xóa đói

7 giờ sáng xuất phát từ thành phố Điện Biên, 16 giờ, chiếc ô tô khách mới vào đến bản A Pa Chải (xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên). Hành trình vất vả này đủ để hình dung đường vào Sín Thầu xa và khó như thế nào. Vậy nhưng, cũng chỉ mới chỉ từ năm 2015 mới có xe vào Sín Thầu thuận lợi như vậy, trước đó, Sín Thầu gắn liền với câu “Sín Thầu xa lắm ai ơi” bởi những cung đường đầy gian khó”…

Vì xa xôi, cách trở như vậy nên đầu những năm 2000, người Hà Nhì ở Sín Thầu chỉ biết lên rẫy, làm nương, mà chưa biết cách trồng lúa, chăn nuôi. Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nhiều nguồn vốn, đề án phát triển kinh tế - xã hội đã lên với bà con ở Sín Thầu. Tuy nhiên, do trình độ nhận thức cũng như thói quen canh tác lạc hậu lâu đời nên để đồng bào thay đổi cách nghĩ, cách làm là không hề đơn giản.

Vốn là người chăm chỉ, chịu khó, khi đó lại giữ cương vị Chủ tịch UBND, Bí thư xã Sín Thầu, nên ông Lỳ Xuyến Phù chủ động đến từng hộ gia đình, vận động từng người, thay đổi cách canh tác, giảm nương xuống ruộng.

Để đồng bào hiểu và làm theo, ông mạnh dạn đi đầu trong việc xây dựng mô hình mới, áp dụng giống mới kết hợp máy móc kỹ thuật trong sản xuất lúa, chăn nuôi lợn, đào ao thả cá… Nhờ đó, năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi của gia đình ông tăng lên trông thấy.

Từ những thành công của ông, nhiều người dân trong bản đã đến tìm hiểu kinh nghiệm để làm theo. Ai hỏi, ông Phù cũng sẵn sàng trả lời và hướng dẫn tỷ mỷ, thậm chí đến tận nơi để cầm tay chỉ việc cho bà con. Không lâu sau, nhiều hộ trong thôn bản đã biết canh tác theo hình thức mới, không chỉ thoát đói mà còn có cái ăn, cái mặc, nhiều gia đình còn có trang trại chăn nuôi, ruộng vườn với nhiều loại cây trồng, vật nuôi.

Cùng dân giữ yên bản làng

Với ông Lỳ Xuyến Phù, vốn sinh ra và lớn lên ở Sín Thầu, nên ông hiểu rất rõ về địa bàn nơi ông sinh sống. Lâu nay, đây vốn là địa bàn khu vực ngã ba biên giới phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố gây mất ổn định an ninh trật tự và an toàn xã hội. Nhận thức được điều này, ông Phù thường xuyên phối hợp với bộ đội biên phòng đóng quân trên địa bàn tham gia tuần tra biên giới, bảo vệ cột mốc quốc gia.

Tại mỗi cuộc họp xã, bản, gặp gỡ người dân, ông chủ động lồng ghép các nội dung tuyên truyền, vận động nhân dân không di cư tự do, vượt biên trái phép, xâm canh, xâm cư, tranh chấp đất đai, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng các chất ma tuý… Khi hiện tượng phá rừng đe dọa các bản làng biên giới của Mường Nhé, ông Lỳ Xuyến Phù lại tích cực vận động người dân bảo vệ rừng, với mong muốn bảo vệ môi trường và nguồn sống cho bà con. Với những cố gắng này của ông và bà con Hà Nhì ở Sín Thầu, đến nay, Sín Thầu là 1 trong số ít xã giữ rừng tốt nhất huyện Mường Nhé.

Năm 2013, sau khi nghỉ đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch, Bí thư xã Sín Thầu, ông Lỳ Xuyến Phù được bà con dân bản tin tưởng bầu làm “Người uy tín” của bản A Pa Chải - 1 trong 7 điểm bản thuộc xã Sín Thầu chỉ có một dân tộc Hà Nhì sinh sống.

Nhắc đến ông Lỳ Xuyến Phù, anh Phạm Phan - cán bộ Đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng A Pa Chải cho biết, ở xã vùng biên, những người uy tín như ông Lỳ Xuyến Phù có vai trò rất quan trọng. Ông không chỉ đi đầu, làm gương trong phát triển kinh tế, giữ gìn an ninh trật tự, mà còn rất tích cực dạy bảo để con cháu biết hướng tới những điều tốt đẹp; thực hiện đúng quy định, chính sách của nhà nước. Có việc gì xảy ra ở dưới bản, ông Phù đều báo cho lực lượng biên phòng biết để cùng phối hợp giải quyết, có việc gì cần sự giúp đỡ của già làng, trưởng bản, ông Phù cũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm.

Với những đóng góp cho cộng đồng, ông Lỳ Xuyến Phù vinh dự được Thủ tướng Chính phủ trao tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm 2014 - 2015. Năm 2016, ông đại diện cho các dân tộc tỉnh Điện Biên đi dự Hội nghị “Những người có uy tín tiêu biểu vùng Tây Bắc”.
Phương Tú

Tin cùng chuyên mục

Sơn La bảo tồn và phát triển các bản du lịch gắn với giá trị văn hóa truyền thống

Huyện Bắc Yên - Sơn La dành nguồn vốn lớn đầu tư hạ tầng thiết yếu cho bà con dân tộc

Sơn La xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ măng cho đồng bào dân tộc thiểu số

Tuyên Quang: Tập trung xây dựng hạ tầng cơ sở thiết yếu vùng dân tộc thiểu số

Lạng Sơn: Đưa di tích lịch sử, văn hóa thành sản phẩm du lịch bền vững

Huyện Mộc Châu bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội Púng Hiéng của người Dao Tiền

Huyện Mường La - Sơn La đưa điện lưới quốc gia đến với bà con thôn bản

Huyện Mộc Châu - Sơn La đổi thay từ nguồn vốn dành cho đồng bào dân tộc thiểu số

Người Hà Lăng ở Kon Tum bảo tồn nét văn hoá truyền thống của 'nghề sinh ra từ làng'

Lạng Sơn: Từng bước nâng cao thể trạng, cải thiện tầm vóc trẻ em vùng cao

Về Gia Lai xem đồng bào Bahnar thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống

Bắc Kạn: Tổ chức thành công Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ IV - năm 2024

Huyện Quỳnh Nhai – Sơn La nỗ lực xây dựng hệ thống chợ để cải thiện đời sống người dân

Câu chuyện về nghệ nhân A Sứp - người nặng lòng với văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên

Lai Châu: Tháo gỡ khó khăn trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia

Huyện Mai Sơn - Xây dựng chuỗi sản xuất, tiêu thụ cà phê bền vững

Huyện Phù Yên - Sơn La: Hiệu quả cao từ nguồn vốn giảm nghèo cho bà con vùng đồng bào dân tộc

Sơn La nâng cao đời sống của người dân nhờ nguồn vốn Chương trình 1719

Sơn La phát triển mạnh du lịch, cải thiện đời sống bà con vùng dân tộc thiểu số

Kon Tum: Người Xơ Đăng bảo tồn nghề đan lát truyền thống