Người lao động ngành Công Thương: Lao động giỏi, lao động sáng tạo Người lao động ngành Công Thương: Đáp ứng yêu cầu thời kỳ đổi mới |
Người lao động ngành Công Thương nỗ lực vượt khó
Sáng ngày 3/8, Công đoàn Công Thương Việt Nam đã sơ kết và khen thưởng giai đoạn 1 Chương trình “01 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19”.
Ông Trần Quang Huy - Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam trao tặng khen thưởng cho các tập thể |
Thực hiện Chương trình số 3259/CTr-TLĐ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; hướng dẫn số 46/HD-TLĐ của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về triển khai Chương trình “01 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19”, người lao động ngành Công Thương đã nỗ lực thực hiện tốt mục tiêu đặt ra.
Báo cáo của Công đoàn Công Thương Việt Nam cho thấy: Sau gần 1 năm phát động chương trình (từ ngày 1/9/2021 - 31/5/2022), Công đoàn Công Thương Việt Nam đã hoàn thành 91% giai đoạn I: 5.431 sáng kiến được cập nhật lên phần mềm của Tổng Liên đoàn với giá trị làm lợi hàng chục tỷ đồng.
Tiêu biểu là Công đoàn Tổng Công ty Máy động lực và Máy Nông nghiệp với 2.956 sáng kiến tập trung chủ yếu ở khối doanh nghiệp FDI; Công đoàn Tổng Công ty Thép với 409 sáng kiến; Công đoàn Công nghiệp Hóa chất 233 sáng kiến; Công đoàn Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam 220 sáng kiến; Công đoàn Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông 281 sáng kiến và một số công đoàn khác như Công đoàn Tổng Công ty Rượu, Bia, NGK Hà Nội, Công đoàn Tổng Công ty Rượu, Bia, NGK Sài Gòn, Công đoàn Công ty TNHH Hitachi Astemo Hà Nội, Công đoàn Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh, Công đoàn Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh…. với xấp xỉ 100 sáng kiến.
Tiếp nối thành công của giai đoạn 1, Công đoàn Công Thương Việt Nam nỗ lực phấn đấu hoàn thành gấp rút giai đoạn 2 của chương trình. Tính đến ngày 11/7/2022 của giai đoạn 2, đã có 4.062 sáng kiến được cập nhật lên phần mềm, dẫn đầu vẫn là Công đoàn Tổng Công ty Máy động lực và Máy Nông nghiệp với 3.751 sáng kiến). Và tính đến thời điểm hiện tại, Công đoàn Công Thương Việt Nam đã có tổng 9.493 sáng kiến, đạt tỷ lệ 59,3 % so với chỉ tiêu được giao. Cùng với nỗ lực toàn Ngành, Công đoàn Công Thương Việt Nam đã và đang từng bước hoàn thành chỉ tiêu 16.000 sáng kiến được giao, giành thắng lợi theo đúng mục tiêu của Chương trình.
Theo ông Quách Văn Ngọc – Phó Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam: Việc ghi nhận, đánh giá, khen thưởng các sáng kiến có giá trị đã kịp thời động viên, khuyến khích được người lao động có tâm huyết, nhiệt huyết trong hoạt động sản xuất, động viên kịp thời cán bộ công nhân tích cực nghiên cứu, sáng tạo trong công việc, nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn được giao, góp phần tạo sự gắn kết, gắn bó giữa người lao động và cơ quan đơn vị doanh nghiệp trong tình hình khó khăn sau đại dịch.
Ông Quách Văn Ngọc – Phó Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam báo cáo kết quả thực hiện chương trình |
Từ kết quả của giai đoạn I, Chương trình “01 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” đang tiếp tục bước vào giai đoạn II, và đã được các cấp công đoàn trong ngành hưởng ứng nhiệt tình tham gia đạt cả số lượng cũng như chất lượng. Kết quả thể hiện tiềm năng, trí tuệ sáng tạo, ý thức cải thiện, nâng cao năng lực làm việc của người lao động và tinh thần yêu lao động của đội ngũ công nhân viên chức lao động ngành Công Thương, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, thúc đẩy kinh tế - xã hội của ngành Công Thương nói riêng và cả nước nói chung; đồng thời, góp phần khẳng định vai trò của của tổ chức công đoàn tại các đơn vị đã và đang đồng hành cùng với doanh nghiệp, Nhà nước.
Cụ thể hóa phong trào thi đua
Bên cạnh những kết quả đạt được, lãnh đạo Công đoàn Công Thương Việt Nam cũng thẳng thắn nhìn nhận, sau gần 1 năm triển khai thực hiện chương trình từ thực tiễn chỉ đạo vẫn còn những tồn tại, hạn chế: Một số đơn vị chưa tích cực trong việc vận động, đôn đốc đoàn viên, công nhân viên chức lao động tham gia chương trình nên chưa đạt chỉ tiêu số lượng như định hướng phân bổ.
Trong đó nguyên nhân chủ quan do công tác nắm bắt và chỉ đạo chưa sát sao. Nguyên nhân khách quan do phần mềm cập nhận lên hệ thống còn nhiều bất cập, chương trình diễn ra vào thời điểm các đơn vị đang tập trung cho hoạt động cuối năm như: Tết nguyên đán, đánh giá, tổng kết, khen thưởng các hoạt động…. Tháng 5 là thời điểm tập trung cho các hoạt động tháng Công nhân, tháng An toàn vệ sinh lao động…. do vậy cán bộ phụ trách quản trị tại đơn vị phân tán, gây khó khăn trong việc cập nhật lên phần mềm…
Nhận diện rõ khó khăn, thách thức, nhiệm vụ được đặt ra trong giai đoạn 2 đối với Công đoàn cơ sở: Quyết tâm, tập trung chỉ đạo, đôn đốc đoàn viên tích cực tham gia chương trình; tham mưu, hướng dẫn triển khai các nội dung liên quan đến chương trình; tập trung huy động tham gia sáng kiến của đoàn viên, người lao động khu vực sản xuất, kinh doanh, cán bộ, công chức, viên chức; biểu dương, khen thưởng kịp thời đoàn viên, người lao động có sáng kiến, tập thể có nhiều đoàn viên gửi sáng kiến tham gia chương trình.
Với Công đoàn trên cơ sở: Tập trung chỉ đạo, đôn đốc triển khai chương trình; phân công cụ thể nhiệm vụ gắn với trách nhiệm cán bộ phụ trách, tham mưu, hướng dẫn triển khai các nội dung liên quan; xây dựng sự ủng hộ, đồng thuận, phát huy hiệu quả trong công tác phối hợp, tạo điều kiện của thủ trưởng cơ quan, đơn vị và người sử dụng lao động trong doanh nghiệp; phát huy vai trò Tổ hỗ trợ sáng kiến của công đoàn cơ sở trong công tác tham mưu, hướng dẫn, giúp đỡ đoàn viên tham gia nộp sáng kiến, quản lý, tổng hợp và thực hiện nhiệm vụ quản trị sáng kiến của các đơn vị; có cơ chế phù hợp, tạo điều kiện, động viên cán bộ trong Tổ hỗ trợ sáng kiến hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Bà Lê Thị Đức - Phó Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam trao tặng khen thưởng cho các cá nhân |
Đối với Công đoàn Công Thương Việt Nam: Đẩy mạnh công tác truyền thông cho chương trình, tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của chương trình, các mô hình mới, cách làm sáng tạo, câu chuyện về sáng kiến, lịch sử sáng kiến tiêu biểu; người lao động cùng với khẩu hiệu “Tự hào trí tuệ lao động Việt Nam”; nghiên cứu tổ chức “Tuần cao điểm”, “Tháng cao điểm” để động viên đoàn viên, người lao động phát huy sáng kiến, cải tiến, cập nhập trên hệ thống phần mềm của chương trình; tiếp tục kịp thời động viên khen thưởng các tập thể và cá nhân có thành tích; nghiên cứu các giải pháp sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tiễn và đặc thù của đơn vị; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, đặc biệt là khó khăn của đoàn viên, người lao động trong các đơn khi tham gia đăng tải sáng kiến.
Sơ kết giai đoạn 1 của Chương trình “01 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19”, Công đoàn Công Thương Việt Nam đã khen thưởng 45 tập thể và 93 cá nhân. |