Nông thôn mới thông minh: Khi công nghệ gắn liền đời sống Học sinh nông thôn sáng tạo công nghệ phục vụ sản xuất Tín dụng chính sách thúc đẩy mô hình nông thôn mới |
Kinh tế tuần hoàn: Hướng đi bền vững cho nông nghiệp
Kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp là mô hình sản xuất khép kín, tận dụng tối đa nguồn tài nguyên, giảm thiểu chất thải và tái tạo giá trị từ phụ phẩm, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Tại Việt Nam, mô hình vườn - ao - chuồng (VAC) đã được áp dụng phổ biến từ những năm 1980 và được coi là hình thức nông nghiệp tuần hoàn đơn giản và sơ khởi nhất.
Đến nay, VAC được cải tiến thành các mô hình như VACB (vườn - ao - chuồng - biogas), VACR (vườn - ao - chuồng - rừng) hay VAH (vườn - ao - hồ), phù hợp với từng vùng sinh thái. Các mô hình này không chỉ giúp người dân tận dụng phụ phẩm nông nghiệp để tái chế làm phân bón, thức ăn chăn nuôi mà còn giảm phát thải khí nhà kính và ô nhiễm nguồn nước.
Tại huyện Châu Thành (Tiền Giang), nhiều hộ nông dân đã liên kết trồng mít, sầu riêng xen canh với nuôi cá, sử dụng lá và phụ phẩm trái cây làm thức ăn chăn nuôi hoặc ủ phân hữu cơ. Mô hình này giúp giảm hơn 30% chi phí sản xuất, tăng thu nhập do không phải mua phân bón hóa học và đảm bảo chất lượng nông sản sạch, an toàn.
![]() |
Kinh tế tuần hoàn là hướng đi tất yếu của ngành nông nghiệp. Ảnh: Văn Anh |
Tại Tây Ninh, một số hợp tác xã chăn nuôi bò sữa đã đầu tư hầm biogas công suất lớn, xử lý chất thải chăn nuôi thành khí đốt và phân bón hữu cơ, vừa phục vụ sản xuất, vừa cung cấp điện thắp sáng cho trang trại. Nhờ đó, chi phí vận hành giảm đáng kể và môi trường chăn nuôi sạch sẽ, an toàn hơn.
Đáng chú ý, ngày 19/6/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 540/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đến năm 2030". Đề án đặt mục tiêu đến năm 2025, tối thiểu 70% phụ phẩm nông nghiệp được tái sử dụng, tái chế phục vụ sản xuất nông nghiệp và công nghiệp, đồng thời giảm 30% lượng chất thải phát sinh chưa qua xử lý ra môi trường.
Chị Nguyễn Thị Lan, hộ nông dân tại xã Tân Phú Trung (huyện Củ Chi) chia sẻ: "Gia đình tôi áp dụng mô hình VACB từ năm 2022, tiết kiệm được chi phí chất đốt, phân bón. Môi trường sống sạch hơn, cây trồng khỏe mạnh, vật nuôi ít bệnh hẳn".
Anh Trần Văn Minh, chủ trang trại rau hữu cơ ở Đà Lạt, nói: "Tái chế phụ phẩm sau khi sử dụng như: Bã trà, bã cà phê, rau củ héo úa, thức ăn thừa thành phân EcoClean Compost giúp tôi giảm 40% chi phí phân bón, cải thiện chất đất. Năng suất rau hữu cơ tăng đều qua từng vụ".
Ngoài ra, các địa phương như Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Phước, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai cũng đã ban hành kế hoạch thực hiện đề án này trên địa bàn, với mục tiêu phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp dựa trên cơ sở đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ tiên tiến để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực trong nông nghiệp, gia tăng giá trị nông sản, tăng tỷ lệ phụ phẩm nông nghiệp được tái sử dụng, tái chế, bảo vệ môi trường, tạo việc làm, thúc đẩy quá trình chuyển đổi nông nghiệp xanh, phát thải thấp.
Xu thế tất yếu và cơ hội vươn xa
Có thể thấy, kinh tế tuần hoàn không chỉ là xu thế tất yếu mà còn là chìa khóa giúp nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững, giảm phụ thuộc vào hóa chất và tài nguyên thiên nhiên, đồng thời gia tăng giá trị gia tăng cho nông sản. Việc ứng dụng các mô hình sản xuất khép kín, tận dụng phế phẩm và chất thải hữu cơ đang mở ra cơ hội lớn cho ngành nông nghiệp trong bối cảnh biến đổi khí hậu và yêu cầu tiêu chuẩn xanh – sạch ngày càng khắt khe từ thị trường quốc tế.
![]() |
Nhiều hợp tác xã chăn nuôi bò sữa tại Tây Ninh đã đầu tư hầm biogas công suất lớn, xử lý chất thải chăn nuôi thành khí đốt và phân bón hữu cơ. Ảnh: Hồng Đạt |
Tuy nhiên, để hiện thực hóa tiềm năng này, rất cần sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã và chính người nông dân. Các chương trình hỗ trợ kỹ thuật, vốn vay ưu đãi, đầu tư công nghệ xử lý phụ phẩm, phân loại rác thải tại nguồn cũng cần được triển khai rộng rãi, nhất là ở các vùng nông thôn, vùng sản xuất tập trung.
Trong tương lai gần, khi Đề án kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đến 2030 được thực thi đồng bộ, kết hợp cùng những mô hình thực tiễn hiệu quả hiện nay, nông nghiệp Việt Nam không chỉ đứng vững ở thị trường nội địa mà còn nâng tầm trên bản đồ xuất khẩu nông sản thế giới với những sản phẩm xanh, sạch và bền vững. |