Thanh niên Việt - Trung: Chia sẻ kinh nghiệm về khởi nghiệp trong thời đại số Thời cơ vàng cho khởi nghiệp về công nghệ xanh Khởi nghiệp giảng đường: 7 năm thắp lửa |
Từ sân chơi nhỏ…
Những năm gần đây, khởi nghiệp sáng tạo không còn là khái niệm xa vời trong cộng đồng học sinh, sinh viên Việt Nam. Từ những ý tưởng giản đơn xuất phát từ giảng đường, lớp học, các bạn trẻ đã và đang dần trở thành lực lượng tiên phong, góp phần xây dựng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo năng động.
Ngành giáo dục đã góp sức tạo nên “trend” này khi tạo ra những sân chơi bổ ích, vừa mang tính giáo dục vừa mở ra môi trường để các em học sinh, sinh viên bộc lộ và thể hiện tài năng.
Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” lần thứ VII năm 2025 là một điển hình. Sau 2 tháng phát động, cuộc thi đã nhận được 775 dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục phổ thông. Sau vòng bán kết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lựa chọn 125 dự án xuất sắc tham dự vòng chung kết cuộc thi.
![]() |
Giám khảo trải nghiệm sản phẩm tại cuộc thi UEB Business Challenges Season 7. Ảnh: Hoàng Lan |
Đáng nói, có nhiều dự án đã được học sinh, sinh viên triển khai và chuyển sang giai đoạn có lãi, chỉ số doanh thu, lợi nhuận có mức độ tăng trưởng khá ấn tượng.
Ở quy mô nhỏ hơn, cuộc thi UEB Business Challenges Season 7 do Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức thể hiện rõ tính chuyên nghiệp và độ khó cao. Năm nay, cuộc thi có quy mô với hơn 900 sinh viên, gần 133 đội thi đến từ 27 trường đại học và 2 doanh nghiệp trên toàn quốc.
Cuộc thi có sự góp mặt của các trường đại học uy tín như: Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Ngoại thương, Học viện Tài chính, Học viện Ngoại giao, Đại học FPT, Đại học RMIT và các đội thi quốc tế đến từ Ireland, Hoa Kỳ, Bangladesh. Đồng hành cùng các đội thi là 28 người hướng dẫn nhiều kinh nghiệm đến từ các lĩnh vực: Kinh doanh, tài chính, công nghệ, marketing, trí tuệ nhân tạo, bất động sản, giáo dục...
Chứng kiến các em sinh viên tự tin trình bày kết quả nghiên cứu với kỹ thuật rất khó như phòng lab ảo, chiến lược marketing mảng thương mại sản phẩm … không chỉ thể hiện tư duy chiến lược sắc sảo, khả năng ứng dụng kiến thức vào thực tiễn, mà còn mang đến những giải pháp kinh doanh táo bạo, có tính ứng dụng và giá trị lan tỏa cao trong xã hội.
Ngoài ra, có thể điểm tên những sân chơi hấp dẫn khác, như: “Khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên tỉnh Nghệ An”, “Ý tưởng khởi nghiệp học sinh phổ thông TP. Hồ Chí Minh”, hay “Sáng tạo trẻ Thủ đô” tại Hà Nội.
Các cuộc thi này không chỉ giúp phát hiện tài năng sớm, mà còn xây dựng một thế hệ học sinh không ngại nghĩ, dám làm, sẵn sàng khởi nghiệp khi có cơ hội.
Đến “nhân tố mạnh” cho phát triển đất nước
Dễ nhận thấy, trong phong trào khởi nghiệp học đường hiện nay, không ít học sinh, sinh viên đã không chỉ dừng lại ở việc “có ý tưởng” mà còn theo đuổi đến cùng để đưa sản phẩm ra thị trường.
Nhiều dự án ấn tượng như: Hệ sinh thái hỗ trợ người trầm cảm (MindCare), app du lịch thông minh dành cho người khiếm thị (WeShare), sản phẩm nấm rơm sạch từ phế phẩm nông nghiệp, hay các loại đồ dùng học tập tái chế thân thiện môi trường … cho thấy khả năng nhìn nhận vấn đề xã hội và đề xuất giải pháp thiết thực của thế hệ trẻ hiện nay là rất đáng khích lệ.
Một điểm đáng chú ý là, nhiều học sinh, sinh viên hiện đã biết cách vận dụng công nghệ, từ AI, IoT, đến blockchain để tăng giá trị và tính khả thi cho dự án. Đây không còn là cuộc chơi đơn thuần của sự nhiệt huyết, mà ngày càng có chiều sâu, bài bản hơn.
Gần 10 năm đồng hành cùng các bạn sinh viên tham gia các mùa Business Challenges, PGS.TS. Lê Trung Thành - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, bày tỏ, cuộc thi không chỉ là sân chơi mà còn là hệ thống thực tiễn, nơi 10% tổng số đội thi đã được nhận đầu tư, một số đội thi đã thành lập công ty và được mời vào Shark Tank Việt Nam.
“Đây là minh chứng sống động do cuộc thi mang lại, cũng là nguồn lực cho nhà trường đầu tư phát triển sân chơi này trong tương lai”, PGS. TS. Lê Trung Thành nói.
Qua trao đổi bên lề các cuộc thi, không ít bạn trẻ, dù còn ngồi trên ghế nhà trường, đã trải qua thất bại trong hành trình khởi nghiệp nhưng vẫn tiếp tục. Sự kiên trì này, hơn bất kỳ bài giảng nào, là minh chứng sống động nhất cho việc giáo dục khởi nghiệp không chỉ để tạo ra doanh nhân, mà còn để rèn luyện bản lĩnh sống.
Khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên ngày nay không chỉ mang ý nghĩa giáo dục cá nhân, mà còn là lời khẳng định cho một chiến lược dài hạn: Xây dựng thế hệ doanh nhân có trí tuệ, bản lĩnh và tinh thần phụng sự. Mỗi ý tưởng nhỏ hôm nay có thể là nền móng cho một doanh nghiệp lớn ngày mai, mang sản phẩm và thương hiệu Việt vươn ra thế giới.
Thế hệ trẻ ngày hôm nay là tương lai đất nước ngày mai, tại Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ VII mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn lại lời Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên”.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh, việc tạo dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo không phải là câu chuyện của ngày một, ngày hai mà là cả một chiến lược lâu dài, cần các giải pháp căn cơ, chiến lược toàn diện, không cầu toàn, không nóng vội.
Thủ tướng cũng đề nghị, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp phải có hệ sinh thái, phải tạo ra phong trào, xu thế, tạo động lực, truyền cảm hứng bằng nhiều hình thức, sự giúp đỡ, cơ chế, chính sách khác nhau để phong trào, xu thế sống mãi. Phong trào này phải mang lại lợi ích cho chính sinh viên, gia đình thì mới sống mãi, nâng bước cho họ phát triển, tạo niềm tin, động lực cho phát triển với tinh thần “thần tốc, táo bạo”, không có giới hạn trong đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp.
Một quốc gia khởi nghiệp không thể thiếu tinh thần khởi nghiệp từ mỗi cá nhân, đặc biệt là giới trẻ. Đây là quá trình khó khăn, cần sự kiên trì, bản lĩnh vượt qua trở ngại, cần ý chí dám làm khác biệt, dám đương đầu với thử thách, dám vượt qua giới hạn của chính bản thân mình, dám chấp nhận rủi ro để kiến tạo giá trị.
Không phải tất cả học sinh, sinh viên đều sẽ trở thành doanh nhân nhưng khi tư duy khởi nghiệp được nuôi dưỡng, mỗi người sẽ có tinh thần đổi mới, năng lực giải quyết vấn đề, sẵn sàng thích ứng và tạo ra giá trị - đó là điều kiện cốt lõi để hình thành một lực lượng lao động chất lượng cao. |