Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng về hàng không cao
Tại buổi họp báo về “Báo cáo triển vọng thị trường hàng không thương mại (CMO)” của Boeing vào sáng 24/4, theo ông Dave Schulte, Giám đốc tiếp thị mảng máy bay thương mại Boeing, quá trình hợp tác trong 30 năm qua giữa Boeing và Việt Nam bắt đầu bằng việc Vietnam Airlines thuê máy bay 767-300ER vào năm 1995, và đến đầu năm 2000 mua 777-200ER. Gần đây, Vietjet đặt hàng 200 máy bay 737MAX và Vietnam Airlines 50 máy bay này của Boeing, Vì thế, phía Tập đoàn này mong muốn sẽ thấy nhiều máy bay Boeing được các hãng bay Việt Nam khai thác.
![]() |
Ông Dave Schulte, Giám đốc tiếp thị mảng máy bay thương mại Boeing. Ảnh: TT |
“Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng hàng không cao nhất trong khu vực Đông Nam Á với tốc độ thường niên là khoảng 8% từ 2025-2030. Từ nay đến 2029 GDP của Việt Nam dự báo tăng 1/3 so với hiện tại và tăng trưởng sản xuất công nghiệp 5%/năm, đây cũng là tiền đề tăng trưởng của ngành hàng không”, ông Dave Schulte đánh giá.
Trong 10 năm tới, lưu lượng hàng không tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng gấp đôi, đạt hơn 75 triệu lượt hành khách mỗi năm.
Khai thác máy bay mới giúp các quốc gia cải thiện tức thì khả năng kết nối cũng như tăng trưởng kinh tế. Ước tính các hãng hàng không trên khắp Đông Nam Á sẽ cần đến 4.720 máy bay mới trong vòng 20 năm tới, trong đó máy bay một lối đi chiếm 80% tổng số lượng máy bay dự kiến được giao.
Dòng máy bay 737 MAX là lựa chọn phù hợp để phát triển các đường bay đang tăng trưởng nhanh trong nội địa và khu vực như Cần Thơ, Huế, Hải Phòng, Đà Lạt, Phú Quốc và Nha Trang. Với khả năng vận hành ổn định và hiệu quả, 737 MAX mang đến sự linh hoạt trong khai thác, đồng thời gia tăng đáng kể lợi nhuận trên mạng lưới đường bay cho các hãng hàng không. Đặc biệt, dòng máy bay này còn giúp giảm lượng khí thải và phát thải carbon lên đến 20% so với các dòng tiền nhiệm.
Để đáp ứng nhu cầu bay đường dài, các dòng máy bay thân rộng như 787 Dreamliner và 777X dự kiến sẽ chiếm khoảng một phần năm tổng số máy bay được giao tại Đông Nam Á trong vòng 20 năm tới.
Nhờ khả năng kết nối Việt Nam với châu Âu và Bắc Mỹ, dòng 787 Dreamliner hiệu năng vượt trội không chỉ giúp mở ra các đường bay mới, mang lại lợi nhuận cho các hãng hàng không.
Khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ chiếm khoảng một phần ba tổng số máy bay chở hàng được giao trên toàn cầu đến năm 2043. Trong đó, Đông Nam Á được dự báo sẽ cần hơn 120 chiếc máy bay chở hàng mới và hoán cải trong giai đoạn này.
Là nhà sản xuất máy bay chở hàng dẫn đầu thị trường, Boeing hiện đóng góp hơn 90% công suất vận tải hàng hóa hàng không trên toàn thế giới, bao gồm cả máy bay mới sản xuất và máy bay chuyển đổi. 777-8 Freighter sẽ là mẫu máy bay hai động cơ lớn nhất, mạnh mẽ nhất, và tiết kiệm nhiên liệu nhất trên thế giới. Máy bay này không những sở hữu tải trọng lớn nhất mà còn có mức sử dụng nhiên liệu, phát thải và chi phí vận hành trên một tấn thấp nhất so với các dòng máy bay chở hàng cỡ lớn hiện hành.
Việt Nam tiến gần hơn tới chuẩn sân bay khu vực
Nhận định về thị trường hàng không Việt Nam thời gian tới, Giám đốc Marketing của Boeing bày tỏ, với sự phát triển về hạ tầng sân bay tại Việt Nam mà điển hình là việc vừa khánh thành nhà ga hành khách T3 - sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (TP. Hồ Chí Minh), hay dự kiến đưa vào khai thác sân bay quốc tế Long Thành - sân bay lớn nhất Việt Nam - trong năm 2026, sẽ tạo thêm động lực cho sự phát triển của ngành hàng không Việt Nam.
"Việc khai trương các sân bay mới sẽ đồng nghĩa với việc có thêm nhiều sân đỗ và đường băng hiện đại, góp phần tạo tiền đề cho các sân bay Việt Nam có thể tiến tới sánh với các sân bay hàng đầu khu vực như Changi ở Singapore hay Incheon của Hàn Quốc", Giám đốc Marketing của Boeing nói.
Dự báo chỉ ra rằng, tăng trưởng nhu cầu máy bay sẽ kéo theo sự gia tăng đáng kể về nhu cầu nhân lực ngành hàng không, bao gồm phi công, kỹ sư và nhân viên mặt đất, mở ra nhiều cơ hội việc làm ở cả Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.
Các hãng hàng không trong khu vực được dự đoán sẽ cần tuyển dụng và đào tạo thêm 234.000 nhân sự mới, bao gồm phi công, kỹ thuật viên bảo trì và đội ngũ tiếp viên, hơn gấp ba lần nhân lực hàng không hiện tại trên toàn khu vực.
Đại diện của Boeing dự báo, từ nay đến năm 2029, quy mô GDP của Việt Nam sẽ đạt hơn 670 tỷ USD, thăng hạng từ vị trí thứ 37 lên 29 trong các nền kinh tế, thậm chí vượt qua vượt qua các nền kinh tế khác trong khu vực ASEAN. Tiền đề tăng trưởng kinh tế vừa nêu sẽ tạo bước đột phá cho sự phát triển về hàng không của Việt Nam |