Người đàn ông hơn 30 năm làm trưởng bản
Quyết tâm đẩy lùi ma túy
Cùng chúng tôi đi trên con đường dẫn vào bản Pha Luông đã đổ bê tông phẳng phiu, ông Sồng A Tủa nhớ lại: 42 hộ đồng bào Mông đến Pha Luông định cư năm 1986, khi đó Pha Luông là bản 4 “không” (không điện, không đường, không trường học, không trạm xá), cuộc sống hoàn toàn tự cung tự cấp, thiếu thốn trăm bề. Giống như ông Tủa, cả bản không ai biết chữ… “Cứ vén cây, xuyên rừng mà đi thôi, ăn còn không đủ no, nghĩ gì đến điện với đi học” – ông Tủa bùi ngùi.
Bản Pha Luông đã bớt xa, bớt khó hơn nhờ những con đường được mở rộng |
Khi bản biên giới Pha Luông mới thành lập, nơi đây còn rất hoang sơ, bao bọc bởi tre, trúc và cây hỗn tạp. Để có đất ở và sản xuất, người dân trong bản chặt tre, phá trúc dựng lán để ở, phá rừng làm nương rẫy, trồng các loại cây lương thực ngắn ngày để lấy cái ăn. Cây thuốc phiện trở thành một trong những loại cây cho thu nhập tốt nhất lúc đó ở Pha Luông. Cũng vì trồng nhiều thuốc phiện nên rất nhiều gia đình ở Pha Luông có người nghiện ma túy - Pha Luông được xác định là điểm nóng về ma túy lúc bấy giờ.
Giữa lúc Pha Luông khó khăn trăm bề, ông Sồng A Tủa được bà con trong bản tín nhiệm bầu làm trưởng bản, rồi trở thành đảng viên đầu tiên của Pha Luông. Với suy nghĩ, muốn bớt khổ thì phải tránh xa ma túy, ông Tủa cho họp dân lại, nói cho họ hiểu buôn ma túy là vi phạm pháp luật, làm lần 1 có thể thoát, nhưng lần 2, lần 3 là sẽ bị bắt; bị đi tù, thậm chí bị tử hình. Sau nhiều lần họp bản, nhắc nhở số người trong bản đi buôn bán ma túy dần ít đi; số người nghiện thì quyết tâm đi cai nghiện.
Trưởng bản Sồng A Tủa |
Đến nay, mặc dù Pha Luông đã có 86 hộ với 520 nhân khẩu – tăng gấp đôi so với trước kia nhưng số người nghiện ma túy chỉ còn vài người. Thế hệ các con cháu của ông Tủa không những tránh xa ma túy, mà còn bắt đầu dựng nhà nghỉ đón khách du lịch, dẫn khách đi lên đỉnh Pha Luông tham quan.
Mở đường đón tương lai
“Bà con hiểu ra, không sa đà vào ma túy, mình bắt đầu bày cho họ trồng lúa, làm nương, nuôi con trâu, con bò. Nhưng muốn bà con nghe thì mình phải làm trước. Học những bản khác, tôi cải tạo ruộng trồng lúa nước; tìm mua giống cây ăn quả về trồng. Thấy tôi trồng được nhiều ngô, nhiều thóc, bà con cứ thế làm theo. Nay thì cả bản Pha Luông chỉ còn 6 hộ nghèo, các hộ khác chưa khá đâu, nhưng đã tu chí làm ăn, biết cho con cái đến trường, đến lớp” – ông Tủa vừa cho hay vừa chỉ về phía những vạt nương được phủ kín bởi các loại cây trồng như nhãn, xoài…đang bắt đầu lên xanh.
Không chỉ giúp bà con tránh xa ma túy, ông Tủa còn được nhiều người nhắc đến bởi thành tích đáng nể khi đứng ra vận động người dân trong bản mở 7km đường đất chiều rộng 3 mét lên đỉnh Pha Luông để thuận tiện cho việc đi làm nương của bà con. Tiếp sau đó, năm 2015, thấy bà con vẫn vất vả với con đường đất lổn nhổn đá to, nắng thì bụi, mưa thì trơn trượt…, ông Tủa đặt vấn đề với xã Chiềng Sơn xin xi măng, rồi vận động bà con đóng góp công sức và hơn 1 tỷ đồng để hoàn thiện 3,2 km đường bê tông. Năm 2019, đường hoàn thành, xe ô tô bốn chỗ đã có thể lên tận bản. Nhờ có con đường, Pha Luông nay không còn xa xôi, việc mua bán nông sản của đồng bào Mông ở Pha Luông và cả các bản xung quanh như Suối Thín, Dân Quân cũng thuận lợi hơn rất nhiều…
Nhắc đến trưởng bản Sồng A Tủa, ông Phan Thanh Hoằng – Bí thư xã Chiềng Sơn tấm tắc: Pha Luông thay đổi là nhờ nhiều vào người trưởng bản “dám nghĩ, dám làm” này. Mặc dù không học hành nhiều, nhưng bằng nhiệt huyết, nhất là việc am hiểu tâm lý đồng bào Mông… ông Tủa có tiếng nói rất hiệu quả với người dân. Nhờ ông Tủa, nhiều chương trình, chính sách của Đảng và Nhà nước đã kịp thời đến với bà con ở bản biên giới Pha Luông; ý thức về lao động, gìn giữ an ninh trật tự của bà con đã tốt hơn rất nhiều.
Hơn tất cả, những đổi thay lớn lao của Pha Luông hôm nay chính là sự ghi nhận ý nghĩa nhất đối với những gì trưởng bản Sồng A Tủa đã cống hiến cho bản làng, cho bà con nơi đây.