Nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc
Phụ nữ dân tộc thiểu số là một trong những đối tượng trọng tâm của dự án |
Hỗ trợ phát triển sinh kế
Dự án Giảm nghèo các tỉnh miền núi phía Bắc tập trung hỗ trợ xoá đói, giảm nghèo cho người dân thông qua các khía cạnh như hỗ trợ phát triển sinh kế theo nhóm kế hoạch có sự tham gia của người dân, nâng cao năng lực quản lý sản xuất, kết nối sản xuất với thị trường…
Theo khảo sát mới nhất của dự án, trên 85% số nhóm có sự gia tăng về sinh kế, trong đó, gần 50% nhóm cho thu nhập gia tăng từ 50 triệu đồng trở lên. Các địa phương cũng đang tích cực hỗ trợ các nhóm phát triển để kiện toàn thành các tổ hợp tác hoặc đăng ký thành HTX theo đúng quy định của nhà nước. Đáng chú ý, trong số gần 12.000 nhóm CIG đã có 11 nhóm phát triển thành HTX đa ngành và 121 nhóm phát triển thành tổ hợp tác.
Mô hình hoạt động phát triển sinh kế theo tổ nhóm là một điểm mới được triển khai tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Qua nhiều năm hoạt động và nhiều chu kỳ sản xuất, các kết quả đạt được đã chứng minh sự thành công của mô hình các CIG này. Chia sẻ về lợi ích dự án mang lại, bà Nông Thị Luận - Tổ trưởng tổ hợp tác Kinh doanh thức ăn gia súc và bán hàng nông sản tại Bản São, xã Tân Lập, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái dẫn chứng qua những con số ngày càng phát triển. “Nhóm CIG của chúng tôi hình thành từ tháng 5/2013 với 10 thành viên và vốn ban đầu dự án hỗ trợ là 1 con lợn nái. Đến nay, chúng tôi đã có tổng vốn khoảng 100 triệu đồng và số thành viên cũng tăng lên 15 thành viên và bắt đầu bước vào mô hình tổ hợp tác từ tháng 8/2017. Trước đây gia đình làm ruộng, một tháng thu nhập chỉ được khoảng 800.000 đồng, nhưng khi tham gia vào dự án, vợ chồng tôi biết cách phát triển sản xuất hơn. Đến nay, mỗi tháng thu nhập của gia đình được 1.500.000 đồng Vì thế, chúng tôi đang bàn bạc để mục tiêu là sẽ phát triển tiếp lên mô hình HTX đa ngành”, bà Luận nói.
Hướng đến phát triển các chuỗi liên kết
Chia sẻ tại Hội thảo ngày hội CIG kết hợp Tọa đàm “Vai trò của phụ nữ tham gia giảm nghèo bền vững”, ông Nguyễn Thanh Dương - Giám đốc Ban điều phối dự án Trung ương - Vụ trưởng Vụ Kinh tế Nông nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết: “Mô hình hoạt động nhóm sản xuất là rất mới với các tỉnh miền núi phía Bắc đi cùng trình độ giữa các nhóm không đồng đều nên chúng tôi cũng không đặt mục tiêu hình thành HTX. Tuy nhiên, các tổ hợp tác và HTX sẽ là những mô hình phát triển bền vững ngay cả khi dự án kết thúc”.
Theo ông Dương, dự án ngoài cấu phần hỗ trợ hình thành các nhóm CIG cao hơn là các tổ hợp tác, HTX thì cấu phần thứ 2 của dự án là nghiên cứu tiềm năng của các tỉnh được dự án hỗ trợ sau đó mời gọi sự tham gia của DN. Đến nay, dự án đã triển khai được 130 liên kết với sự tham gia của 70 DN cùng việc hình thành một số vùng chuyên canh như: Vùng mía ở Hòa Bình, đương quy ở Lào Cai hay những vùng trồng dong riềng, chanh leo… Các tỉnh miền núi phía Bắc có đặc thù là khí hậu khắc nghiệt đi kèm đường xá không thuận lợi nên DN cũng cân nhắc khá nhiều về mục tiêu lợi nhuận. Tuy nhiên, từ 130 liên kết này, chúng tôi kỳ vọng DN sẽ biết tới nhiều hơn tiềm năng của các tỉnh miền núi phía Bắc để tham gia vào chuỗi cung ứng, gia tăng quy mô sản xuất ở các tỉnh này.
Bà Nguyễn Thị Thu Lan - Chuyên gia Tài nguyên cao cấp WB, Chủ nhiệm quản lý dự án cho biết: Sau dự án này, WB tiếp tục hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thực hiện dự án NTP với số tiền hỗ trợ từ WB là 200 triệu đô-la Mỹ cùng tiền từ ngân sách nhà nước. Dự án này cũng hỗ trợ các tỉnh nghèo nhưng các tỉnh cụ thể sẽ do Chính phủ Việt Nam lựa chọn. Thông qua các dự án giảm nghèo, WB đặt kỳ vọng các cách làm hay được thể chế hóa và nhân rộng mô hình hướng tới mục tiêu giúp Chính phủ Việt Nam hỗ trợ thực hiện giảm nghèo bền vững. |