Lập xã mới cho người dân di cư tự do ổn định cuộc sống
Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình (thứ tư từ trái sang) cùng đoàn công tác khảo sát thực địa tại xã Đắk Ngo (Đắk Nông) |
Di dân tự do gây mất an ninh trật tự
Theo báo cáo của UBND tỉnh Đắk Nông, trên địa bàn hai xã Đắk Ngo và Quảng Trực hiện có 1.583 hộ dân đang lấn chiếm đất trái phép với diện tích khoảng hơn 3.856 héc-ta. Trong số 1.583 hộ dân nói trên có 283 trường hợp hộ khẩu tại Đắk Nông, 533 trường hợp có hộ khẩu tỉnh Bình Phước, 197 trường hợp có hộ khẩu tại các tỉnh khác và có tới 570 trường hợp không xác định được hộ khẩu. Người dân ở đây chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là những địa bàn vùng sâu, vùng xa, đường xá đi lại hết sức khó khăn. Những người dân ở các địa phương khác đến gây ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm và mua bán đất rừng trái phép, làm phức tạp tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.
Để ổn định tình hình, tỉnh Đắk Nông kiến nghị, đề xuất Chính phủ xem xét một số vấn đề trọng tâm: Bố trí kinh phí để địa phương thực hiện việc quy hoạch, lập đề án và đầu tư hạ tầng tại các cụm, điểm quy hoạch bố trí dân cư; Cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất quy hoạch lâm nghiệp sang đất phi lâm nghiệp để thực hiện bố trí dân cư, xây dựng cơ sở hạ tầng và cấp đất sản xuất cho các hộ dân yên tâm sản xuất…
Ổn định, xác lập đơn vị hành chính mới để quản lý
Sau khi khảo sát tại Đắk Ngo và Quảng Trực, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã làm việc với các bộ, ngành và lãnh đạo tỉnh Đắk Nông nhằm tìm giải pháp để ổn định đời sống, việc làm cho bà con. Phó Thủ tướng cho rằng yêu cầu cao nhất và cần làm ngay là ổn định đời sống, ổn định sản xuất, chăm lo công tác giáo dục, y tế và các thiết chế văn hóa khác cho người dân hai xã. Cụ thể, Đắk Nông cần nhanh chóng rà soát lại tình hình dân cư, triển khai ngay việc lập dự án định cư mới, thay thế dự án đã được phê duyệt trên tinh thần định cư, định canh tại chỗ, không di dời người dân đi nơi khác.
Phó Thủ tướng phân tích, dự án di dời, tái định cư đã được duyệt trước đây với diện tích 1.200 héc-ta đất và 450 tỷ đồng vốn đầu tư là không khả thi vì mất thêm đất rừng và ngân sách khó khăn không bố trí được. Qua khảo sát thực tế, hiện không còn đất rừng, đất lâm nghiệp giao cho các doanh nghiệp đã bị buông lỏng quản lý, người dân trên thực tế đã lấn chiếm sử dụng, hình thành một số cụm dân cư nhưng chưa xác lập đơn vị hành chính, chính quyền không quản lý được nên phát sinh tranh chấp, gây nên tình trạng tội phạm diễn biến phức tạp.
Phó Thủ tướng chỉ rõ, cần phải xác định dù người dân có xâm canh, xâm cư nhưng cũng là đồng bào dân tộc, người dân nghèo tha phương cầu thực. Vì vậy, cần phải quán triệt quan điểm lấy dân làm gốc, chăm lo cho cuộc sống bà con được ổn định, phát triển sản xuất, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần. Phương án tốt nhất là định cư, định canh tại chỗ, xác lập mới đơn vị hành chính, quy hoạch lại đất đai nhằm ổn định trật tự, phát triển sản xuất, tăng cường quốc phòng an ninh cho vùng biên giới...
Liên quan đến vấn đề đất đai sản xuất cho bà con, theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, tỉnh cần tính toán, xem xét công nhận thực tế diện tích đất bà con đang xâm cư, xâm canh nhưng phải theo hạn điền nhà nước quy định, phần diện tích còn lại có thể cho thuê để bà con sản xuất nếu là đất canh tác hoặc trồng rừng theo quy hoạch... Về quản lý dân cư, mặc dù đa số là dân di cư tự do nhưng với số lượng hộ dân khá lớn, gần 1.800 hộ (trên 5.000 dân) sinh sống trên một địa bàn có diện tích rộng, Phó Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan phối hợp với chính quyền tỉnh nhanh chóng lập đề án thành lập một đơn vị hành chính mới cấp xã, báo cáo Chính phủ xem xét để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.