Lai Châu tìm đầu ra bền vững cho sản phẩm vùng cao
Triển khai nhiều giải pháp kết nối cung cầu, xây dựng chuỗi giá trị
Theo báo cáo của UBND tỉnh Lai Châu, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030, tỉnh Lai Châu đã chủ động ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện chương trình giai đoạn I (2021-2025), bám sát theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Trong đó, riêng nội dung thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm và đầu tư mạng lưới hạ tầng thương mại cho vùng cao được tỉnh ưu tiên bố trí nguồn lực đáng kể. Cụ thể, 1.558 triệu đồng đã được phân bổ để triển khai Tiểu dự án 2 - Dự án 3 về thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào; 10.833 triệu đồng khác được dùng cho việc đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp mạng lưới chợ dân sinh thuộc Tiểu dự án 1 - Dự án 4. Có thể nói, quyết tâm chính trị đã được cụ thể hóa bằng hành động tài chính. Đây là một bước tiến quan trọng giúp những chủ trương không chỉ dừng lại trên giấy tờ.
Lai Châu đưa sản phẩm đến quảng bá tại Thủ đô Hà Nội (Ảnh: Moit) |
Không dừng lại ở việc phân bổ vốn, tỉnh Lai Châu đã triển khai hàng loạt hoạt động cụ thể để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm vùng cao. Trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay, đã có các phiên chợ, tuần hàng giới thiệu, quảng bá sản phẩm tại địa phương và các trung tâm tiêu dùng lớn là Hà Nội và Hải Phòng - nơi người tiêu dùng có thu nhập cao và thị hiếu tiêu dùng ngày càng chú trọng đến hàng đặc sản, hữu cơ, truy xuất nguồn gốc rõ ràng.
Không chỉ quảng bá trực tiếp, tỉnh còn phát huy vai trò của truyền thông hiện đại. Cụ thể, đã có 10 chuyên đề quảng bá sản phẩm được phát sóng trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh; 05 phóng sự và 10 bài viết chuyên sâu đã được thực hiện và phát sóng trên các kênh truyền hình uy tín như VTV5, VTC10 cũng như đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương. Những nỗ lực này không chỉ giúp người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến các sản phẩm vùng cao Lai Châu, mà còn từng bước xây dựng hình ảnh thương hiệu cho nông sản địa phương trong tâm trí người tiêu dùng hiện đại.
Đặc biệt, tỉnh Lai Châu còn chú trọng triển khai các giải pháp nhằm xây dựng các chuỗi liên kết sản phẩm hàng hoá. Tại Hội nghị bàn giải pháp liên kết tổ chức sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lai Châu cuối năm 2024, các huyện: Sìn Hồ, Tân Uyên, Than Uyên, Phong Thổ, Tam Đường ký kết Biên bản thống nhất phối hợp thực hiện liên kết vùng, tạo sản phẩm chủ lực của tỉnh, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung đối với cây mít, mía, dứa, chanh leo...
Lai Châu chú trọng xây dựng chuỗi giá trị cho các sản phẩm chủ lực (Ảnh minh hoạ) |
Song song với đó, các huyện: Tam Đường, Tân Uyên, Than Uyên, Phong Thổ, Sìn Hồ và thành phố Lai Châu đã ký Biên bản thống nhất phối hợp quản lý sản xuất, nâng cao chất lượng vùng chè. Đồng thời, ký biên bản ghi nhớ với Công ty CP Đầu tư xây dựng và thương mại Quang Hà Điện Biên để phát triển vùng trồng dứa với quy mô khoảng 1.000 ha; ký biên bản ghi nhớ với Công ty TNHH thương mại và sản xuất Khánh Thìn đầu tư trồng và phát triển cây Mít ruột đỏ với quy mô khoảng 800 ha; ký biên bản ghi nhớ với Công ty TNHH thương mại tỉnh Lai Châu phát triển cây Mía với quy mô khoảng 7.000 ha.
Công ty CP Bio Farm Việt Nam ký Biên bản ghi nhớ hợp tác với Công ty Cp Đầu tư phát triển Chè Tam Đường và Công ty TNHH Xây dựng Tuyền Phương về đầu tư sản xuất chè an toàn, nông nghiệp công nghệ cao gắn với du lịch quảng bá sản phẩm...
Thực tế cho thấy, bên cạnh sự hỗ trợ từ các cấp chính quyền tỉnh Lai Châu, các doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong việc mở rộng thị trường tiêu thụ thông qua kết nối với hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại lớn. Ông Giàng Xuân Cường, Giám đốc Hợp tác xã Mý Dao Sìn Hồ (huyện Sìn Hồ, Lai Châu) cho biết: Chúng tôi luôn đặt tiêu chí chất lượng lên hàng đầu, tất cả các sản phẩm đều được sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, từ khâu canh tác đến chế biến và đóng gói, đảm bảo mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm tốt nhất.
Theo đó, để phục vụ người tiêu dùng, Hợp tác xã Mý Dao Sìn Hồ đã tăng cường sản lượng, đầu tư thêm máy móc hiện đại và áp dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc. Nhờ sự hỗ trợ từ các chương trình xúc tiến thương mại và kết nối tiêu thụ của tỉnh, các sản phẩm của hợp tác xã không chỉ được tiêu thụ mạnh tại địa phương mà còn có mặt ở nhiều thị trường ngoài tỉnh.
Chợ vùng cao: Không chỉ là nơi mua bán
Một điểm nhấn khác trong hành trình tìm đầu ra cho sản phẩm vùng cao là việc đầu tư hạ tầng thương mại, đặc biệt là mạng lưới chợ dân sinh. Giai đoạn 2021 - 2024, Lai Châu đã hoàn thành xây dựng hoặc cải tạo 07 chợ tại các xã đặc biệt khó khăn. Trong đó, 06 chợ đã hoàn thành và đưa vào hoạt động, gồm: Chợ xã Vàng Ma Chải, Dào San, Sì Lở Lầu (huyện Phong Thổ); Chợ xã Tà Mung (huyện Than Uyên); Chợ xã Ka Lăng (huyện Mường Tè); Chợ xã Nậm Cuổi (huyện Sìn Hồ). Riêng chợ xã Nậm Ban (huyện Nậm Nhùn) đang tiếp tục triển khai thi công.
Lai Châu quan tâm đầu tư hệ thống chợ (Ảnh: Du lịch Lai Châu) |
Việc xây dựng chợ không chỉ giúp đồng bào có điểm bán hàng ổn định, mà còn góp phần nâng cao nhận thức về văn minh thương mại, phát triển sản xuất hàng hóa theo hướng chuyên nghiệp, hướng tới kết nối bền vững giữa sản xuất, phân phối và tiêu dùng.
Nhìn tổng thể, những nỗ lực của tỉnh Lai Châu bước đầu đã tạo ra thay đổi tích cực trong việc thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng cao. Đồng bào dân tộc thiểu số từng bước tiếp cận với phương thức bán hàng hiện đại, hiểu được vai trò của quảng bá thương hiệu, từng bước hình thành tư duy sản xuất theo chuỗi giá trị.
Tuy nhiên, hành trình tìm đầu ra bền vững cho sản phẩm vùng cao vẫn còn nhiều gian nan. Những hạn chế cố hữu như quy mô sản xuất nhỏ lẻ, năng lực chế biến, bảo quản còn yếu, kết nối với doanh nghiệp tiêu thụ chưa chặt chẽ… đang là “nút thắt” cần được tháo gỡ bằng chính sách đồng bộ và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Nông sản Lai Châu không chỉ là thành quả lao động của người dân vùng cao Tây Bắc mà còn mang trong mình giá trị văn hóa, tinh thần vượt khó. Với sự hỗ trợ từ các chương trình xúc tiến thương mại, liên kết tiêu thụ, nông sản Lai Châu đã khẳng định chỗ đứng trên thị trường, góp phần vào thay đổi diện mạo kinh tế địa phương.
Giai đoạn 2026 - 2030 sắp tới sẽ là thời điểm bản lề để nâng cấp hiệu quả chương trình. Những kinh nghiệm từ chặng đường đã qua chính là hành trang quý giá để Lai Châu xây dựng các giải pháp mới, sâu sát thực tế hơn, lấy thị trường làm trung tâm, từ đó giúp hàng hóa vùng cao thực sự “đi xa, bay xa” trên bản đồ tiêu dùng Việt Nam. |