Đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm làm việc tại Lai Châu
Thành lập 115 đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm
Sáng nay (13/5), Đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương số 5 về an toàn thực phẩm trong dịp “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2025 do bà Chu Thị Thu Hương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, Bộ Công Thương - làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc tại tỉnh Lai Châu.
Đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương số 5 về an toàn thực phẩm làm việc tại Lai Châu. Ảnh: CTTĐTLC |
Tham gia đoàn có đại diện: Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ Nông nghiệp và Môi trường; Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (C05), Bộ Công an; Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ; Viện Công nghiệp thực phẩm; Phòng Hạ tầng Thương mại; Phòng Kiểm soát viên thị trường; Phòng Nghiệp vụ quản lý thị trường (thuộc Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước), Bộ Công Thương.
Theo báo cáo kết quả triển khai các hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) trong “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2025 tại buổi làm việc cho thấy: Thời gian qua, UBND tỉnh Lai Châu và Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm các cấp đã quan tâm chỉ đạo tích cực, phối hợp tốt với các ban, ngành, đoàn thể trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. Các cấp từ tỉnh đến huyện, thành phố và xã, phường, thị trấn đã ban hành quyết định kiểm tra và lập kế hoạch triển khai bảo đảm thống nhất, đồng bộ; tăng cường công tác tuyên truyền…
Hoạt động kiểm tra tập trung vào những sản phẩm có nguy cơ cao về mất an toàn thực phẩm, các đoàn kiểm tra đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm. Trong “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2025, tỉnh Lai Châu đã thành lập 115 đoàn kiểm tra liên ngành; kiểm tra được 2.263 cơ sở/4.225 cơ sở thực phẩm hiện có; phát hiện 131 cơ sở chưa chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm. Trong đó, Chi cục Quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, phát hiện và thu giữ 2.160 gói bột ngọt FIJI-MOTO loại 100g/gói, 2.600 gói loại 300g/gói, 1.060 gói loại 900g/gói, 190 gói loại 2kg/gói, 200 gói bột canh mang nhãn hiệu Hà Nội có dấu hiệu giả mạo…
Việc bảo đảm an toàn thực phẩm ngày càng được người dân quan tâm và hưởng ứng. Trong “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2025, không ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm nào xảy ra.
Tăng cường công tác phối hợp, tuyên truyền
Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn công tác đã đặt câu hỏi và đề nghị đại diện các đơn vị tỉnh Lai Châu làm rõ thêm kết quả công tác đảm bảo an toàn thực phẩm của Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh trong dịp “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2025; công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm trong các lĩnh vực thuộc quản lý của Sở Y tế, Sở Nông nghiệp, an toàn thực phẩm trong trường học, quản lý kinh doanh rượu…
Sau khi làm rõ các nội dung, đại diện lãnh đạo các sở, ngành tỉnh Lai Châu cũng chỉ ra một số khó khăn, vướng mắc và đề xuất với Đoàn công tác nhằm triển khai hiệu quả công tác vệ sinh an toàn thực phẩm trong thời gian tới.
Tại buổi làm việc, ông Tống Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Lai Châu nhấn mạnh: Thời gian qua, Ban Chỉ đạo liên ngành tỉnh rất quan tâm đến công tác vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn; ban hành kế hoạch kịp thời; chủ động tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân và các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Trong các dịp lễ, Tết, các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo tổ chức các đoàn tăng cường kiểm tra, kiểm soát công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là tại các bếp ăn tập thể...
Cùng với đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cũng nêu một số khó khăn như: Địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn; cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm trên địa bàn chủ yếu là nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình; nhận thức của người kinh doanh thực phẩm, nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn hạn chế. Đồng thời, ông đề xuất với Đoàn công tác nghiên cứu sửa đổi các quy định cho phù hợp với mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; quan tâm hỗ trợ kinh phí đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác kiểm tra, xử lý vi phạm; tăng cường tập huấn, đào tạo về nghiệp vụ chuyên môn…
Phát biểu kết luận buổi làm việc, bà Chu Thị Thu Hương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, Bộ Công Thương ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Lai Châu đạt được trong thời gian qua, nhất là trong công tác tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát; sự phối hợp nhịp nhàng giữa các sở, ngành thành viên Ban Chỉ đạo. Bà Chu Thị Thu Hương cũng ghi nhận các kiến nghị, đề xuất của tỉnh Lai Châu và sẽ kiến nghị với các bộ, ngành Trung ương kịp thời tháo gỡ.
Đoàn công tác kiểm tra an toàn thực phẩm đề nghị thời gian tới tỉnh Lai Châu cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân, trong đó chú trọng tuyên truyền về chuỗi sản phẩm đạt chất lượng theo tiêu chuẩn, các sản phẩm OCOP; đẩy mạnh tuyên truyền tới vùng sâu, vùng xa, trong trường học. Đặc biệt, khi tổ chức chính quyền địa phương theo mô hình 2 cấp, tỉnh cần tăng cường phân cấp cho cấp xã; giao nhiệm vụ cho các sở, ngành chức năng hướng dẫn chính quyền cấp xã để góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý an toàn thực phẩm.
Ngay sau khi làm việc tại tỉnh, đoàn công tác đã kiểm tra thực tế tại một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Ảnh: CTTĐTLC |