Kỳ vọng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Dược liệu khô được cơ sở Mai Tú đóng túi trước khi bán ra thị trường |
Nơi sở hữu hàng trăm loại dược liệu quý
Từ thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam) phải đi thêm 120 km nữa mới đến được trung tâm huyện Nam Trà My. So với những năm trước, đường vào Nam Trà My nay đã đẹp hơn rất nhiều, nhưng vẫn xa và khá vòng vèo… Vậy nhưng, với những người đã biết về Nam Trà My thì so với ngày mới tái lập huyện (năm 2003) sự đổi thay của vùng đất này đã tăng 20 lần. Trong đó, cây dược liệu cũng đã góp một phần không nhỏ làm nên sự đổi thay ấy.
Ông Hồ Quang Bửu – Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, Nam Trà My có 10 xã (Trà Dơn, Trà Leng, Trà Mai, Trà Tập, Trà Don, Trà Vân, Trà Vinh, Trà Cang, Trà Nam, Trà Linh), thì cả 10 xã đều có các loại cây dược liệu phân bố trên vùng sinh thái dưới các tán rừng nguyên sinh. Ước tính, toàn huyện hiện có khoảng hơn 300 loài dược liệu khác nhau, trong đó có nhiều cây dược liệu quý như: Đẳng sâm, đương quy, giảo cổ lam, lan gấm, sơn tra, sa nhân… Đây đều là các loại dược liệu mọc tự nhiên dưới tán rừng từ nhiều đời nay, được cộng đồng quản lý và người dân chủ động khai thác khi đến mùa.
Nhận thấy giá trị của các dược liệu này, huyện Nam Trà My đã đưa ra những giải pháp, định hướng mang tính chiến lược để mở hướng phát triển bền vững các loại cây dược liệu quý của địa phương, dựa theo Quyết định số 1976/ QĐ-TTg ngày 30/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
Đến nay, Nam Trà My đã có 20 héc-ta diện tích đẳng sâm, 20 héc-ta sa nhân, 30 héc-ta đương quy, 20 héc-ta giảo cổ lam, 10 héc-ta lan gấm, 10 héc-ta sơn tra… Cùng với đó là nhiều loại cây đặc hữu khác như: Quế Trà My, sâm Ngọc Linh, tam thất… Ngoài các diện tích dược liệu mọc tự nhiên, Nam Trà My cũng đã quy hoạch những vùng trồng dưới tán rừng, vừa để bà con phát triển sản phẩm hàng hóa, vừa tạo điều kiện để giữ rừng. Nhờ cây dược liệu, nhiều hộ đồng bào Xê Đăng đã có thu nhập từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng/năm.
Sản phẩm phải tốt để tiếng lành đồn xa
Dạo một vòng quanh trung tâm huyện nhỏ bé của Nam Trà My, dễ dàng bắt gặp những tấm biển thu mua dược liệu nằm xen giữa những cửa hàng kinh doanh quy mô nhỏ. Tại cơ sở Dược liệu Mai Tú – một địa chỉ mua bán dược liệu có tiếng ở đây, chúng tôi đã có dịp trò chuyện cùng chị Trần Thị Sáu – người dân tộc Xê Đăng – hiện đang là Phó Chủ tịch xã Trà Mai. Chị Sáu cho biết, gia đình chị thu mua dược liệu cũng đã vài năm nay. Chủ yếu là mua của đồng bào Xê Đăng, M’Nông, Co trong huyện.
Chỉ cho chúng tôi xem các sản phẩm sâm, giảo cổ lam, chuối mốc, sâm cau, sơn tra… sấy khô, đóng túi cẩn thận, chị Sáu chia sẻ: “Đây đều là các loại dược liệu đồng bào dân tộc địa phương vẫn sử dụng nhiều đời nay để phòng và chữa bệnh, hiệu quả rất tốt. Nay với các thông tin về tác dụng của dược liệu được phổ biến, nhiều người ở nơi khác cũng đến tìm mua”. Tuy nhiên, thay vì mua bất chấp chất lượng với giá thấp, gia đình chị Sáu chủ động nâng giá thu mua cao, nhưng yêu cầu bà con phải làm hàng đảm bảo theo yêu cầu. “Rễ cau phải được rửa sạch sẽ trước khi thái; chuối mốc phải chín chứ không lẫn chuối non… Tôi vừa hướng dẫn bà con làm, vừa chỉ cho bà con thấy, nếu làm ẩu, sản phẩm sẽ mốc, sẽ giảm chất lượng. Đây cũng là cách giản dị, “mưa dầm thấm lâu” để bà con có thể có được những sản phẩm hàng hóa uy tín; từ đó tạo tiếng lành đồn xa”.
Không chỉ có những diện tích dược liệu quý hứng trọn tinh túy của đất trời, Nam Trà My đang có những người thu mua có trách nhiệm như chị Trần Thị Sáu, có sự vào cuộc tích cực của chính quyền với quyết tâm phát triển dược liệu thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện… Đây có thể xem là những yếu tố quan trọng để đưa Nam Trà My sớm trở thành một trung tâm nguyên, dược liệu lớn của miền Trung Tây Nguyên như kỳ vọng của chính quyền và bà con nơi đây.